Giám đốc WB Việt Nam:
Khu vực tư nhân là kênh bù đắp cho kinh tế Việt Nam những ngày "xấu trời"
Việt Nam vẫn nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Theo tôi, Chính phủ đã rất đúng khi chú trọng hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước, coi đó là kênh để bù đắp khi phải đối mặt với rủi ro trong những ngày “xấu trời”.
Đây là khẳng định của ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khi nói về kinh tế Việt Nam 2019 và những dự cảm cho năm 2020. Nhân dịp đầu xuân Canh Tý 2020, phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi ngắn với đại diện WB về những nhìn nhận của định chế tài chính lớn nhất thế giới về Việt Nam cho năm 2020.
Ngài Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam |
Đánh giá một cách tổng quát về bức tranh kinh tế Việt Nam 2019, dưới góc độ của WB, ông có nhận định như nào, đâu là điểm nhấn của kinh tế Việt Nam năm qua, thưa ông?
- Mặt trời vẫn toả nắng ở nền kinh tế Việt Nam cho dù mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu khi tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn trong năm 2019.
Tăng trưởng GDP trong năm 2019 của Việt Nam theo Báo cáo Điểm lại phát hành tháng 12/2019, được dự báo khoảng 6,8%, chỉ thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với năm 2018 nhưng cao gần gấp 3 lần so với tốc độ bình quân của thế giới (2,6%), và hơn 1,2 điểm phần trăm so với bình quân khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương.
Kết quả tăng trưởng nêu trên có được là nhờ sự đóng góp của hai yếu tố chính: tăng trưởng xuất khẩu và sức cầu trong nước của các doanh nghiệp và hộ gia đình. Yếu tố thứ nhất phản ánh kết quả xuất khẩu tăng khoảng 8,4% trong 9 tháng đầu năm 2019, tuy thấp hơn so với mức cùng kỳ năm trước (15,8% trong 9 tháng năm 2018) nhưng cao gấp 3 lần so với mức tăng bình quân toàn cầu.
Yếu tố đóng góp thứ hai là do sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu với dân số có mức sống trên 15 USD/ngày tăng thêm khoảng 1 triệu người/năm.
Nhu cầu của tầng lớp trung lưu đã trỗi dậy phần lớn được đáp ứng bằng hàng nhập khẩu, với kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng đã và đang tăng khoảng 15%/năm kể từ năm 2015.
Nhờ đóng góp của xuất khẩu và sức cầu của khu vực tư nhân cho tăng trưởng GDP, Chính phủ có thể duy trì chính sách tài khoá và tiền tệ thận trọng. Các cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm bội chi ngân sách (ở mức 0,1 điểm phần trăm GDP) nhờ thu ngân sách cao hơn dự kiến và chi đầu tư được thực hiện với tốc độ chậm lại.
Điều này khiến tỷ lệ nợ công/GDP dự kiến giảm từ 58,4% xuống còn 56,1% từ năm 2018 đến 2019. Nhờ đó Việt Nam có thể tạo thêm dư địa tài khoá theo hướng giảm vay nợ công ở mức gần 8 điểm phần trăm GDP từ năm 2016.
Ở một khía cạnh khác, tăng trưởng xuất khẩu tuy cao nhưng tôi cho rằng khó có thể kéo dài vì ít nhiều vẫn nhờ vào tình trạng chuyển hướng xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2019 rất lớn, đạt hơn 500 tỷ USD, nền kinh tế xuất siêu, nhiều thị trường thặng dư thương mại, ông đánh giá đây có phải là sự bứt tốc của Việt Nam trên bàn cờ kinh tế của khu vực và thế giới?
- Tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhảy vọt lên mức gần 28% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn 10 điểm phần trăm so với năm 2018. Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường ngoài Mỹ giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 3,8% trong 9 tháng năm 2019, so với 12% năm 2018.
