Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA
Nghị viện châu Âu vừa bỏ phiếu thông qua hai hiệp định riêng trong EVFTA, gồm Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA).
18h chiều nay (12/2 - giờ Hà Nội), tại Pháp, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Trong đó, FTA nhận được 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu không ủng hộ và 40 phiếu trống. Tỷ lệ này với IPA là 407/188/53.
Cuối tháng 1, Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện châu Âu đã thông qua hai hiệp định này với số phiếu đồng thuận cao. Đây được coi là bước đệm quan trọng giúp Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) được thông qua trong buổi bỏ phiếu tại EP hôm nay.
Click vào ảnh để xem chi tiết graphic 9 năm đàm phán EVFTA. |
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho rằng, việc hiệp định EVFTA được Nghị viện châu Âu phê chuẩn là một bước tiến, mở ra cơ hội phát triển lớn cho xuất nhập khẩu, mở cửa thị trường của hàng hoá Việt Nam. Ông Hải nói, kim ngạch xuất khẩu hơn 500 tỷ USD năm 2019 là kết quả của mở cửa thị trường, cho thấy Việt Nam bước đầu tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký, đem lại.
Riêng với thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD.
Nhưng với EVFTA, ông lưu ý, nếu doanh nghiệp không sớm nghiên cứu, có chiến lược với từng mặt hàng, thị trường thì sẽ khó tận dụng lợi thế, cơ hội hiệp định thương mại thế hệ mới này đem lại.
Ông dẫn chứng, với mặt hàng nông sản, trái cây, không phải khi đã có hiệp định thương mại là sẽ bán được tại các thị trường này, dù được hưởng thuế ưu đãi. Muốn vào được những thị trường khó tính, như EU, doanh nghiệp buộc phải đáp ứng được quy trịnh khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hoá và chỉ khi sản phẩm đạt chất lượng mới vượt qua được "tường lửa" quy định để chinh phục thị trường này.
EVFTA và IPA đã được ký kết tại Hà Nội hồi tháng 6/2019. Ảnh: Giang Huy. |
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.
Theo VNE