Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: "Cần đốt lò xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ"
Ông Nguyễn Lân Hiếu nói việc 92 lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật cho thấy quyết tâm chỉnh đốn Đảng, song công cuộc này cần được làm liên tục nhiều nhiệm kỳ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia sẻ với VnExpress góc nhìn của mình với tư cách là một trí thức, về quyết tâm "đốt lò" của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian qua.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Giang Huy |
- Ông suy nghĩ như thế nào về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - còn được gọi là "đốt lò" kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay?
- Tôi ủng hộ các nỗ lực chống tham nhũng. Đất nước muốn phát triển thì phải đưa ra ánh sáng những vụ đại án, những thành phần cản trở sự phát triển của xã hội; xử lý nghiêm khắc theo đúng pháp luật bất cứ ai ở vị trí quan trọng nhưng không gương mẫu, không thực thi đúng trách nhiệm của mình.
Tôi cũng nghĩ rằng, chống tham nhũng mạnh mẽ, song chúng ta đồng thời phải đề ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Mục tiêu là những người có chức vụ, quyền hạn thấm nhuần "bốn không" gồm: Không dám, không thể, không cần và không muốn tham nhũng. Singapore đã làm rất tốt việc này.
Giới doanh nhân kể với nhau câu chuyện là một số người nước ngoài đến Singapore làm ăn, họ bối rối không biết tỉ lệ lại quả cho quan chức bao nhiêu thì vừa - không ai biết vì nó hầu như không xảy ra ở đất nước này. Ở Singapore, bất kỳ sự giàu có nào không giải trình hợp lý sẽ bị điều tra và có thể bị tịch thu tài sản. Họ đã xây dựng thành công văn hóa nói không với tham nhũng trong xã hội. Chính văn hóa này trở thành một trong những nền tảng để quốc gia thịnh vượng và phát triển bền vững.
Bài học ở đây là Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực để xây dựng thể chế minh bạch và trách nhiệm giải trình, bịt những "lỗ hổng" trong hệ thống pháp luật. Nhìn lại những vụ đại án đã và đang được đưa ra xét xử, chúng ta thấy rằng pháp luật có những điểm chưa rõ ràng, còn những kẽ hở khiến các bị cáo lợi dung để thực hiện hành vi phạm tội. Tấn công vào các "vùng tối" để xử lý, răn đe là cần thiết, song chúng ta cần chú ý đến công tác phòng ngừa. Trong nghề y chúng tôi thường nói "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Quốc hội với quyền lập pháp có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình này.
- Trong nhiệm kỳ này đã có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 38 sỹ quan trong lực lượng công an, quân đội, 23 người ở cấp tướng. Những con số này gợi cho ông suy nghĩ gì?
- Suy nghĩ đầu tiên là rất buồn vì "sờ" vào đâu cũng thấy sai phạm. Hay nói cách khác "lò đốt chỗ nào cũng có củi". Nếu chỉ một, hai lĩnh vực nhạy cảm xuất hiện sai phạm còn có thể hiểu được. Nhưng 92 vị bị kỷ luật đều là lãnh đạo cấp cao, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là điều rất đáng lo ngại. Tôi thực sự băn khoăn không biết còn bao nhiêu sai phạm, bao nhiêu vị lãnh đạo tham nhũng vẫn tồn tại trong xã hội? Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tổng rà soát để xử lý theo quy định pháp luật đối với những trường hợp "chưa bị lộ".
Ngoài ra, theo tôi con số 92 lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật cho thấy quyết tâm chính trị trong việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Lâu nay mọi người thường nghe nói "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái" song không biết cụ thể là ai. Đến nhiệm kỳ này danh sách cá nhân, tập thể sai phạm được công bố đã phần nào giúp nhận dạng bộ phận không nhỏ đó.
