Được ủy quyền cho người khác nhận lương
Từ ngày 1/1/2021, nếu người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì chủ sử dụng lao động có thể trả lương cho người được ủy quyền hợp pháp.
Chiều 16/12, tại buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về các luật được thông qua ở kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhắc lại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019, quy định vợ có thể được ủy quyền hợp pháp để nhận lương của chồng. Tiền lương của chồng có thể được chuyển thẳng vào tài khoản của vợ.
"Lương của tôi chuyển thẳng cho vợ kiểm soát càng tốt, kể cả lương của vợ cũng có thể chuyển cho tôi", ông Dung nói và cho rằng việc này nhằm tránh tình trạng "lương của tôi chuyển cho tôi, sau tôi lại chuyển khoản cho vợ".
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung. |
Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 cũng nêu rõ, chủ sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động; không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ.
Luật hiện nay quy định khi trả lương qua tài khoản, chủ sử dụng và người lao động thỏa thuận về các loại phí liên quan đến việc mở và duy trì tài khoản. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 96 của Bộ luật Lao động 2019 đã sửa đổi: "Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương".
Ngày 20/11, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Theo VnExpress