Đầu tư đồng bộ “3 hóa” trong TKV
(PetroTimes) - Trong những năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) liên tục triển khai đầu tư “3 hóa”: Cơ giới hóa - Tin học hóa - Tự động hóa (CGH-THH-TĐH) trong sản xuất kinh doanh. Chiến lược “3 hóa” đã đem lại cho TKV nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn không ít hạn chế.
Trong 3 năm qua, TKV đã xác định áp dụng CGH-THH-TĐH là yếu tố quan trọng giúp tiết giảm nhân công lao động trực tiếp, tăng năng suất lao động, gia tăng mức độ an toàn, tối ưu hóa quá trình hoạt động của các thiết bị trong các công đoạn sản xuất. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong TKV đã tích cực triển khai đầu tư áp dụng CGH-THH-TĐH trong các công đoạn sản xuất kinh doanh, trong từng lĩnh vực cụ thể như đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất kinh doanh...
Các đơn vị thuộc khối sàng tuyển, kinh doanh than có tiến độ CGH-THH-TĐH cao nhất trong TKV |
Trong đó, với truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm”, TKV luôn xác định yếu tố con người sẽ quyết định thành công trong ứng dụng CGH-THH-TĐH nên đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật.
Để đáp ứng yêu cầu sản xuất với công nghệ cao, ngay từ cuối năm 2018, một số doanh nghiệp sản xuất than hầm lò như Hòn Gai, Quang Hanh, Hà Lầm, Dương Huy… đã ký hợp đồng thuê Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo chuyên sâu về CGH-THH-TĐH cho cán bộ các phòng, ban, phân xưởng và công nhân kỹ thuật. Mặc dù thời gian đào tạo chỉ 12 tháng, không thuộc loại hình đào tạo liên tục, nhưng nhờ quyết sách chọn địa điểm đào tạo là trực tiếp tại các doanh nghiệp, gắn lý thuyết với thực tế sản xuất, nên kết quả sau đào tạo, 100% cán bộ, công nhân các doanh nghiệp đều cơ bản nắm được những nguyên tắc THH-TĐH và triển khai ngay vào sản xuất. Điển hình như Công ty Than Quang Hanh đã lắp đặt hệ thống tự động hóa cho băng tải, Công ty Than Dương Huy lắp đặt hệ thống tự động hóa trạm nhũ hóa, Công ty Than Uông Bí cải tiến các thiết bị CGH phục vụ khai thác và đào lò…
Trong công tác đầu tư về hệ thống tin học, thông tin và tự động hóa, một số doanh nghiệp trực thuộc TKV đã có những bước tiến vượt bậc. Tính đến hết năm 2019, mạng hạ tầng truyền thông số tốc độ cao kết hợp xây dựng các trung tâm điều khiển, giám sát tập trung hiện đại của phần lớn các doanh nghiệp trực thuộc TKV đã có khả năng bao quát toàn mỏ và điều khiển tập trung như Hà Lầm, Khe Chàm, Uông Bí, Dương Huy… Một số các doanh nghiệp khác trong TKV cũng đã lên kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng truyền thông theo định hướng trung tâm điều độ, tích hợp các hệ thống TĐH tập trung như Núi Béo, Khe Chàm II-IV, mỏ Bắc Cọc Sáu, Thống Nhất…
Đầu tư, ứng dụng CGH-THH-TĐH trong các khâu sản xuất kinh doanh của TKV đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận như nhân lực giảm 25 nghìn người nhưng năng suất lao động lại tăng hơn 40%; đặc biệt, tai nạn lao động, các ách tắc do sự cố trong sản xuất giảm đi rõ rệt. |
Mặt khác, các doanh nghiệp trong TKV cũng tích cực nâng cấp hệ thống hạ tầng thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Công ty CP Than Mông Dương đã trang bị FlyCam để kiểm soát an ninh trật tự địa hình ranh giới mỏ bằng điều khiển từ xa giúp giảm nhân công bảo vệ. Toàn bộ các doanh nghiệp trong TKV đều chú trọng công tác bảo mật thông tin, ứng dụng nhiều phần mềm, thiết bị bảo mật an toàn thông tin.
