Những chiêu né phạt của dân nhậu
Kết thúc buổi liên hoan tối 7/1, anh Trần Minh (25 tuổi, quận Hoàng Mai) đưa chìa khóa xe để vợ cầm lái chở anh về nhà.
Đây là lần thứ hai kể từ khi nghị định 100 ban hành, anh Minh để chị Nguyễn Thị Hòa chở về sau khi đã nâng ly cùng bạn bè.
Anh Minh cho biết, mình không phải người hay nhậu nhẹt nhưng thi thoảng vẫn ngồi cùng bạn bè và "làm vài ly". Trước đây, sau mỗi lần uống anh và mọi người thường lên xe và tự đi về. "Kể từ 1/1, tôi đã hứa với vợ sẽ gọi taxi đi về sau khi nhậu. Nếu cả hai vợ chồng cùng tham gia, tôi cầm lái lúc đi, lúc về để bà xã chở", anh nói.
Anh Minh và chị Hòa thống nhất cứ mỗi lần chở chồng về, chị sẽ mở ứng dụng xe ôm công nghệ để xem giá tiền của quãng đường rồi yêu cầu anh "thanh toán". Đến nay, chị Hòa đã thu được của chồng hơn 60.000 đồng bỏ heo đất. "Vừa không mất tiền phạt, vừa có thêm quỹ đen", chị nói.
Trên một bàn nhậu ở quận 1 (TP HCM), 4 người đi xe ôm uống bia, người còn lại tự đi xe máy nên chọn uống nước lọc. Ảnh: Phan Diệp. |
"Nhậu một ngày, nghỉ một ngày" là giải pháp anh Trương Bá Ngọc 38 tuổi (Hà Đông) áp dụng để không bị phạt nồng độ cồn. Đêm 31/12, người đàn ông này cùng đồng nghiệp "uống một trận thật đã" với lý do tranh thủ trước khi luật mới có hiệu lực. Cả ngày hôm sau, anh Ngọc không ra ngoài. Sang ngày 2/1, thấy người vẫn còn hơi men, anh xin nghỉ thêm một hôm.
Biết là số ngày phép có hạn mà nghỉ sẽ ảnh hưởng đến lương, anh Ngọc buộc phải giảm tần suất nhậu, từ đầu năm đến nay chỉ uống thêm một lần, thay vì cách nhật như trước. Nghe nói ở Trung Quốc có loại trà có thể dùng để giải rượu nhanh và át được nồng độ cồn trong hơi thở, anh đặt mua 10 hộp nhưng kết quả không như quảng cáo. "Uống cả lít trà mà hơi thở vẫn nồng nặc mùi cồn", anh Ngọc nói.
Một người bạn trong hội nhậu của anh Ngọc thì chuyển sang đi xe máy thay vì ôtô, để khi gặp cảnh sát giao thông sẽ xuống xe dắt bộ qua điểm kiểm tra. Một hôm, vì đã ngà ngà say, xe lại nặng, anh này ngã lăn ra đường. "Sáng hôm sau, cậu ấy vừa than đau, vừa kêu tiếc xe bị xước", anh Ngọc kể.
Cũng mê nhậu mà sợ vi phạm luật, anh Nguyễn Văn Lâm 40 tuổi (quận Tây Hồ) cùng đồng nghiệp ở công ty thống nhất không nhậu "ngẫu hứng" nữa mà "phải có lộ trình". Thay vì nhậu vào các buổi trưa trong tuần, anh Lâm chuyển hết lịch uống rượu bia tới cuối tuần, khi đi gọi taxi.
Vì là dân kinh doanh với những bản hợp đồng thường được ký trên bàn nhậu nên anh Nguyễn Tiến Dũng 38 tuổi (quận Nam Từ Liêm) đành phải chọn giải pháp mua máy đo nồng độ cồn để tự kiểm tra trước khi cầm lái. Tìm kiếm suốt một tuần, anh vẫn chưa mua được máy do còn băn khoăn về chất lượng cũng như giá cả. Trong giai đoạn này, anh Dũng đành làm bạn với taxi sau mỗi cuộc nhậu.
Anh Nguyễn Minh Đức, 35 tuổi ở Thanh Xuân, từng mất một người bạn thân vì rượu bia. "Đúng ngày Noel năm ngoái, cậu ấy đi tiếp khách trong Sài Gòn, uống say, trên đường về gặp tai nạn giao thông", anh kể. Sau khi có nghị định 100, ngoài mục đích đảm bảo an toàn và tránh bị phạt cho bản thân, anh Đức lập ra một nhóm kết nối giữa người đã sử dụng rượu bia cần chở về nhà với các tài xế trên mạng xã hội. Từ ngày 2/1 đến nay, nhóm của anh Đức có hơn 2.000 thành viên, thực hiện khoảng 100 chuyến xe đưa người uống rượu bia về nhà an toàn. Bản thân anh Đức cũng sử dụng dịch vụ trong nhóm vào những hôm đi liên hoan.
Anh Nguyễn Minh Đức thành lập nhóm kết nối giữa người đã sử dụng rượu bia cần chở về nhà với các tài xế. Ảnh: NVCC. |
Không chỉ cánh đàn ông, phụ nữ cũng tìm cách đối phó với Nghị định 100. Phạm Lan Hương (quận Ba Đình) bắt đầu uống rượu bia từ một năm nay, ban đầu vì công việc, dần dần thành sở thích. Mỗi tuần, cô gái 25 tuổi nhậu 5-6 buổi. "Tôi không uống tới mức say mà chỉ để thư giãn đầu óc", Hương chia sẻ.
10 ngày nay, Lan Hương mua rượu bia về nhà uống, chỉ ra ngoài 2 lần. Cô cũng chuyển giờ nhậu từ tối thành đêm, 1-2h sáng mới về để tránh cảnh sát giao thông.
Theo VNE