Xu hướng này cho thấy Việt Nam tận dụng tốt cơ hội đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chứ không hoàn toàn nhờ năng lực cạnh tranh của quốc gia được cải thiện chung trên các thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, về lâu dài, Mỹ sẽ sớm nhận ra điều này và trong trường hợp cán cân thương mại thiên lệch, Mỹ sẽ cân nhắc áp thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Điều này không mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Việt Nam ký kết rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và khu vực nhưng những hiệp định đó vẫn chưa tận dụng thành công.
Một điểm nữa tôi muốn lưu ý, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam giảm 8% trong vòng 3 năm từ 2016, một mức giảm chưa có quốc gia nào trên thế giới làm được trước đây.
Phân tích kỹ hơn, mức giảm này chủ yếu đến từ cắt giảm đầu tư công. Không có dự án điện nào được triển khai dù mức tiêu thụ điện năng của Việt Nam gần đạt đỉnh. Các dự án hạ tầng giao thông lớn đều bị lùi kế hoạch. Giải ngân ODA đang ở mức chậm nhất trong vòng 20 năm nay. Tất cả điều này đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam.
Năm 2020 được dự báo kinh tế và chính trị thế giới có rất nhiều biến động khó lường, quá trình cải cách, hiệu quả chuyển đổi của Việt Nam diễn ra chậm đã và đang khiến Việt Nam rơi vào trạng thái “ngộ nhận” sự phát triển, ông có lời khuyên gì cho Việt Nam?
- Việt Nam vẫn giữ vững tăng trưởng trong những năm tới và là nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng trong khu vực nhờ rất nhiều trợ lực từ tiêu dùng trong nước, chính sách tài khoá được nới lỏng hơn đồng thời nâng cao hiệu suất của nền kinh tế.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng Việt Nam phát triển từ trình độ thấp lên cao nên tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cao hơn so với nhiều quốc gia khác. Do đó, các bạn phải có tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, để bắt kịp và vươn xa trong quá trình tiến lên và hội nhập.
Cái tôi lo lắng nhất hiện nay ở Việt Nam chính là tốc độ cải cách. Có rất nhiều ý tưởng được đưa ra nhưng hoặc là chưa được thực hiện hoặc là mới được thực hiện một phần rất nhỏ, chưa đủ sức để làm nên những thay đổi toàn diện, đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường.
Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng để tạo ra bước ngoặt, bứt phá và vươn lên. Thời điểm này Việt Nam đang rốt ráo chuẩn bị Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 để đưa ra định hướng phù hợp cho tương lai.
Việt Nam đã thành công trong phát triển kinh tế, trở thành mô hình đáng học hỏi cho các quốc gia kém phát triển hơn. Việt Nam có thể tiếp tục gặt hái thành công trong chặng đường phát triển tiếp theo, điều này phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm, tầm nhìn và hành động của nhà lãnh đạo.
Trong chặng đường này, Việt Nam cần tạo ra các công ty, doanh nghiệp hay đơn vị tiên phong, dẫn dắt cuộc chơi. Theo đó là cần có những biện pháp hỗ trợ họ để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ. Cải cách bao giờ cũng gặp phải hoài nghi và chống đối mạnh mẽ. Nhưng nếu chúng ta tạo ra sự thay đổi tích cực, niềm tin cải cách sẽ gia tăng và chúng ta sẽ lôi kéo được những người hoài nghi, chống đối đi theo vì khi đoàn tàu đã lăn bánh, mọi người đều muốn lên đoàn tàu ấy.
Ông có nhắc đến tốc độ của cải cách, các chuyên gia kinh tế của Việt Nam luôn đau đáu nhìn vào chuyển biến của khu vực kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước - nơi nắm giữ nguồn lực lớn của đất nước đang chuyển đổi rất chậm, thậm chí không chuyển đổi đúng kế hoạch, ông có lời khuyên gì cho Việt Nam để sớm cải cách khu vực này?
- Kể từ năm 2017 tới nay, chương trình cổ phần hoá/thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sau đã chững lại đáng kể. Thương vụ đáng kể nhất là của nhà đầu tư Thái Lan mua cổ phần của Sabeco. Cũng trong giai đoạn này, không có những dự án đầu tư lớn nào được triển khai, tác động đáng kể tới tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam.
