Chuyên gia: Các thỏa thuận thương mại của Mỹ chỉ giải tỏa căng thẳng tạm thời
Theo các chuyên gia kinh tế, các thỏa thuận thương mại vừa được Mỹ công bố dù đã giúp giảm thiểu thiệt hại gây ra cho hai trong số những trục thương mại căng thẳng nhất thế giới nhưng vẫn chỉ là giải pháp giải tỏa căng thẳng tạm thời.
Trong trường hợp cả hai thỏa thuận bế tắc, không có gì đảm bảo rằng ông Trump sẽ kiềm chế không phá hoại các mối quan hệ thương mại này theo cách nào đó. (Nguồn: Medium) |
Tờ Financial Times của Anh ngày 19/12 cho rằng cuối cùng thì hai cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các đối tác thương mại đã được giải quyết ở mức độ nào đó.
Các thỏa thuận vừa được công bố gồm đình chiến thương mại Mỹ-Trung và Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) - bản cập nhật của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Thành công hạn chế
Cả hai thỏa thuận này đều giúp giảm thiểu thiệt hại gây ra cho hai trong số những trục thương mại căng thẳng nhất thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đây lại là một thành công hạn chế.
Đối với Tổng thống Trump, tất cả các thông báo được tiếp nhận với sự hoài nghi. Chi tiết của thỏa thuận Mỹ-Trung chưa được công bố và nó chỉ được coi là một thỏa thuận sơ bộ giúp hạ nhiệt phần nào căng thẳng và các cuộc đàm phán toàn diện, khó khăn hơn vẫn tiếp tục. Trong khi đó, việc ký kết USMCA được tổ chức ngắn gọn vì Mexico phản đối một vài chi tiết trong luật pháp Mỹ.
Trong trường hợp cả hai thỏa thuận bế tắc, không có gì đảm bảo rằng ông Trump sẽ kiềm chế không phá hoại các mối quan hệ thương mại này theo cách nào đó. Bản thân USMCA chứa đựng việc xem xét lại và một “điều khoản hoàng hôn” – yêu cầu các bên phải ký lại thỏa thuận này sau mỗi 5 năm, gây tâm lý bất ổn cho các doanh nghiệp.
Thỏa thuận với Trung Quốc dường như giúp rút lại một số khoản tăng thuế và tạm ngừng việc tăng thuế mới, song cũng có những vấn đề riêng. Việc Trung Quốc cam kết tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ có thể nhanh chóng biến thành tác nhân gây ra cuộc chiến thuế quan mới nếu Washington tuyên bố không hài lòng với sự tuân thủ của Bắc Kinh.
Thêm vào đó là lời hứa sẽ mua đậu tương và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ trị giá 40-50 tỷ USD. Các cam kết mua sản phẩm nông nghiệp, làm gợi nhớ lại các kế hoạch xã hội chủ nghĩa 5 năm, được Washington đưa ra với vai trò truyền thống là người bảo vệ thị trường tự do. Trớ trêu thay, Bắc Kinh là người phải khẳng định rằng các hạn ngạch sẽ phải tuân thủ các điều khoản thị trường.
Dưới thời ông Trump, Chính phủ Mỹ đang hành xử giống như một bên luôn muốn giành lợi thế về phía mình, thay vì là người đưa ra và thực thi các quy tắc mà theo đó khu vực tư nhân có thể kinh doanh và phát triển.
Điều đó phản ánh một sự hiểu biết sơ khai về thương mại, trong đó thặng dư song phương - người Mỹ bán sản phẩm ra nước ngoài nhiều hơn là mua về - được coi là chiến thắng.
Trong khi đó, việc giảm chi phí thương mại xuyên biên giới bằng cách đồng ý với các quy tắc ràng buộc lẫn nhau là điều gây khó chịu hay phiền hà đối với vị Tổng thống luôn coi “Nước Mỹ trước tiên”.
Chiến lược sẽ thất bại?
Theo tờ Financial Times, chiến lược thương mại của ông Trump sẽ thất bại, thậm chí là trên các điều khoản của nó. Việc giảm thâm hụt thương mại song phương với một số đối tác chỉ có nghĩa là thay thế sự thâm hụt thương mai đó bằng thâm hụt với các đối tác thương mại khác chừng nào người Mỹ vẫn tiêu thụ nhiều hơn sản xuất.
Tương tự như vậy, Washington cố gắng để thực thi quy tắc đối với những người khác, trong khi chính Mỹ lại không tuân thủ. Cách tốt nhất để khuyến khích Trung Quốc cải thiện vấn đề sở hữu trí tuệ là cho các công ty công nghệ Trung Quốc hưởng lợi từ các quy tắc đang được áp dụng trên toàn cầu.
Trật tự thương mại toàn cầu vốn đã không hoàn hảo trước khi ông Trump lên nắm quyền. Những phàn nàn về việc Trung Quốc không tôn trọng sở hữu trí tuệ là chính đáng, nhưng những cáo buộc rằng Mỹ bảo vệ bản quyền và bằng sáng chế một cách quá mức cũng có lý. Nhiều người lao động đã bị tổn thương bởi sự tái cấu trúc kinh tế một cách nhanh chóng do toàn cầu hóa tạo ra.
Tuy vậy, trên thực tế, ông Trump đã tạo thêm các vấn đề mới mà không khắc phục các vấn đề cũ. USMCA chủ yếu tập trung vào các vấn đề ngoài rìa của NAFTA, trong khi thỏa thuận với Trung Quốc nhiều nhất cũng chỉ giúp làm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại do ông Trump tạo ra.
“Có những thỏa thuận này tốt hơn là không có thỏa thuận nào. Tuy nhiên, tốt hơn nữa vẫn là tránh tạo ra bất ổn khi chúng chưa bắt đầu”, tờ Financial Times bình luận.
Theo Báo Quốc tế
Trump nói "đạt đột phá" với Trung Quốc |
Giá vàng hôm nay 22/12: Chứng khoán hưng phấn, giá vàng gặp khó |
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung: Ai là người chiến thắng? |