Tại sao FBI thường đặt biệt danh cho kẻ cướp ngân hàng?
“Tên cướp Thối Mồm”, “kẻ trộm Chân Đất”, “tướng cướp Giỏi Ngữ Pháp”,… tất cả những tên tội phạm này đều lọt lưới một phần vì biệt danh do FBI đặt cho.
Việc kẻ cướp ngân hàng được đặt biệt danh kỳ lạ như trên không còn xa lạ tại Mỹ. Ví dụ, Levi Derek Hall, kẻ từng cướp 8 ngân hàng tại ba quận ở bang Colorado trong năm 2014-2015, được gọi tên là "tướng cướp Giỏi Ngữ Pháp" vì tờ giấy ghi mệnh lệnh giao tiền được Levei đánh máy đúng ngữ pháp, chính tả, và dấu câu. Đặc điểm này khiến hắn nổi bật, vì thông thường những tên cướp khác đều có chữ viết tay rất khó đọc và hay sai chính tả.
Circe Baez, kẻ thực hiện liên tiếp bốn vụ cướp ngân hàng tại vùng Bờ Đông nước Mỹ trong 10 ngày tháng 7/2019, từng được FBI đặt tên "nữ tướng cướp Màu Hường" vì mang theo chiếc túi xách màu hồng trong khi gây án.
Circe Baez mang theo chiếc túi xách hồng trong ít nhất hai lần cướp ngân hàng. Ảnh: Ayden Police Department. |
Theo CNN, lực lượng chấp pháp như FBI thường có xu hướng đặt biệt danh "ngớ ngẩn" cho tội phạm, qua đó mô tả đặc điểm nổi bật về ngoại hình, tuổi tác, cách thức gây án... của chúng. Tuy nhiên, việc này không đơn thuần nhằm vui đùa hay chế nhạo kẻ cướp mà là một công cụ phá án của nhà chức trách.
Đầu tiên, với một số địa phương xảy ra nhiều vụ cướp mỗi năm, những cái tên đặc biệt giúp điều tra viên có thể phân biệt rõ các nghi phạm với nhau và có thể sát sao từng vụ án.
Ngoài ra, những cái tên rất "kêu" còn có thể thu hút sự chú ý của truyền thông, Dave Joly, phát ngôn viên cho chi nhánh FBI tại thành phố Denver, bang Colorado, giải thích. Theo Dave, khi tên cướp với biệt danh ngớ ngẩn được truyền thông chú ý tới và đưa tin liên tục, sớm muộn cũng sẽ có người nhận ra kẻ gây án vô danh là bạn bè hoặc hàng xóm và báo tin cho cảnh sát.
Hơn nữa, thay vì đơn thuần cung cấp thông tin về sự việc nhạt nhẽo, việc đặt biệt danh có thể khiến vụ cướp có cá tính riêng, theo Harry Trombitas, đặc vụ FBI đã nghỉ hưu. Harry cũng cho biết một tên tội phạm thường được đặt biệt danh sau vụ cướp thứ hai hoặc thứ ba, và thường bị bắt giữ trong lần gây án tiếp theo, khi biệt danh đã được truyền thông lan truyền rộng rãi.
Nếu may mắn được đặt tên tương đối "hoành tráng", một số kẻ sẽ tỏ ra thích thú và thậm chí lấy đó làm biệt hiệu riêng trong tù. Tuy nhiên, một số khác không lấy gì làm vui mừng trước biệt hiệu mình nhận được, ví dụ Mark Chirico, kẻ cướp ngân hàng tại thành phố El Cajon, bang California năm 1992.
Do khuôn mặt đầy mụn trứng cá, Mark Chirico đã bị đặt cho biệt danh "Kẻ cướp Clearasil" (Clearasil là nhãn hiệu thuốc trị mụn). Mark sau đó khởi kiện FBI đòi bồi thường vì bị bạn tù trêu chọc không ngớt nhưng không thành công.
Tuy nhiên, cựu đặc vụ Harry Trombitas cũng cho biết những người phụ trách việc đặt biệt danh sáng tạo như ông sẽ cẩn thận để không giúp kẻ cướp thêm phần nổi tiếng, đồng thời tầm thường hóa hành vi tội phạm của chúng. Harry cho hay không muốn đùa vui quá mức vì đây là sự việc nghiêm trọng.
Cuối cùng, Harry nhấn mạnh việc đặt biệt danh cho tội phạm không giúp hô biến chúng thành anh hùng. Đây thuần túy là công cụ điều tra với mục đích buộc tội phạm phải sớm chịu tội trước pháp luật.
Theo VNE