Thời gian tới, nhịp độ cải cách cũng khó có đột biến bởi có thể bị tác động bởi quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021.
Dù thế nào, theo tôi, đẩy mạnh cải cách vẫn là con đường Việt Nam chắc chắn phải đi qua để hướng tới xây dựng thể chế phù hợp với trình độ, mức độ và yêu cầu phát triển mới nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Các bộ bây giờ có tâm lý chờ đợi văn bản chỉ đạo mới làm. Gần như việc gì họ cũng đưa lên Thủ tướng xin chỉ đạo. Trong khi, Thủ tướng không thể làm hết được các việc mà ở các cấp khác nhau, phải tự giải quyết công việc của họ, nếu cần mới báo cáo lên cấp trên chứ không phải việc gì cũng xin ý kiến như hiện nay. Chậm trễ, ách tắc trong xử lý là điều dễ hiểu.
Tôi ngồi ở văn phòng có thể nói chuyện, nhắn tin với các bộ trưởng rất dễ, thảo luận với họ rất nhiều vấn đề. Thế nhưng, khi cần phê duyệt, vẫn cần phải bản cứng, dấu đỏ. Tại sao không email, đính kém file văn bản mà cứ phải chuyển công văn? Tại sao người ta mãi không thay đổi để mọi chuyển trở nên dễ dàng hơn?
Vấn đề ô nhiễm môi trường; không khí, đất, nước tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Theo ông, kinh nghiệm quốc tế đối với những nước tương tự như Việt Nam họ sẽ làm gì? Một khía cạnh khác là hiện Việt Nam tham gia nhiều FTA mới, nhưng người dân chưa được hưởng ưu đãi, ông có lời khuyên gì cho Chính phủ Việt Nam để hoàn hiện thêm chính sách, giúp người dân thụ hưởng tốt hơn quá trình hội nhập?
- Trong quá trình phát triển của các quốc gia, không có quốc gia nào đi con đường thẳng. Bao giờ cũng gặp trở ngại, nhưng ngày nay, thế giới phẳng, 1 nước có thể nhìn được khiếm khuyết của các nước và rút ra bài học kinh nghiệm cho riêng mình.
Chẳng hạn, về du lịch, du lịch tạo ra doanh thu nhưng cũng có thể là nguồn tạo ra ô nhiễm đặc biệt đối với khu vực có tính tổn thương cao.
Trong 2 năm qua, một số nước trong khu vực xảy ra vấn đề nghiêm trọng dẫn đến một số nước buộc phải đóng cửa khu du lịch, gây thiệt hại hàng tỷ USD, mất công ăn việc làm, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế… Chẳng hạn như đảo ở Boracay ở Philippine.
Vấn đề ở đây là thiếu đầu tư vào xử lý các phương tiện xử lý ô nhiễm đặc biệt là xử lý nguồn nước, thiếu đầu tư xử lý chất thải rắn.
Nhìn vào ví dụ đó và nhìn vào khu du lịch của Hạ Long, Phú Quốc… nếu muốn phát triển bền vững cần phải làm gì. Bởi du lịch là ngành rất rủi ro, nếu tốt nhiều người đổ đến nhưng nếu xấu thì người ta bỏ đi ngay lập tức. Chúng ta có nhiều biện pháp để xử lý chất thải, nước thải hoặc quy định khách du lịch chỉ được đến vùng nào để bảo vệ môi trường.
Hơn nữa, áp dụng luật pháp, công nghệ là rất cần thiết. Nếu xe máy, chúng ta thấy phát thải quá nhiều thì nên chuyển sang xe máy điện. Những chính sách chúng ta làm được như phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… khuyến khích sử dụng phương tiện sạch là hướng đi đúng.
Chính sách có liên quan như thuế, logistics, thương mại cần tận dụng để tận dụng được các lợi thế mà hiệp định thương mại tự do mang lại tốt hơn cho đất nước, cho người dân.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Dân trí