Tiêm kích bị coi là gươm cùn trên tàu sân bay Trung Quốc
J-15 là tiêm kích hạm chủ lực của tàu sân bay Trung Quốc, nhưng bị đánh giá là quá nặng nề và có năng lực tác chiến hạn chế.
Hải quân Trung Quốc biên chế tàu sân bay Sơn Đông thuộc lớp Type-001A tại căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam hôm 17/12. Truyền thông nước này mô tả đây là cột mốc quan trọng trong nỗ lực xây dựng sức mạnh hải quân của Trung Quốc và giúp thu hẹp khoảng cách với Mỹ.
Trung Quốc đang sở hữu hai tàu sân bay gồm Liêu Ninh và Sơn Đông, xếp hạng hai thế giới về số lượng hàng không mẫu hạm có thể vận hành máy bay cánh bằng, chỉ xếp sau Mỹ.
Tuy nhiên, bản thân tàu sân bay không sở hữu sức mạnh tấn công đáng kể nào, mà nó chỉ là nền tảng để các tiêm kích hạm cất hạ cánh và thực hiện nhiệm vụ tác chiến ở gần như mọi nơi trên thế giới, không phải phụ thuộc vào căn cứ trên đất liền. Vì lý do này, tiêm kích hạm thường được ví như "thanh gươm" để tàu sân bay phát huy tối đa ưu thế tấn công của mình.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng việc hải quân Trung Quốc sở hữu hai tàu sân bay không mang lại nhiều ưu điểm đột phá, nhất là khi hai chiến hạm đều phải dựa vào phi đội tiêm kích hạm J-15 vốn bị coi là "thanh gươm cùn" của hải quân Trung Quốc.
Tiêm kích J-15 mang mô hình tên lửa chống hạm YJ-83K diễn tập năm 2017. Ảnh: 81.cn. |
Dòng J-15 bị coi là bản sao không hoàn chỉnh của tiêm kích hạm Su-33 Liên Xô, được Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) phát triển sau khi mua nguyên mẫu chưa hoàn thiện mang tên mã T-10K-3 từ Ukraine năm 2001. Máy bay trang bị hệ thống điện tử, radar, động cơ và vũ khí do Bắc Kinh tự phát triển, nhưng chất lượng của chúng bị nghi ngờ ngay từ đầu.
"Trung Quốc quyết định tiết kiệm tiền bằng phương án mua chiếc T-10K-3 thay vì đặt hàng số lượng lớn Su-33 kèm giấy phép sản xuất của Nga. Kết quả là quá trình phát triển J-15 kéo dài và tốn kém hơn dự kiến, những chiếc máy bay xuất xưởng cũng có độ tin cậy thấp", nhà phân tích quân sự Vasily Kashin đánh giá.
Kashin cho rằng Trung Quốc đã mổ xẻ nguyên mẫu T-10K-3 và cải tiến nó ở nhiều mặt. Tiêm kích J-15 được lắp màn hình hiển thị đa năng (MFD) thay thế đồng hồ cơ học trên Su-33, đồng thời mang được nhiều loại vũ khí dẫn đường như tên lửa diệt hạm, trong khi Su-33 Liên Xô chỉ mang được bom và rocket.
Tuy nhiên, việc sao chép một nguyên mẫu không đủ điều kiện bay khiến Bắc Kinh gặp hàng loạt vấn đề do không hiểu được tính năng và hạn chế của khung thân Su-33, vốn có nhiều khác biệt so với dòng Su-27 từng bị nước này sao chép trái phép để tạo ra chiến đấu cơ J-11.
Dù được coi là bước tiến lớn với hải quân Trung Quốc, J-15 khó lòng tạo nên sự khác biệt trong tác chiến trên biển. Nó chỉ có thể vận hành trên tàu sân bay sử dụng cơ chế cất cánh cầu nhảy tương tự tàu Liêu Ninh, thay vì máy phóng hơi nước hay hiện đại hơn là máy phóng điện từ như tàu sân bay Mỹ.
Thiết kế cầu nhảy của tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông hạn chế đáng kể khối lượng cất cánh tối đa của tiêm kích J-15, ảnh hưởng tới tầm bay và lượng vũ khí nó mang theo, cũng như số lần xuất kích trong mỗi nhiệm vụ.
Máy phóng hơi nước trên tàu sân bay Mỹ cung cấp lực đẩy ban đầu rất lớn, có thể phóng nhiều loại máy bay cánh bằng với khối lượng gần 50 tấn, trong khi những chiếc J-15 khó lòng cất cánh an toàn nếu khối lượng vượt quá 28 tấn.
Một chiếc J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: 81.cn. |
"Cơ chế cầu nhảy giới hạn khối lượng cất cánh tối đa, giảm lượng vũ khí và năng lực tác chiến của tiêm kích, đồng thời không cho phép tàu sân bay vận hành như máy bay hỗ trợ chuyên biệt cỡ lớn như máy bay cảnh báo sớm", báo cáo năng lực quân đội Trung Quốc do Cơ quan Tình báo Quân đội Mỹ (DIA) công bố đầu năm nay có đoạn viết.
