Khai thông những “điểm nghẽn”
(PetroTimes) - TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: “Năm 2020, nền kinh tế tiếp tục phát triển nhưng vẫn tồn tại những điểm nghẽn. Hy vọng Việt Nam trong 10 năm tới phát triển cao hơn nhưng phải khai thông được những điểm nghẽn về thể chế và nguồn lực”.
Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn
Năm 2019 khép lại với dấu ấn đậm nét của kinh tế trong nước. Quy mô kinh tế của Việt Nam tăng nhanh, lần đầu tiên lọt vào top 50 nền kinh tế thế giới xét về quy mô; tốc độ phát triển của doanh nghiệp lớn rất nhanh. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đi xuống, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng tới 8%. Đáng ghi nhận là các doanh nghiệp tư nhân trong nước xuất khẩu ngoài nhiều hơn, thậm chí có doanh nghiệp tư nhân đã xuất khẩu cả máy móc.
Khai thông những “điểm nghẽn” |
Mặc dù đạt nhiều kết quả ấn tượng, song phân tích tình hình chung của thế giới cũng như trong nước, các chuyên gia kinh tế nhận định: Năm 2020 sẽ là năm gian nan, thậm chí khó khăn hơn với doanh nghiệp vì những khó khăn nội tại chưa thể giải quyết trong khi xu thế kinh tế thế giới đang giảm tốc. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng nhanh, nhưng “sức khỏe” của doanh nghiệp và nền kinh tế đang bộc lộc những vấn đề cần giải quyết. Tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2019 cũng như nhiều năm trước rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, số lượng tồn kho của khu vực này hiện rất cao. Xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm, trừ thị trường Mỹ; 70% kim ngạch xuất khẩu vẫn thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 30% GDP của Việt Nam thuộc khu vực hộ kinh tế gia đình. Đặc biệt, môi trường kinh doanh có cải thiện nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Môi trường kinh doanh mới đứng thứ 5 trong số các nước thuộc ASEAN, hành trình còn rất xa để lọt vào top 4 ASEAN như mục tiêu đề ra.
Kinh tế tăng trưởng nhờ những đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn được nhận định đang đứng trước vô vàn khó khăn. Vậy phải làm gì để giúp doanh nghiệp gỡ khó? Đây là câu hỏi không phải chỉ bây giờ mà đã được đặt ra từ lâu, nhưng không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”.
Giải pháp cấp bách nhất hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn là tìm cách tháo gỡ những điểm nghẽn về chính sách, điểm nghẽn đầu tư công cũng như các quy định chồng chéo trong kinh doanh, tạo động lực cho kinh tế nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng phát triển.
Nhấn mạnh về điều này, TS Trần Du Lịch từng nói, kinh tế Việt Nam thời điểm này so với 5 năm trước đã tốt hơn, những yếu tố từng gây bất ổn kinh tế vĩ mô như ngân hàng từng bị coi là “quả bom nổ chậm” hiện nay đã cực kỳ ổn định. Thế nhưng, 5 năm trước, nhiều doanh nghiệp kêu thiếu vốn và hiện nay vẫn kêu thiếu vốn. Nền kinh tế không thiếu vốn nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được vốn. Năm 2020, nền kinh tế tiếp tục phát triển nhưng vẫn tồn tại những điểm nghẽn và những điểm nghẽn càng để lâu càng khó gỡ. Hy vọng Việt Nam trong 10 năm tới phát triển cao hơn nhưng phải khơi thông được thể chế và nguồn lực.
Hoàn thiện thể chế thị trường tài chính
Để giải quyết vấn đề nguồn lực cho nền kinh tế thì việc hoàn thiện thể chế thị trường tài chính là rất quan trọng. Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, thị trường tài chính (TTTC) Việt Nam năm 2019 ở 3 lĩnh vực ngân hàng (NH), chứng khoán và bảo hiểm phát triển khả quan. Bình quân quy mô thị trường tăng trên 12% cho cả 3 lĩnh vực theo hướng lành mạnh, chuẩn mực tốt hơn và phù hợp thông lệ quốc tế hơn. Giá cổ phiếu của ngành NH, bảo hiểm trên sàn chứng khoán tăng khoảng 17%, cao hơn mức bình quân của thị trường tới 7,7%.