Tuy nhiên, kỷ luật đảng khi công khai cũng cho thấy có những vụ việc xảy ra cách đây đã trên dưới 10 năm, nay mới được xử lý. Như vậy là vi phạm không được phát hiện trong thời gian rất dài. Có người hôm trước còn ca ngợi như anh hùng, là nhân tố sáng tạo thì hôm sau đã thành tội phạm đến mức phải xử tù. Thực tế này đòi hỏi việc phát hiện, xử lý các sai phạm kịp thời hơn. Đây không phải và không thể chỉ là một chiến dịch, mà phải là một công cuộc xuyên suốt qua các nhiệm kỳ.
- Theo ông, đâu là việc cần làm ngay để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn?
- Có rất nhiều việc cần làm một cách đồng bộ và không khoan nhượng. Tôi chỉ đơn cử một việc nhìn từ quá trình triển khai Luật phòng, chống tham nhũng. Đó là quy định về kê khai và công khai tài sản, thu nhập - một giải pháp quan trọng song lâu nay hiệu quả còn khiêm tốn. Thậm chí có người nói quy định pháp luật rất hay, tuy nhiên trong thực tế không chắc bao nhiêu người đã kê khai tài sản chính xác?
Tôi được đọc bản kê khai tài sản của các vị được bổ nhiệm làm đại sứ, và đã phát biểu trong cuộc họp của Uỷ ban đối ngoại là nhiều đại sứ nghèo quá. Tài sản, tiền gửi trong ngân hàng đến 50 triệu đồng không có, xe máy, xe đạp cũng không có nốt, nhà thì ở nhà bố mẹ vợ... Việc kê khai như vậy có dấu hiệu không nghiêm túc. Luật pháp cấm kê khai không trung thực, song đến nay rất hiếm trường hợp bị xử phạt. Theo tôi, cán bộ ở cấp càng cao thì càng phải minh bạch và trung thực để giữ niềm tin với nhân dân, nhất là minh bạch về tài sản. Trên diễn đàn Quốc hội tôi từng nói nếu anh chỉ đóng thuế thu nhập vài ba triệu đồng mỗi tháng, không lý do gì anh sở hữu khối tài sản lớn, có tiền cho con em đi học ở nước ngoài như vậy.
Chúng ta cần đưa việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập đi vào thực chất hơn, đồng thời minh bạch ngay khoản đóng thuế thu nhập cá nhân của tất cả những vị trí có nguy cơ tham nhũng. Nhiều nước đã sử dụng công cụ này rất hiệu quả nhưng ở Việt Nam còn ít được đề cập đến.
Một số chuyên gia đã đề xuất Chính phủ cần sớm kết nối các phương thức hiện nay về kê khai tài sản thu nhập, nộp thuế thu nhập cá nhân, thanh toán không dùng tiền mặt, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng... Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất đó và tin rằng làm được như vậy, việc giám sát, phát hiện và xác minh các khoản thu nhập nguồn gốc bất hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn sẽ kịp thời hơn, chính xác hơn.
- Ông có sẵn sàng công khai mức đóng thuế thu nhập cá nhân của mình?
- Tôi luôn sẵn sàng và đã hơn một lần nêu công khai. Các bác sĩ ở bệnh viện Đại học Y Hà Nội có thu nhập trung bình từ 30 đến 50 triệu đồng mỗi tháng; cá biệt có những bác sĩ đóng thuế thu nhập cá nhân từ 400 đến 500 triệu đồng mỗi năm.Tôi cũng là một trong những người có mức đóng thuế thu nhập cao ở bệnh viện.
- Cử tri biết đến đại biểu, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu không chỉ với những phát biểu sắc sảo liên quan đến ngành y mà còn nhiều ý kiến gai góc khác về kinh tế - xã hội. Điều gì thôi thúc ông mỗi lần đăng đàn ở Quốc hội?
- Tôi muốn nói lên suy nghĩ, trăn trở của người dân - những người tôi gặp hàng ngày, ở nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội. Các ý kiến của tôi đều xuất phát từ lòng yêu nước, mong muốn xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Tôi không phát biểu để xoi mói, không đánh người này, nâng người kia.
