Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng
Những yêu cầu cụ thể tại Nghị quyết 55-NQ/TW
(PetroTimes) - Ngày 11-2-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký, ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị được giới chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng đánh giá cao bởi tính bao quát nhưng cũng rất cụ thể, chi tiết - định hướng phát triển ngành năng lượng bền vững ở Việt Nam.
Phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam về vấn đề này.
Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam |
PV: Thưa ông Hà Đăng Sơn, Nghị quyết 55 của Trung ương đã khẳng định: “bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh…”. Trong 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện thì việc ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch” và “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”. Ông nhìn nhận như thế nào về 2 mục tiêu, giải pháp quan trọng này của NQ 55/TW - đặc biệt trong bối cảnh các Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QHĐ 8) đang được lên kế hoạch triển khai xây dựng ?
Ông Hà Đăng Sơn: Tôi hoàn toàn đồng tình với 2 mục tiêu/giải pháp này. Việc thúc đẩy đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ giúp cân bằng cơ cấu nguồn điện, tăng cường khả năng tự chủ về nguồn cung năng lượng, và cải thiện các vấn đề môi trường trong công nghiệp điện năng. Còn việc tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, ngoài tác dụng giúp giảm chi phí năng lượng còn có tác động tích cực thúc đẩy việc nâng tỷ trọng NLTT trong cơ cấu nguồn điện -- như nhiều nghiên cứu của các tổ chức quốc tế uy tín (IEA, NREL, IRENA) đã chỉ rõ.
PV: Cụ thể về phát triển NLTT, ông nhìn nhận như thế nào về dư địa/khả năng phát triển nguồn NLTT ở Việt Nam?
Ông Hà Đăng Sơn: Theo đánh giá cá nhân tôi thì điện gió - đặc biệt điện gió xa bờ (offshore) - và điện mặt trời áp mái còn dư địa rất lớn để phát triển. Dù danh mục dự án điện mặt trời xin bổ sung quy hoạch vẫn còn khá lớn nhưng các vấn đề về sử dụng đất cho dự án ĐMT cũng như các dịch vụ phụ trợ liên quan sẽ là rào cản khiến đầu tư cho điện mặt trời chậm lại.
PV: NQ 55/TW xác định “Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045”, theo ông phải làm gì để có thể hiện thực hóa mục tiêu hết sức cụ thể này?
Ông Hà Đăng Sơn: Nếu so với các mục tiêu nêu trong Chiến lược PTNLTT (QĐ 2068/2015) - theo đó "Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 32,3% vào năm 2030; 44% vào năm 2050” thì các mục tiêu đề ra mang tính thực tế hơn, có xem xét tới các khía cạnh kỹ thuật và thách thức về nguồn vốn huy động. Để làm được điều này, cần xác định cơ cấu vốn đầu tư phải có sự tham gia của cả nguồn vốn công và nguồn vốn tư nhân - và do đó cần có: (i) tầm nhìn và cam kết dài hạn về chính sách, đặc biệt là chính sách giá điện; (ii) lộ trình triển khai rõ ràng, minh bạch trong xây dựng các quy hoạch liên quan; (iii) định hướng phát triển và làm chủ công nghệ/ nội địa hóa trong lĩnh vực KHCN NLTT.
Ảnh minh hoạ |
PV: Trong 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, NQ 55 khẳng định: Đối với điện gió và điện mặt trời (là 2 nguồn NLTT có ưu thế ở nước ta): Ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Thưa ông Hà Đăng Sơn, ông có thể giải thích về việc ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý mà NQ 55/TW đưa ra?
