Đại sứ Na Uy: Việt Nam sẽ nâng cao tiếng nói của ASEAN tại Hội đồng Bảo an LHQ
Đại sứ Na Uy tại ASEAN tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ nâng cao tiếng nói của ASEAN tại Hội đồng Bảo an khi đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN và trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm tới.
Đại sứ Na Uy tại ASEAN Morten Høglund |
Đại sứ Na Uy tại ASEAN Morten Høglund đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên báo Dân trí nhân chuyến thăm Việt Nam gần đây. Ông Morten nhậm chức năm 2017 và là đại sứ Na Uy đầu tiên tại ASEAN.
Kính chào Đại sứ. Xin ông có thể chia sẻ mục đích của chuyến thăm Việt Nam lần này ?
Ngay vào tháng 1 tới, Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị chủ tịch ASEAN, do đó 2020 sẽ là một năm quan trọng. Vì thế, tôi và các đồng nghiệp từ các đại sứ quán trong khu vực đã có mặt tại Hà Nội để trao đổi và lên kế hoạch hoạt động trong năm tới, cũng như gặp gỡ các quan chức Việt Nam để thảo luận cách thức có thể hợp tác cùng nhau. Đó là lý do tôi có mặt tại đây, và vào thời điểm này.
Tôi đã gặp gỡ các quan chức trong Vụ ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam. Chúng tôi đã thảo luận các ưu tiên của Việt Nam cho vị trí chủ tịch ASEAN và cũng như các kế hoạch, hoạt động, các cuộc họp sắp diễn ra, và xem xét một số lĩnh vực mà chúng tôi có thể hợp tác cùng họ.
Tôi được biết ông là đại sứ đầu tiên của Na Uy tại ASEAN. Vì sao Na Uy bổ nhiệm một đại sứ riêng tại ASEAN trong khi đã có đại sứ tại hầu hết các quốc gia thành viên trong khối này?
Điều này rất có ý nghĩa. Việc bổ nhiệm đại sứ riêng tại ASEAN phản ánh một thực tế rằng chúng tôi đang có sự gắn kết mạnh mẽ hơn với khu vực. Chúng tôi có các đối tác tương đối mới, mối quan hệ đối tác tương đối mới với ASEAN và sang năm sẽ là tròn 5 năm của mối quan hệ đối tác này. Vì vậy, việc bổ nhiệm một đại sứ mới đồng nghĩa với việc chúng tôi rất quan tâm tới khu vực. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các đại sứ quán và chúng tôi đang tìm kiếm các cách thức để mở rộng các hoạt động trong khối ASEAN.
Ông có thể chia sẻ các ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình?
Có nhiều vấn đề và chủ đề khác nhau mà chúng tôi rất quan tâm. Một số lĩnh vực ưu tiên của chúng tôi là: các vấn đề môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu, hòa bình và hòa giải. Na Uy cũng có một loạt các dự án đang diễn ra trong khu vực. Tôi cũng quan tâm tới vấn đề giáo dục, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Chúng tôi cũng đang cố gắng đưa các đối tác từ Na Uy đến ASEAN, kết nối họ với các đối tác khu vực và địa phương để xây dựng các mạng lưới và quan hệ đối tác mạnh mẽ.
Việt Nam và Na Uy đã có mối quan hệ hợp tác song phương lâu đời. Theo ông, tiềm năng thúc đẩy mối quan hệ này như thế nào khi đặt trong khuôn khổ ASEAN?
Vâng, đúng như bạn nói, chúng ta đã có mối quan hệ song phương mạnh mẽ trong nhiều thập niên qua. Nhưng mối quan hệ này cũng có những bước tiến triển, đặc biệt kể từ khi Việt Nam tăng trưởng về kinh tế. Ngày nay, Việt Nam là một đất nước năng động, hiện đại, mức sống ngày càng cải thiện. Chúng tôi coi Việt Nam là một đối tác mạnh mẽ trong ASEAN. Hai nước có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, Na Uy và Việt Nam đã hợp tác lâu năm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và giờ đây chúng tôi có thể mở rộng sự hợp tác đó trong khối ASEAN. Chúng tôi có thể lấy Việt Nam làm ví dụ để hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực.
