Doanh nghiệp ngành than
Sáng kiến cần có sức lan tỏa lớn
(PetroTimes) - Để phát huy tối đa hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn khuyến khích các doanh nghiệp tích cực áp dụng và nhân rộng các đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, bảo đảm an toàn lao động.
Thực hiện chủ trương của TKV về cơ giới hóa, hiện đại hóa trong tất cả lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cán bộ, công nhân, người lao động ngành than đã tích cực hưởng ứng và có nhiều giải pháp, công trình nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) được áp dụng trong thực tiễn sản xuất.
Công ty CP Than Vàng Danh nghiên cứu và áp dụng thành công giải pháp thu hồi than trong công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm loại ZRY |
Thực tế, đã có một số doanh nghiệp nổi bật trong phong trào nghiên cứu, ứng dụng KHCN như Công ty CP Than Vàng Danh, Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ - Vinacomin, mỗi doanh nghiệp có hàng trăm đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, bảo đảm an toàn lao động được áp dụng mang lại giá trị làm lợi nhiều tỉ đồng. Công ty CP Than Vàng Danh là doanh nghiệp sản xuất than hầm lò có sản lượng lớn của TKV. Công ty hiện duy trì khai thác khoảng 3 triệu tấn than nguyên khai mỗi năm. Đạt được kết quả đó là quá trình nỗ lực đổi mới công nghệ khai thác theo hướng áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong các khâu sản xuất, nhằm đạt công suất khai thác cao, bảo đảm an toàn và giảm lao động thủ công.
Từ năm 2018, nhóm kỹ sư, công nhân của Công ty CP Than Vàng Danh đã có đề tài nghiên cứu giải pháp thu hồi than sơ đồ công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm loại ZRY. Theo ông Vương Minh Thu - Phó giám đốc Công ty CP Than Vàng Danh - quá trình áp dụng giải pháp này tại nơi vỉa dày hơn 3,5m, góc dốc vỉa dưới 60 độ tại công ty đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Sản lượng khai thác than lò chợ trung bình đạt gần 11.000 tấn/tháng, tăng 16% so với trước. Năng suất lao động trung bình cũng tăng tới 12,1%, đạt 7,27 tấn/công. Đặc biệt, việc tổn thất than lò chợ giảm từ 21% xuống chỉ còn 17%.
Đầu năm 2019, Công ty CP Than Vàng Danh nghiên cứu và áp dụng hiệu quả đề tài lắp đặt, chế tạo bua mìn phục vụ khai thác than hầm lò. Đề tài này đã giành giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh lần thứ VII (2018-2019).
Tương tự Than Vàng Danh, Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ trong năm 2019 có điểm sáng là đẩy mạnh áp dụng KHCN, phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng cường thực hiện các đề tài khoa học, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Phòng Điều khiển trung tâm Tổng công ty Hóa chất Mỏ |
Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ đã có nhiều công trình được đăng ký như: Nghiên cứu chế tạo thiết bị nạp định lượng thuốc nổ Anfo bằng nén khí; nghiên cứu công nghệ sản xuất bột chữa cháy sử dụng trong các loại hình chữa cháy ABC; nghiên cứu bình tự cứu độc lập cách ly; nghiên cứu đa dạng hóa nguyên liệu sản xuất, hoàn thành thử nghiệm đánh giá chất lượng nguyên liệu dùng trong sản xuất thuốc nổ NTHL2; nghiên cứu sản xuất phân bón canxi - amoni - nitrat…
Trong năm 2019, Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ đã có 124 sáng kiến với tổng giá trị làm lợi 4,108 triệu đồng. Các doanh nghiệp trong Tổng công ty đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu và đưa vào sử dụng như: Công trình cơ giới hóa công đoạn cân, đóng bao bằng hệ thống cân điện tử và băng tải trên dây chuyền sản xuất thuốc nổ Anfo của Chi nhánh Sản xuất vật liệu nổ công nghiệp Ninh Bình, Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Việt Bắc; công trình nghiên cứu sản xuất đèn lò phòng nổ của Công ty Vật tư Hóa chất mỏ Hà Nội…
Không riêng Công ty CP Than Vàng Danh hay Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ, tất cả các doanh nghiệp trong TKV đều chủ động nghiên cứu KHCN, đầu tư hiện đại hóa dây chuyền, thiết bị sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp đã nghiên cứu, áp dụng tự động hóa vào vận hành và mang lại hiệu quả cao, như: Hệ thống tự động hóa băng tải giếng chính Mạo Khê (giảm 70% nhân lực vận hành); tự động hóa tuyến băng tải lò XV-300 Hà Lầm (giảm 50% nhân lực); tự động hóa tuyến băng tải giếng chính Khe Chàm (giảm 50% nhân lực); tự động hóa hầm bơm Hà Lầm (giảm 50% nhân lực)...
Trong khai thác than lộ thiên, các doanh nghiệp của TKV cũng tích cực ứng dụng các công nghệ mới trong khai thác xuống sâu dưới mức thoát nước tự chảy, áp dụng các thiết bị làm tơi đất đá bằng phương pháp không cần nổ mìn, áp dụng công nghệ khoan, nổ mìn trong điều kiện lỗ khoan ngập nước... Mặt khác, các doanh nghiệp cũng áp dụng các công nghệ sàng tuyển tiên tiến để nâng cao chất lượng than thành phẩm, tận thu than bã, bằng công nghệ huyền phù tang quay và huyền phù tự sinh. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã có hệ thống các công nghệ tiên tiến trong quản lý kiểm soát an toàn mỏ như kiểm định thiết bị điện phòng nổ, kiểm định vật liệu nổ an toàn hầm lò, xác định độ chứa khí tự nhiên và phân cấp khí mỏ...
Với mục tiêu đưa KHCN vào tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (khai thác, sàng tuyển, chế biến), các doanh nghiệp ngành than tiếp tục áp dụng các chính sách thu hút, đãi ngộ, phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi làm công tác nghiên cứu KHCN, tạo điều kiện để cán bộ, công nhân chủ động nghiên cứu, đề xuất với doanh nghiệp các giải pháp KHCN thiết thực, có tính ứng dụng cao; đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị, phụ tùng cơ khí phù hợp với dây chuyền công nghệ sản xuất nhằm tăng cường nội địa hóa, tiến tới tự chủ sản xuất một số thiết bị, công nghệ chính phục vụ sản xuất.
Mặc dù các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các doanh nghiệp trong TKV rất nhiều, đã được tuyên dương, tuyên truyền phổ biến trong toàn ngành, nhưng vẫn chưa có sức lan tỏa lớn để các doanh nghiệp khác trong ngành than học tập, ứng dụng hiệu quả tại doanh nghiệp mình. Thực tế cho thấy, đa phần các doanh nghiệp trong TKV đều cơ bản có những điều kiện về khai thác than, khoáng sản, sàng tuyển, chế biến hay vận tải tiêu thụ gần như tương đồng, có thể nhân rộng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
Do vậy, TKV thường xuyên vận động các doanh nghiệp phổ biến rộng rãi các đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật thông qua các kênh truyền thông, hệ thống thông tin nội bộ, văn bản hoặc tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm… để áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp, mang lại hiệu quả tối đa trong sản xuất kinh doanh.
Có thể nói, các doanh nghiệp ngành than không những cần phải coi các sáng kiến như một tài nguyên quý mà còn là cơ sở dữ liệu cần chia sẻ với mục tiêu chung: Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong toàn TKV, tạo ra sự cộng hưởng mạnh mẽ về KHCN trong khai thác, chế biến than, khoáng sản.
Tùng Dương