Tài chính không chỉ là khư khư giữ tiền mà còn làm cho "tiền đẻ ra tiền"
(PetroTimes) - Tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Tài chính tổng kết công tác 2019, triển khai nhiệm vụ 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tài chính không chỉ là con số thu chi ngân sách, là khư khư giữ tiền mà phải biết huy động, biết sử dụng tiền hiệu quả hơn và làm cho tiền đẻ ra tiền.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) đến ngày 31.12.2019 đạt 1.549,5 nghìn tỷ đồng, vượt 138,2 nghìn tỷ đồng và tăng 9,79% so dự toán. Trong đó, thu nội địa vượt 100,2 nghìn tỷ đồng (tăng 8,5%), thu từ dầu thô vượt 11,7 nghìn tỷ đồng (tăng 26,1%) và thu cân đối ngân sách từ xuất nhập khẩu vượt 25,3 nghìn tỷ đồng (tăng 13,4%) so với dự toán.
Đáng chú ý, cả thu ngân sách trung ương và thu ngân sách địa phương đều vượt dự toán, lần lượt là 32 nghìn tỷ đồng và 106,2 nghìn tỷ đồng. Cả 63 tỉnh, thành phố vượt dự toán thu NSNN trên địa bàn; 60/63 tỉnh, thành phố đạt và vượt dự toán thu ngân sách địa phương.
Năm 2019 cả thu ngân sách trung ương và thu ngân sách địa phương đều vượt dự toán |
Tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Tài chính tổng kết công tác 2019, triển khai nhiệm vụ 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thành tích nổi bật nhất của ngành tài chính trong năm 2019 là thu ngân sách vượt dự toán gần 10%, góp phần tạo thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển.
Về nhiệm vụ của ngành Tài chính trong năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh, trước mắt, Bộ Tài chính cần tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn tại, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến ngày 31.12.2019 giải ngân vốn đầu tư phát phát triển nguồn NSNN khoảng 62,94% dự toán, ước đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán giải ngân đạt 73 - 75% dự toán. Thủ tướng cho rằng, kết quả này ảnh hưởng đến tăng trưởng và yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành khắc phục tình trạng này ngay từ đầu năm, không để tái diễn “bài ca muôn thuở” giải ngân chậm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề chậm trễ của quá trình cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước. Lũy kế giai đoạn 2016 - 2019, có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong số đó chỉ có 36 doanh nghiệp thuộc danh mục 128 doanh nghiệp cổ phần hóa, đạt 28% kế hoạch. Tương tự, việc triển khai thoái vốn nhà nước cũng chỉ đạt 7,8% kế hoạch. Trước thực tế này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải đề xuất giải pháp mạnh đối với Chính phủ để xử lý, tháo gỡ ách tắc, nhất là vấn đề đất đai trong cổ phần hóa.
Theo Thủ tướng, tài chính không chỉ là con số thu chi ngân sách, là khư khư giữ tiền mà phải biết huy động, biết sử dụng tiền hiệu quả hơn và làm cho tiền đẻ ra tiền. “Các chính sách tài chính như thuế, chi ngân sách, thị trường chứng khoán... phải tập trung khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng năng lực sản xuất, phát huy tiềm năng thế mạnh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của Việt Nam” - Thủ tướng cho hay.
Đồng thời, Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, ngành tài chính cần phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh phát triển, làm sao cho “chiếc bánh” to hơn để có nguồn thu lớn hơn. Bộ cần quyết tâm và có giải pháp để năm 2020 vượt thu ngân sách ít nhất 5%; siết chặt kỷ luật ngân sách, trong đó giảm chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước để có nguồn chi cải cách tiền lương.
M.Đ
Ngân hàng Nhà nước: Các công ty tài chính không được thu hồi nợ theo kiểu đe dọa |
Ý tưởng lớn - đích đến còn xa |
Bộ Tài chính kiên quyết công ty đòi nợ phải có vốn 2 tỷ đồng, sếp tốt nghiệp đại học |