Ông Hà Đăng Sơn: Các dự án điện gió và điện mặt trời mặc dù có những lợi thế về chi phí vận hành rất thấp, chi phí đầu tư đang giảm dần (đặc biệt với ĐMT) và tác động môi trường không lớn, tuy nhiên lại có thể gây ra những tác động về chất lượng điện năng (tần số lưới điện giảm dưới ngưỡng cho phép do tính bất ổn định) cũng như hạn chế khả năng cung cấp vào một số giờ nhất định. Do cần hỗ trợ bởi các dạng nguồn khác (ví dụ thủy điện, điện khí hay pin lưu trữ), đồng thời do hiệu quả truyền tải không cao (nếu chỉ đấu nối vào một tuyến độc lập thì tổng điện năng truyền tải tương đương 1/3 nguồn truyền thống) nên chi phí thực tế sẽ bị đội lên và phải bù đắp bằng ngân sách (trường hợp trợ giá thông qua giá FIT) hoặc bù chéo từ các nguồn truyền thống.
PV: Nhiều người dân “thích thú” và đánh giá cao với việc khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Đây là nguồn năng lượng mà nhiều quốc gia phát triển, và thực tế Việt Nam cũng đã ghi nhận việc triển khai, ứng dụng thành công và cho hiệu quả rõ rệt. Nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam nên tận dụng nguồn nắng để phát triển điện mặt trời áp mái thay vì đầu tư các trang trại điện mặt trời quy mô lớn – gắn với việc phải đầu tư truyền tải cao sẽ không hiệu quả/giá thành điện cao/áp lực đầu tư lớn. Quan điểm của ông thì sao?
Ông Hà Đăng Sơn: Xin nhắc lại trường hợp của nước Đức với 70% nguồn điện mặt trời là từ các dự án ĐMT áp mái. Nguồn NLTT tái tạo là nguồn phân tán, nên cũng cần ưu tiên giải quyết các bài toán cân bằng phụ tải cho nhu cầu phân tán. Các dự án điện mặt trời trên mặt hồ thủy điện có ưu thế là hiệu quả phát điện cao hơn, ít chiếm dụng đất, đồng thời có thể điều độ phối hợp giữa 2 loại nguồn để ưu tiên trữ nước khi ĐMT phát ở mức công suất cao.
PV: Thưa ông Hà Đăng Sơn, NQ 55/TW đã đặt ra mục tiêu “Tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045”. Và đưa ra 3 giải pháp hết sức cụ thể để cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, đáng lưu ý là việc cơ cấu lại các ngành tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài để giảm thiểu cường độ năng lượng. Có chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng và có hiệu quả về kinh tế - xã hội. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thu hút đầu tư FDI có chất lượng hơn, thưa ông?
Ông Hà Đăng Sơn: Đây cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia trong đó có tôi. Đây là cơ hội để điều chỉnh lại chính sách thu hút vốn FDI - vốn dĩ là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP trong thời gian qua - để có thể chuyển sang một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
PV: Có ý kiến cho rằng cần phải sửa Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng đưa chế tài mạnh hơn thay vì vẫn còn nhiều yếu tố “khuyến khích” như hiện nay. Ý kiến của ông thì sao?
Ông Hà Đăng Sơn: Luật đã được ban hành từ gần 10 năm trước (2010) và đây là thời điểm phù hợp để rà soát, đánh giá và điều chỉnh bộ Luật này.
PV: Thưa ông Hà Đăng Sơn, có nhiều yếu tố từ nguồn năng lượng sơ cấp, nhiên liệu than, dầu, khí rồi thủy điện, NLTT- mỗi yếu tố này đều cần phải phát triển đồng bộ, khoa học - mới có thể “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái...” - như mục tiêu của NQ 55/TW đề ra. Theo ông, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần phải làm gì để có thể thực hiện tốt nhất yêu cầu NQ đề ra?
Ông Hà Đăng Sơn: Phối hợp thông suốt liên Bộ, liên ngành và chia sẻ thông tin để việc xây dựng chính sách đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi. Ngoài ra, vấn đề minh bạch trong xây dựng và thực thi chính sách cũng sẽ giúp tạo niềm tin từ khối tư nhân để huy động được nguồn lực rất lớn này cho phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia như NQ55 đã nêu.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Nguyên Long