"Cứ hét giá cao quá, người tiêu dùng sẽ quay lưng với thịt lợn"
"Mấy ngày nay giá lợn hơi trên toàn quốc ổn định ở mức 83.000 đồng/kg và có xu hướng đi xuống. Giá lợn ở mức hợp lý thì mới kích thích phát triển bền vững, nếu cứ hét giá cao quá thì người tiêu dùng sẽ quay lưng với thịt lợn" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cảnh báo.
Trao đổi với báo chí về dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và tình hình tái đàn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, năm nay Việt Nam không may khi dịch tả lợn châu Phi tràn vào. Nước láng giềng Trung Quốc còn gặp khủng hoảng vì dịch bệnh này.
Ông Cường cho biết, DTLCP bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào đầu tháng 2/2019, đến ngày 24/12/2019, bệnh dịch này đã xảy ra ở hơn 8.500 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tổng số lợn phải tiêu hủy là gần 6 triệu con lợn với tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn (chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước).
"Điều xót xa nhất chính là thiệt hại này lại rơi vào phần lớn bà con nông dân, những người chăn nuôi nhỏ lẻ, yếu thế. Những cơ sở sản xuất lớn họ có đà để lấy lại được những gì đã mất" - ông Cường chia sẻ.
Cũng theo ông Cường, thời điểm DTLCP bùng phát cao nhất ở Việt Nam rơi vào tháng 5, tháng 6 năm 2019. Tiêu hủy đỉnh điểm tháng 5 là 1.270.000 con lợn, đến nay lượng lợn tiêu hủy giảm chỉ còn 40.000 con, tức đã giảm được khoảng 97% so với thời kỳ cao điểm. 80% số xã bệnh này không quay lại. Hiện 3 tỉnh 100% số xã không có dịch quay trở lại.
Ông Cường cũng cho biết, tháng 10/2019, khi dịch bệnh giảm, các địa phương đã có chủ trương tập trung tái đàn. Điều đáng mừng là ngành chăn nuôi vẫn giữ được lực lượng hạt nhân bao gồm 109.000 con lợn cụ kỵ, ông bà, giữ được 2,7 triệu lợn nái. Hơn nữa, ngay cả những ngành dịch vụ trong hệ sinh thái chăn nuôi vẫn giữ được nguyên.
Đặc biệt, các tổ hợp chăn nuôi lớn, nhất là 17 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, chỉ bị tổn thương một số rất nhỏ, đa phần giữ được nguyên vẹn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. (Ảnh: Nguyễn Dương). |
Người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ thêm, qua 11 tháng đối phó với DTLCP đã giúp những người làm công tác chỉ đạo cũng như người chăn nuôi rút ra bài học, đó là: Đã hiểu được thế nào về tầm quan trọng của chăn nuôi an toàn sinh học, bởi nếu thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì dù chưa có vắc xin phòng dịch bệnh này vẫn giữ được đàn lợn an toàn. Phải đảm bảo an toàn sinh học mới thực hiện được tái đàn lợn thành công.
"Công tác đảm bảo an toàn sinh học ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất hạn chế, do đó, việc tái đàn ở những hộ này rất dễ gặp rủi ro tiếp theo. Chúng tôi đã kiến nghị với lãnh đạo các địa phương phải tìm sinh kế mới cho những hộ này, có thể hướng họ sang chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò,... hoặc nuôi thủy sản, trồng các loại cây khác thay thế" - ông Cường nói.
Đề cập đến vấn đề nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2020, ông Cường cho biết, ngay từ đầu năm chúng ta đã có chủ trương đẩy mạnh nhóm sản phẩm khác như gia cầm, đại gia súc, thủy sản,... Tổng sản lượng thực phẩm cuối năm do đó không thiếu, thậm chí đáp ứng đủ vấn đề xuất khẩu. Song, ông cũng thừa nhận có tình trạng thâm hụt ở cơ cấu thịt lợn.
Hiện nay giá thịt lợn đang ở mức khá cao một phần do nguồn cung thiếu, phần nữa do giá thành sản xuất cao. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây giá thịt lợn bắt đầu hạ, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã giảm giá còn 83.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng.
"Giá thịt lợn nên ở một mức hợp lý thì mới kích thích sản xuất phát triển bền vững, còn cứ thướng giá (hét giá - PV) cao quá thì người tiêu dùng quay lưng không ăn nữa vì họ có rất nhiều lựa chọn khác như tôm, trứng, cá,... ", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Theo Dân trí