CGH-THH-TĐH, ứng dụng công nghệ, thiết bị thay thế con người là điểm mạnh trong ngành công nghiệp khai khoáng. Để nâng cao hệ số an toàn trong khai thác, TKV đã đầu tư các hệ thống vận hành thiết bị băng tải, hệ thống trạm điều khiển tập trung, sử dụng hệ thống quản lý khí mỏ, hầm bơm nước, trạm quạt gió chính, trạm dung dịch nhũ hóa, trạm nén khí cố định, hệ thống cửa gió tự động, quản lý nhân lực ra vào lò, hệ thống đo đếm phương tiện kho bãi, cấp phát nhiên liệu, quan trắc môi trường tự động…
Riêng các doanh nghiệp sàng tuyển, chế biến than, TKV đã tự động hóa tối đa công đoạn giám sát thông số công nghệ chính; tự động điều khiển chế độ làm việc của các thiết bị cơ điện trong dây chuyền. Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, TKV cũng chuyển từ sửa chữa thiết bị đơn thuần sang tập trung vào lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất như chế tạo cột, giàn thủy lực, tổ chức cán thép vì lò, chế tạo các máy xúc, thiết bị phòng nổ, các chi tiết máy với những robot hiện đại, tự hành hoàn toàn.
Đầu tư, ứng dụng CGH-THH-TĐH trong các khâu sản xuất kinh doanh của TKV đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận như nhân lực giảm 25 nghìn người nhưng năng suất lao động lại tăng hơn 40%; đặc biệt, tai nạn lao động, các ách tắc do sự cố trong sản xuất giảm đi rõ rệt.
Bên cạnh các kết quả đáng kể đó, chiến lược đầu tư của TKV cho CGH-THH-TĐH vẫn còn tồn tại một số hạn chế như thiếu đồng bộ về hạ tầng THH-TĐH; tiến độ thực hiện của một số doanh nghiệp chưa cao; thiếu chính sách đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ kỹ thuật viên, cán bộ phụ trách trực tiếp…
Cụ thể, tính đến hết năm 2019, trong các doanh nghiệp sản xuất than hầm lò chỉ có 5/13 doanh nghiệp triển khai áp dụng THH-TĐH trạm bơm dịch; 3/13 doanh nghiệp đầu tư trạm khí nén cố định; 10/13 doanh nghiệp tiến hành TĐH hệ thống tuyến băng tải chính trong hầm lò ra ngoài mặt bằng; 4/13 doanh nghiệp triển khai thành công công tác giám sát hình ảnh, thông tin liên lạc; 6/13 doanh nghiệp có hệ thống giám sát điều khiển tập trung toàn mỏ.
Mặc dù các công trình CGH-THH-TĐH đều được thẩm định, tuân thủ theo nguyên tắc chuẩn hóa chung để dễ dàng nâng cấp, mở rộng trong thời gian tới, nhưng việc đầu tư có tính thử nghiệm, dàn trải đã phần nào giảm hiệu quả trong nâng cao công suất của từng doanh nghiệp. Đặc biệt, do sự thiếu đồng bộ trong đầu tư hệ thống CGH-THH-TĐH nên TKV chưa thể đưa ra một đánh giá cụ thể về hiệu quả của một mô hình hoàn thiện về sản xuất kinh doanh than, khoáng sản hiện đại.
Theo Ban Cơ điện vận tải TKV, trước những yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn của ngành than, khoáng sản, các doanh nghiệp cần phải tiếp tục triển khai nhanh, đồng bộ và bài bản CGH-THH-TĐH toàn bộ các công đoạn sản xuất kinh doanh. Mặt khác, các doanh nghiệp cần xây dựng hạ tầng thông tin mỏ hầm lò tốc độ cao đồng bộ, đáp ứng nhu cầu truyền tải số liệu, âm thanh, hình ảnh, bảo đảm kết nối, tích hợp giữa các hệ thống tự động hóa nhỏ trong toàn mỏ với nhau, cho phép người quản lý mỏ có thể phối hợp điều hành được các công việc một cách hiệu quả. Các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa hạ tầng dùng chung của các hệ thống và giảm thiểu chi phí đầu tư. Cuối cùng, các doanh nghiệp cần xây dựng cơ chế khuyến khích hợp lý nhằm thu hút và giữ chân nhân lực về CGH-THH-TĐH.
Có thể thấy, TKV đang cần nguồn vốn lớn để không ngừng đầu tư công nghệ tiên tiến, áp dụng CGH-THH-TĐH vào sản xuất kinh doanh. Chiến lược này không chỉ đem lại những giá trị thiết thực về kinh tế, nâng cao hiệu quả trong khai thác và kinh doanh tài nguyên đất nước mà còn bảo đảm những mục tiêu dài hạn trong chiến lược phát triển bền vững của công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam.
Thành Công