Truyền thông Nga năm ngoái cũng chê bai sự nặng nề của chính tiêm kích J-15 khiến nó khó phát huy hiệu quả trên tàu sân bay. "J-15 có khối lượng rỗng là 17,5 tấn, là loại nặng nhất trong các tiêm kích hạm trên thế giới. Trong khi đó, tiêm kích F-18 của hải quân Mỹ chỉ nặng 14,5 tấn", Sputnik viết trong bài bình luận năm 2018.
Không quân hải quân Trung Quốc dường như đã phát triển các phiên bản J-15 hai chỗ ngồi để phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và tác chiến điện tử. Tuy nhiên, chúng gần như chưa từng xuất hiện và nhiều khả năng vẫn chỉ đang trong quá trình nghiên cứu.
Bắc Kinh cũng chưa có máy bay tiếp dầu trên hạm, buộc một số chiếc J-15 phải chuyên làm nhiệm vụ tiếp dầu và không thể chiến đấu. Điều này khiến truyền thông Trung Quốc nhiều lần chê bai phi đội J-15, cho rằng chúng không thể rời quá xa tàu sân bay.
Ngoài hạn chế về khung thân và tính năng, phi đội J-15 dường như cũng thiếu độ tin cậy do chưa có động cơ hoàn chỉnh và hệ thống điều khiển còn nhiều vấn đề. Dòng J-15 đã gặp ít nhất 4 tai nạn nghiêm trọng do vấn đề kỹ thuật, khiến một phi công thiệt mạng và nhiều người bị thương. Tuy nhiên, chỉ hai vụ được công bố trên truyền thông Trung Quốc.
Tháng 4/2016, phi công Zhang Chao, 29 tuổi, thiệt mạng sau khi cố gắng cứu một tiêm kích J-15 bị hỏng cần điều khiển trong buổi tập hạ cánh trên tàu sân bay. Ba tuần sau, phi công Cao Xianjian bị thương nghiêm trọng khi gặp phải vấn đề tương tự với một chiếc J-15 khác.
Những tai nạn trên khiến hải quân Trung Quốc lo ngại đến mức cấm bay toàn bộ phi đội J-15 trong ba tháng, đồng thời kêu gọi tiến hành điều tra. Trung tướng Zhang Honghe, phó tư lệnh không quân Trung Quốc, hồi giữa năm 2018 cũng thừa nhận Bắc Kinh đang phát triển tiêm kích hạm thay thế J-15.
"J-15 bộc lộ nhiều vấn đề, trong đó hệ thống kiểm soát bay không ổn định là yếu tố chính dẫn đến hai vụ tai nạn được công khai. Các chuyên gia ban đầu không thừa nhận đó là lỗi thiết kế cho đến khi Cao Xianjian, một phi công dày dặn kinh nghiệm, gặp vấn đề tương tự", một nguồn tin giấu tên tiết lộ.
Chiếc J-15 trên boong tàu sân bay Liêu Ninh năm 2017. Ảnh: 81.cn. |
Ngoài hệ thống kiểm soát bay, tiêm kích J-15 cũng gặp nhiều vấn đề với động cơ, vốn được coi như "trái tim" của máy bay. Trung Quốc trong nhiều năm qua đã nỗ lực phát triển động cơ nội địa WS-10 sao chép từ động cơ tiêm kích Nga để lắp cho phi đội chiến đấu cơ của mình.
Tuy nhiên, động cơ WS-10H trên J-15 chưa chứng minh được tính năng, không đạt được hiệu suất và độ tin cậy như mong đợi. Những thách thức về kỹ thuật khó vượt qua trong quá trình cải tiến WS-10 khiến nhiều chiếc J-15 vẫn phải lắp động cơ AL-31F do Nga chế tạo cho chiến đấu cơ Su-27.
Dòng J-15 đã được sản xuất hàng loạt và đưa vào biên chế không quân hải quân Trung Quốc từ năm 2013, nhưng dường như nước này chưa thể chế tạo đủ số lượng tiêm kích hạm để biên chế cho hai không đoàn tàu sân bay.
Tàu sân bay Liêu Ninh có thể mang tối đa 24 chiếc J-15, trong khi các cải tiến trên Sơn Đông cho phép nó chở được tới 36 tiêm kích hạm. Trong khi đó, AVIC đến nay dường như chưa xuất xưởng được quá 40 tiêm kích J-15 và khó có thể tăng năng suất trong thời gian ngắn.
"Trung Quốc vẫn có thể tìm cách giải quyết các vấn đề này để sở hữu một mẫu tiêm kích hạm tương đối mạnh và đáng tin cậy, nhưng họ sẽ phải đầu tư thêm nhiều thời gian và tiền bạc", chuyên gia Kashin nhận định.
Theo VNE