Nhiều vấn đề tôi nêu lên ở diễn đàn Quốc hội, được cho là nhạy cảm, chẳng hạn liên quan đến chủ quyền biển đảo, liên quan đến nước láng giềng Trung Quốc... Tuy nhiên sau khi phát biểu xong, tôi nhận thấy các ý kiến của mình được nhiều cử tri ủng hộ, không chỉ là bạn bè, đồng nghiệp mà có những vị lãnh đạo cấp cao cũng chia sẻ tích cực. Điều đó động viên tôi, giúp tôi nghĩ rằng mình đi đúng hướng. Giả sử tôi phát biểu gai góc nhưng sau đó mọi người xa lánh, không đồng tình thì tôi sẽ nghĩ rằng mình đã sai và dừng lại.
- Vừa đảm đương trọng trách ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, vừa phải làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Ông thu xếp thời gian như thế nào?
- Tôi thú thật là bản thân luôn trong tình trạng quá tải. Nhất là từ giữa năm 2019, khi tôi nhận nhiệm vụ Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Mỗi ngày, tôi phải làm việc khoảng 12 tiếng. Hàng ngày, lúc 23h, bạn trợ lý sẽ nhắn cho tôi những việc cần thực hiện trong ngày hôm sau, tôi sẽ lên thứ tự ưu tiên, việc chung trước, việc cá nhân sau, việc cấp bách trước, việc chưa cần thiết ngay thì để sau. Ngoài ra còn có những việc đột xuất. Lịch trình luôn kín đặc.
Tôi nghĩ việc tham gia Quốc hội rất quan trọng vì tôi có thể đưa tiếng nói đặc thù của ngành y tế đến nghị trường, lên tiếng cho cán bộ, công nhân viên chức ngành y. Tất nhiên, việc chữa bệnh và giảng dạy của tôi cũng không thể bỏ, nên đến một lúc nào đó tôi phải thoát ra khỏi công việc quản lý.
Trước mắt, được tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tôi sẽ cố gắng hết sức để xây dựng bệnh viên hoàn chỉnh hơn, đa chuyên khoa, tạo thương hiệu vững chắc. Xây dựng bệnh viện là nhiệm vụ lớn vì trực tiếp chữa bệnh sẽ cứu được 1-2 người, nhưng hệ thống tốt thì có hàng nghìn người sẽ được chữa bệnh. Tôi hi vọng sau khi cùng tập thể bệnh viện gây dựng được con thuyền đi đúng hướng, chuyên nghiệp, tôi có thể quay về công việc chuyên môn của mình.
PGS. TS y học Nguyễn Lân Hiếu (48 tuổi, quê ở Hưng Yên) trưởng thành trong một gia đình truyền thống khoa học. Ông là con trai GS Nguyễn Lân Dũng và Đại tá Nguyễn Kim Nữ Hiếu (nguyên là Phó giám đốc, Chính uỷ bệnh viện trung ương Quân đội 108), cháu nội cố nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, cháu ngoại cố bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Huyên. Tốt nghiệp nội trú chuyên ngành Tim mạch, Đại học Y Hà Nội năm 1999, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Y học vào năm 2008, ông Hiếu từng giữ chức Phó Giám đốc chuyên môn; Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Phó Trưởng Bộ môn Tim mạch đơn vị trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc bệnh viện ĐH Y Hà Nội từ tháng 5/2019. Tham gia Quốc hội khóa XIV sau khi trúng cử tại tỉnh An Giang, ông Hiếu là một trong số ít những đại biểu ngoài Đảng. Chia sẻ về điều này, ông nói "bố mẹ muốn tôi vào Đảng để đứng cùng đội ngũ với mẹ". Tuy nhiên ông thấy rằng ở vị trí hiện nay vẫn đóng góp được khả năng của mình cho đất nước. Hơn nữa, theo ông, trong Quốc hội cần tiếng nói phản biện của trí thức, của những người ngoài Đảng. |
Theo VNE