Việt Nam đã phải đối mặt với 20 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế
(PetroTimes) - Tính đến tháng 12/2019, Việt Nam đã bị 20 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu. Trong đó, thép là mặt hàng bị điều tra nhiều nhất với 6 vụ kiện, chiếm 30% tổng số các vụ kiện.
Gian lận xuất xứ sẽ cản trở xuất khẩu của cả nền kinh tế |
Tăng cường chống gian lận xuất xứ |
Tăng cường quản lý chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại |
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, các vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra "lẩn tránh thuế" đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thường thuộc các trường hợp: hàng hóa của nước đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được chuyển tải sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.
Hàng hóa lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), hoặc các quy định ưu đãi thuế quan (như GSP).
Thép là mặt hàng phải bị khởi kiện nhiều nhất về chống lẩn tránh thuế |
Tính đến tháng 12/2019, Việt Nam bị tổng số 20 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế. Trong số các vụ đó, mặt hàng thép bị khởi kiện nhiều nhất với 6 vụ, chiếm tỷ lệ 30% trong tổng số các vụ kiện. Và hầu hết, các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép đều do Hoa Kỳ tiến hành, trong đó riêng với sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội, Hoa Kỳ đã điều tra tổng cộng 5 vụ việc.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết: “Hầu hết các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với hàng hóa xuất xuất khẩu của Việt Nam đều bị kết luận có tồn tại hành vi lẩn tránh, sau đó bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước”.
Trước tình hình như vậy, cùng với xu hướng gia tăng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam gần đây, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thông tin, đồng thời cần hợp tác tối đa với của cơ quan liên quan tại nước nhập khẩu trong các vụ việc điều tra.
Khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Nếu không, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài "trừng phạt" rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ "mất" toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.
Nguyễn Hưng