Tuy nhiên, thách thức đối với TTTC vẫn đang ở phía trước. TS Cấn Văn Lực cho rằng, TTTC vẫn còn mất cân đối, tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng tài sản hệ thống và đảm nhận cả vai trò chính trong cung ứng vốn cho nền kinh tế, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro về kỳ hạn, thanh khoản (do quy mô tín dụng khá lớn và gần 50% nguồn vốn trung và dài hạn vẫn từ hệ thống tổ chức tín dụng). Hiện cũng chưa có nghị định về thị trường mua bán nợ trong bối cảnh cần đa dạng hóa nhà đầu tư, định chế tài chính nhằm phân bổ rủi ro hợp lý hơn. Một số vướng mắc liên quan đến việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn, cách hiểu và áp dụng khác nhau trong công tác xét xử, thi hành án theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, khiến tiến trình xử lý nợ xấu, đấu giá tài sản bảo đảm còn nhiều khó khăn. Các NHTM vẫn gặp khó khăn trong tăng vốn. Hệ số an toàn vốn (CAR) của toàn hệ thống vẫn chưa đạt chuẩn an toàn. Từ năm 2020, khi các NHTM phải tuân thủ Thông tư 41/2016/TT-NHNN của NHNN, hệ số CAR cần tính toán đầy đủ theo Basel II, hệ số CAR của các NHTM sẽ thấp hơn nhiều. Trong khi đó, nhiều NHTM phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc tăng vốn.
Trước những vấn đề đó, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, giúp TTTC năm 2020 tích cực và lành mạnh hơn, qua đó đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện thể chế hệ thống tài chính, trong đó cần ban hành nghị định về thị trường mua bán nợ, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Đặc biệt, cần thực hiện quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn chủ sở hữu cho các NHTM, giảm thiểu thủ tục hành chính trong xét duyệt phương án bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, cho phép giữ lại cổ tức, phát hành cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên. Việc cần làm nữa là xây dựng cơ chế lâu dài về biện pháp tăng vốn cho các NHTM (thay vì xem xét từng năm) nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính. Chúng ta cũng cần có khung chính sách và biện pháp cụ thể nhằm hạn chế rủi ro hệ thống, tăng khả năng chống chịu của hệ thống tài chính đối với các cú sốc bên ngoài, nhất là tăng dự trữ ngoại hối, đẩy nhanh xử lý nợ xấu, quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế...
Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) và tạo “bàn đạp” cho chiến lược phát triển giai đoạn tiếp theo. Có thế thấy, những thách thức của nền kinh tế Việt Nam không kém gay gắt trong năm 2020 và những năm tiếp theo như: Chất lượng tăng trưởng; những điểm “nghẽn” của nền kinh tế; khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong nước trước tác động quá nhanh của CMCN 4.0, nhất là các ngành nghề kinh doanh truyền thống; kinh tế và thương mại toàn cầu tiềm ẩn nhiều bất ổn...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, những nỗ lực thay đổi về mọi mặt hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững đang mang lại nhưng hy vọng lớn. Hơn bao giờ hết, nền kinh tế Việt Nam đang đòi hỏi phải nhanh chóng khai thông những “điểm nghẽn” về thể chế và nguồn lực, nếu không sẽ đánh nắm bắt và tận dụng những cơ hội phát triển mới.
Năm 2020 cần khẩn trương hoàn thiện thể chế hệ thống tài chính, trong đó cần ban hành nghị định về thị trường mua bán nợ, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Đặc biệt, cần thực hiện quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn chủ sở hữu cho các NHTM.... |
Đức Minh