Quy định thanh toán không dùng tiền mặt
Cần đúng luật, đúng cam kết quốc tế
(PetroTimes) - Theo nhiều luật gia, việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, gồm cả việc hạn chế sử dụng ngoại tệ, tức là hạn chế quyền của công dân, phải được quy định cụ thể trong luật, nếu chỉ quy định trong văn bản dưới luật chỉ là giải pháp tạm thời.
Nghị định là giải pháp tạm thời?
Thanh toán không dùng tiền mặt đem lại sự thuận tiện trong hoạt động của doanh nghiệp, đời sống của người dân, góp phần thay đổi cách thức quản lý theo hướng minh bạch, hiện đại. Trong thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều nỗ lực để đưa chủ trương, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt đi vào cuộc sống. Vì vậy, Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, các doanh nghiệp thụ hưởng dịch vụ và đông đảo người dân.
Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đã qua 6 năm thực hiện, có ảnh hưởng sâu rộng, là nền tảng pháp lý cho các hoạt động thanh toán và trung gian thanh toán, tạo điều kiện cho các loại hình mới như thanh toán điện tử, thanh toán di động... phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, yêu cầu của hội nhập, một số quy định của Nghị định 101 cần được sửa đổi, bổ sung.
Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP, đại diện Ban soạn thảo nêu quan điểm: Nghị định nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tối đa các hoạt động sử dụng tiền mặt để giảm chi phí, tạo sự minh bạch trong nền kinh tế, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ hiện đại, hạn chế các rủi ro trong giao dịch, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, các doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực thanh toán. Dự thảo có 7 chương, 44 điều, thể hiện sự đồng bộ pháp lý về tiền điện tử, quản lý các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản, hoạt động đại lý thanh toán, hoàn thiện quy định về dịch vụ trung gian thanh toán, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Hiện dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan.
Góp ý về những quy định còn bất cập trong dự thảo, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, cho rằng, việc tiếp tục ban hành quy định về thanh toán không dùng tiền mặt dưới hình thức nghị định là không hợp lý, chỉ nên coi là giải pháp tạm thời bởi một số lý do.
Trước hết, việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, gồm cả việc hạn chế sử dụng ngoại tệ, tức là hạn chế quyền của công dân, phải được quy định cụ thể trong luật. Bên cạnh đó, đây là vấn đề trên liên quan trực tiếp đến nước ngoài, do đó, việc quy định bằng văn bản dưới luật là không bảo đảm cơ sở pháp lý cần thiết.
Quy định hiệu lực hồi tố tại Điều 42 của dự thảo Nghị định trái với Điều 74 Luật Đầu tư, đồng thời trái với các cam kết bảo hộ đầu tư trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương. |
Ngoài ra, nếu giao dịch dân sự vi phạm các điều cấm trong pháp lệnh và nghị định thì sẽ không bị vô hiệu như trước đây. Hiện nay, giao dịch dân sự chỉ vi phạm điều cấm của luật thì mới bị vô hiệu theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 về “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự”.
Bên cạnh đó, trong trường hợp xây dựng nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt như một giải pháp tạm thời thì cần xem xét gộp nghị định này với Nghị định 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt.
“Cần xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật chung về thanh toán vì hai nghị định này giống nhau về đối tượng áp dụng, gồm 3 nhóm chính là: NHNN, tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thanh toán. Đặc biệt, Nghị định 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt gồm có 14 điều, nhưng các nội dung trọng tâm, chủ yếu lại là quy định về việc thanh toán không dùng tiền mặt” - luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Có nên hạn chế đầu tư nước ngoài vào fintech?
Một vấn đề nóng của hội thảo là quy định về hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán không quá 49%.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho rằng, mặc dù thương mại điện tử phát triển nhanh trong thời gian gần đây nhưng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt không tăng. Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cần thiết phải có nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vì đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro, trong khi nguồn vốn trong nước chưa sẵn sàng.
Chia sẻ quan điểm, ông Nishikawa, thành viên HĐQT Công ty CP Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (Ví điện tử Payoo), đại diện cho nhà đầu tư NTT (Nhật Bản) cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài có sự đóng góp lớn không chỉ về vốn đầu tư mà cả công nghệ, tri thức, do đó NHNN cần cân nhắc về quy định hạn chế vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán.
Cùng chung ý kiến, bà Trương Cẩm Thanh, đại diện Zalo Pay và ông Nguyễn Bá Diệp, đại diện Ví điện tử MoMo, đề nghị dự thảo cần có các quy định thống nhất về điều kiện kinh doanh cho các loại hình tiền điện tử khác nhau, bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Một số chuyên gia pháp lý đi sâu hơn khi cho rằng, việc hạn chế đầu tư nước ngoài có thể vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Quy định hiệu lực hồi tố tại Điều 42 của dự thảo cũng trái với Điều 74 Luật Đầu tư, đồng thời trái với các cam kết bảo hộ đầu tư trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương, có thể dẫn đến nguy cơ Chính phủ Việt Nam bị khởi kiện bởi chính phủ hoặc các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Đặng Thanh Sơn, luật sư thành viên Công ty Luật Baker McKenzie, đã dẫn ra trường hợp Trung Quốc bị WTO xử thua kiện khi áp dụng hạn chế tương tự trong lĩnh vực thanh toán điện tử.
Bình luận về vấn đề này, ông Phùng Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, nói: Hiện nay, trung gian thanh toán ước tính chiếm đến 90% giá trị của fintech (công nghệ tài chính), nên hạn chế đầu tư nước ngoài sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực fintech. Mặt khác, mặc dù cơ quan soạn thảo cho rằng trung gian thanh toán không được thể hiện trong các cam kết quốc tế, tuy nhiên đây chỉ là một khái niệm pháp lý riêng của Việt Nam, còn về bản chất, hoạt động này đã được bao gồm trong lĩnh vực được cam kết là dịch vụ thanh toán. Nếu chính phủ hoặc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện, quyền diễn giải điều ước và áp dụng quy định sẽ thuộc về cơ quan tài phán hoặc trọng tài, chứ không thuộc về phía Việt Nam. Nếu thua kiện, chúng ta có thể đối mặt với hậu quả tốn kém và dư luận tiêu cực. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc nhiều giải pháp khác nhau để kiểm soát, theo dõi và ngăn chặn các hoạt động đầu tư không mong muốn, thay vì áp đặt hạn chế trên toàn thị trường.
Theo dự thảo tờ trình Chính phủ kèm theo nghị định, cơ quan soạn thảo đưa ra trường hợp hạn chế đầu tư nước ngoài của Indonesia để tham khảo. Tuy nhiên nhiều đại biểu băn khoăn, đó có là tiền lệ tốt để Việt Nam tham khảo hay không vì trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, Indonesia còn tụt hậu so với Việt Nam, trong khi Chính phủ đang đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào Top 4 ASEAN về phát triển số.
Theo ông Yee Chung Seck, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore, thực tế thị trường Indonesia cho thấy, mặc dù các hạn chế đối với fintech không quá lớn, đã có một sự chuyển hướng đáng kể dòng vốn đầu tư ra khỏi quốc gia này. Đây là một trường hợp Việt Nam nên tránh, khi Chính phủ đã có cam kết thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0 và khuyến khích phát triển kinh tế số.
Bà Virgina Foote, đại diện AmCham Việt Nam, đồng Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định này do có ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào các cam kết của Chính phủ Việt Nam.
Minh Lê