Corona và mối nguy với chuỗi cung ứng toàn cầu
(PetroTimes) - Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới các sản phẩm trung gian sản xuất - một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Dịch virus corona kéo dài có thể khiến đầu ra của các nhà máy Trung Quốc có nguy cơ gián đoạn và gây ra hiệu ứng domino với toàn nền kinh tế.
Thị phần các mặt hàng trung gian nhập khẩu từ Trung Quốc - Nguồn: OECD TiVA, Bloomberg Economics |
Theo dữ liệu thương mại từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khoảng 20% hàng hóa nhập khẩu toàn cầu có sự hiện diện của sản xuất trung gian từ các nhà máy Trung Quốc. Sự ảnh hưởng này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2005 khi Trung Quốc thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đối với các quốc gia châu Á, mức độ ảnh hưởng còn lớn hơn nhiều với khoảng 40% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu trung gian từ Trung Quốc, đặc biệt là các nước Campuchia, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Không chỉ về số lượng, hoạt động sản xuất của Trung Quốc còn giữ vai trò quan trọng về chất lượng trong chuỗi cung ứng. Mặc dù các nhà máy Trung Quốc vẫn sản xuất rất nhiều các sản phẩm đơn giản, có giá trị thấp như quần áo, đồ nhựa, nhưng từ lâu họ đã phát triển cực kỳ mạnh mẽ trong những lĩnh vực tiên tiến và sinh lời nhiều hơn như sản xuất smartphone, máy tính và phụ tùng ôtô. Quốc gia này đã trở thành một phần thiết yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu, họ sản xuất những linh kiện cần thiết cho nhiều nhà máy từ Mexico cho đến Malaysia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng trỗi dậy và trở thành một thị trường tiêu dùng khổng lồ, một quốc gia 1,4 tỉ dân với nhu cầu lớn đối với các thiết bị điện tử, thời trang và những chuyến đi tốn kém đến Disneyland.
Theo dữ liệu thương mại từ OECD, khoảng 20% hàng hóa nhập khẩu toàn cầu có sự hiện diện của sản xuất trung gian từ các nhà máy Trung Quốc. Sự ảnh hưởng này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2005 khi Trung Quốc thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Các nhà máy của Mỹ cũng phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Khoảng 30% của tất cả hàng hóa đầu vào sản xuất của Mỹ được nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm 2015. Trong khi đó ở châu Âu, mức độ ảnh hưởng ít hơn khi chỉ có 10% nhập khẩu hàng hóa trung gian đến từ Trung Quốc, tuy nhiên lại tập trung vào mặt hàng điện tử và dệt may.
Dữ liệu cho thấy có hơn 1/3 lượng nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất dệt may, máy tính và điện tử, thiết bị điện, luyện kim được sử dụng trong quá trình sản xuất đến từ Trung Quốc. Điều này cho thấy việc tìm kiếm nguồn cung thay thế sẽ đặc biệt khó khăn.
Hiện tại, chưa thể khẳng định chắc chắn về mức độ nghiêm trọng và thời gian của sự bùng phát dịch virus corona. Điều chắc chắn duy nhất ở đây là sự kiện trên đang ảnh hưởng rất lớn đến phần còn lại của thế giới và sự bùng phát càng kéo dài lâu thì nguy cơ gián đoạn đối với lĩnh vực công nghiệp toàn cầu càng nhiều rủi ro.
Minh Châu