Tin tức thế giới 21/1: Đồng minh chủ chốt trong đảng Cộng hòa phản đối nước cờ của ông Trump trước giờ luận tội
(PetroTimes) - Đồng minh chủ chốt trong đảng Cộng hòa phản đối nước cờ của ông Trump trước giờ luận tội; Hé lộ danh tính thực thủ lĩnh mới của IS; Pháp và Mỹ đình chiến thương mại... là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 21/1.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Nypost |
Đồng minh chủ chốt trong đảng Cộng hòa phản đối nước cờ của ông Trump trước giờ luận tội
Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 20/1 đã chỉ định một số thành viên của đảng Cộng hòa tại Hạ viện làm thành viên trong đội ngũ luận tội trước thềm phiên tòa tại Thượng viện dự kiến diễn ra vào ngày 21/1 (giờ Mỹ). Theo đó, các Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Doug Collins, Mike Johnson, Elise Stefanik, Jim Jordan, Debbie Lesko, John Ratcliffe và Lee Zeldin sẽ tham gia đội ngũ luận tội.
Một số đồng minh chủ chốt trong đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã lên tiếng phản đối. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ rằng điều này là sáng suốt. Điều mà chúng ta cần thảo luận là các vấn đề về hiến pháp đối với hai điều khoản luận tội”. Trong một diễn biến liên quan, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ đã công bố các quy định cơ bản cho phiên tòa luận tội Tổng thống và không thừa nhận bằng chứng nhằm vào Tổng thống do Hạ viện đưa ra.
Hé lộ danh tính thực thủ lĩnh mới của IS
Guardian dẫn các nguồn tin tình báo phương Tây cho biết, thủ lĩnh mới của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) được xác định là Amir Mohammed Abdul Rahman al-Mawli al-Salbi. Tên này là một trong những thành viên lập ra IS, hắn đứng sau các vụ bắt người thiểu số Yazidi ở Iraq làm nô lệ và điều hành hoạt động của IS trên khắp thế giới.
Theo Guardian, Salbi được bầu làm thủ lĩnh mới của IS chỉ vài giờ sau cái chết của Baghdadi. Salbi sinh ra ở thị trấn Tal Afar, Iraq, tốt nghiệp đại học luật và là một trong số ít nhân vật không phải gốc Ả rập trong đội ngũ điều hành IS. Ngay từ khi xác định được Salbi là nhân vật tiềm năng có thể thế chỗ của Baghdadi, Mỹ đã treo giải 5 triệu USD để tiêu diệt hắn.
Triều Tiên kêu gọi tự lực cánh sinh trước “cuộc chiến khốc liệt” với Mỹ
Đề cập tới tình hình hiện tại mà Triều Tiên đang phải đối mặt là “cuộc chiến khốc liệt” với Mỹ và các nước theo chân Mỹ, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, chỉ trích Washington có các “mưu đồ khiêu khích về chính trị, quân sự và kinh tế nhằm bóp nghẹt hoàn toàn và hủy diệt” Triều Tiên.
Rodong Sinmun cho biết, những gì Triều Tiên cần bây giờ không phải là tiền hay sự ủng hộ từ bên ngoài, mà là ý chí và trách nhiệm từ người dân nước này để vượt qua thử thách. Trong khi đó, theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), truyền thông nhà nước Triều Tiên gần như ngày nào cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần “tự lực cánh sinh”.
Pháp và Mỹ đình chiến thương mại
Một quan chức ngoại giao Pháp ngày 20/1 cho hay, Tổng thống Macron đã có một "cuộc trao đổi tuyệt vời" với Tổng thống Trump để Pháp - Mỹ tránh một cuộc thương chiến đến hết năm 2020. Theo đó, cuộc chiến thuế quan sẽ được hoãn và tiếp tục đàm phán tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về thuế dịch vụ kỹ thuật số trong giai đoạn tới.
"Họ đã nhất trí cho các cuộc đàm phán một cơ hội đến cuối năm nay. Trong thời gian đó, sẽ không có các đòn thuế ăn miếng trả miếng", quan chức này nói. Trước đó, Pháp hồi tháng 7/2019 quyết định áp thuế 3% đối với các dịch vụ kỹ thuật số của các công ty công nghệ. Để đáp trả, Washington đe dọa áp các đòn thuế lên đến 100% đối với 2,4 tỷ USD hàng xuất khẩu Pháp.
Malaysia trả rác nhựa cho 13 nước
Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin hôm qua (20/1) cho biết đã yêu cầu gửi trả 3.737 tấn rác thải nhựa cho 13 nước. Trong đó, có 43 container rác được gửi trả cho Pháp, 42 container trả cho Anh, còn Mỹ nhận 17 container và Canada nhận 11 container. Đồng thời bà Yin khẳng định Malaysia sẽ không làm "bãi rác" của thế giới.
Số container rác nhựa này được chuyển trái phép đến Malaysia từ năm 2018, khi Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa. Hồi tháng 5, chính phủ của 187 quốc gia, trong đó có Malaysia, đã nhất trí thêm rác thải nhựa vào Công ước Basel quy định về việc vận chuyển các vật liệu độc hại giữa các nước, nhằm chống lại ô nhiễm rác thải nhựa trên toàn thế giới.
H.T (t/h)