40% doanh nghiệp sẽ tạm ngừng kinh doanh nếu không tìm được nguồn cung ứng thay thế
(PetroTimes) - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, hết tháng 3/2020, khoảng 30-40% doanh nghiệp sản xuất trong nước buộc phải đóng cửa nếu họ không tìm được nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào thay thế.
Ngành may mặc Việt Nam mong được giảm thuế để đối phó với Covid-19 |
Covid-19 bắt đầu đe dọa kinh tế Mỹ |
Nhiều ngân hàng đăng ký gói hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng Covid-19 |
TS Lê Đăng Doanh cho biết, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc, Hàn Quốc... khiến nguồn cung ứng đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất điện tử, dệt may, lắp ráp ô tô trong nước gặp vô vàn khó khăn.
Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất hàng hóa trung gian cho các ngành công nghiệp thế giới, đồng thời là thị trường tiêu thụ lớn của rất nhiều ngành hàng. Do đó, không chỉ ở Việt Nam, các ngành sản xuất trên thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Từ số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ linh kiện, phụ kiện để sản xuất đến cuối tháng 3/2020.
Doanh nghiệp điện tử tìm nguồn cung cấp thay thế là điều không hề dễ dàng. |
Ngành dệt may, da giày cũng chỉ dự trữ nguyên liệu sản xuất đến cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020.
Ông Doanh nhận định, hết tháng 3/2020, khoảng 30-40% doanh nghiệp sản xuất trong nước buộc phải đóng cửa, nếu họ không tìm được nguồn cung ứng nguyên liệu mới. Đến cuối tháng 6/2020, số doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng kinh doanh có thể lên đến 70%, ông Doanh dự đoán.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, theo ông Doanh, về tìm nguồn hàng cung ứng thay thế, các doanh nghiệp dệt may có thể cân nhắc nhập thêm từ thị trường Ấn Độ, Đài Loan, Bangladesh để bổ sung trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, ông Doanh cũng cảnh báo, nếu tìm được nguồn hàng cung ứng thay thế, khả năng giá nguyên liệu thay thế sẽ tăng lên, cùng với chi phí vận tải đắt đỏ sẽ làm giá thành sản phẩm tăng. Từ đó cạnh tranh cũng là một vấn đề của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần có các chiến lược kinh doanh mới, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong khu vực trong trường hợp giá thành sản phẩm tăng. “Đây cũng là là một thách thức doanh nghiệp cần vượt qua. Tuy nhiên, làm như vậy còn hơn phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh”, ông Doanh nhận định.
Liên quan đến tìm nguồn hàng cung ứng thay thế, theo ông Doanh, đối với doanh nghiệp điện tử và lắp ráp ô tô, để tìm nguồn cung cấp thay thế là điều không hề dễ dàng vì đặc thù phân bổ chuỗi sản xuất toàn cầu cũng như các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng riêng biệt của các công ty đa quốc gia. Cùng với đó, việc nhập khẩu linh phụ kiện, nguyên vật liệu đầu vào từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc khó khăn do họ cũng đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) hoặc có xu hướng thận trọng trong giao thương hàng hóa vì lo ngại dịch bệnh.
TS Doanh cho rằng, Chính phủ cần trực tiếp đàm phán với chính quyền các tỉnh, địa phương Trung Quốc, xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất.
Ngoài ra, sớm ban hành các chính sách mới về thuế nhập khẩu CKD cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước nhằm duy trì ngành công nghiệp ô tô nội địa trong dài hạn.
Với ngành dệt may, một lĩnh vực phải nhập khẩu nguyên liệu tới gần 60%, để đủ nguồn nguyên liệu sản xuất trong thời gian hiện tại và sau này, theo TS Lê Đăng Doanh nên hướng vào dùng nguyên liệu nội địa. Đây là giải pháp tốt nhất với doanh nghiệp hiện nay. Nhưng để đáp ứng được các yêu cầu của ngành dệt may, các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước về lâu dài nhằm phát triển bền vững cũng cần cải thiện về số lượng và chất lượng.
Nguyễn Hưng