Đó là một lợi ích từ việc xây dựng trên mối quan hệ song phương rất tốt đẹp mà chúng ta đã có trong nhiều năm. Chúng tôi có thể đưa mối quan hệ đó vào khu vực ASEAN. Việc có những đối tác tốt, những người bạn tuyệt vời như Việt Nam sẽ giúp chúng tôi rất nhiều khi tăng cường quan hệ với khu vực. Nhưng thế giới không ngừng thay đổi. Việt Nam giờ đây tập trung vào thương mại, kinh tế, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, vì thế chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều điều có thể học hỏi từ Việt Nam về cách các bạn phát triển kinh tế. Các bạn có dân số trẻ, năng động. Vì vậy, tôi cho rằng việc hợp tác với một đất nước như Việt Nam cũng mang lại lợi ích cho người trẻ, cũng như cộng đồng doanh nghiệp ở đất nước chúng tôi.
Na Uy có kế hoạch gì nhằm thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trong năm 2020?
Tất nhiên là có. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này với phía Việt Nam, Bộ Ngoại giao trong chuyến thăm này, dù không phải mọi thứ đều có thể diễn ra ngay. Chúng tôi giờ đây có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực biển và môi trường. Chúng tôi cũng sẽ thảo luận kỹ hơn về cách thức có thể hợp tác trong lĩnh vực biển vì cả Việt Nam và Na Uy đều là các quốc gia ven biển. Một lĩnh vực khác là hòa bình và an ninh trong khu vực và sự hợp tác nhằm xây dựng năng lực, đặc biệt việc tăng cường vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng hòa bình, an ninh. Chúng ta đều có lợi ích chung trong vấn đề này và chúng tôi cũng rất vui vì đây là một ưu tiên cao của Việt Nam. Tôi cho rằng đây là các lĩnh vực trọng tâm hợp tác.
Ông nhìn nhận như thế nào về mối liên hệ giữa hợp tác Na Uy - Việt Nam trong khối ASEAN và trên trường quốc tế?
Cùng với việc trở thành chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng sẽ là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020. Chúng tôi hi vọng và mong Việt Nam sẽ nâng cao tiếng nói của ASEAN tại New York và Hội đồng Bảo an. Điều này có lợi cho không chỉ Việt Nam mà còn khu vực và thế giới, và chúng tôi mong đợi hợp tác với Việt Nam, không chỉ tại Hà Nội mà còn trên toàn cầu. Và như tôi đã đề cập, quan hệ song phương với Việt Nam đã có những tiến triển thời gian qua. Đó vẫn luôn là mối quan hệ tốt, thân thiện, tôn trọng nhưng là một hình thức khác, nó mang tính đối tác hơn, trong khi trước đây là mang tính hỗ trợ nhiều hơn nhằm giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển.
Chúng ta cần tìm các lĩnh vực chung để hợp tác cùng nhau, bởi thế giới ngày nay đang thay đổi rất nhanh chóng. Thương mại toàn cầu cũng vậy, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng tới tất cả chúng ta ở góc độ nào đó. Vì thế, chúng tôi cần những người bạn tốt, và chúng tôi tin vào trật tự dựa trên luật pháp, tin vào hệ thống đa phương. Chúng tôi tin vào các thể chế toàn cầu vững mạnh như ASEAN. Trong ASEAN, chúng ta có thể cùng nhau thúc đẩy việc tuân thủ mạnh mẽ hơn luật pháp quốc tế trong tất cả các khía cạnh. Đó có thể là một trong những đóng góp lớn nhất mà chúng ta có thể làm dù ở cách xa nhau về địa lý. Ngoài ra, do các cường quốc trên thế giới giờ đây trở nên khó đoán hơn so với trước, chúng ta cần chia sẻ kinh nghiệm.
Xin ông cho biết quan điểm của Na Uy về vấn đề Biển Đông?
Chúng tôi theo dõi chặt chẽ tình hình và những diễn biến trên Biển Đông. Chúng tôi cho rằng bất kỳ giải pháp nào cũng cần tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng cơ chế đã được thiết lập như Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc.
Chúng tôi đều được hưởng lợi từ tự do hàng hải vì vậy chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc áp dụng hệ thống của Liên Hợp Quốc để giải quyết các vấn đề trong phạm trù này. Chúng tôi theo dõi rất sát tình hình và có các cuộc thảo luận với các bên liên quan.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Theo Dân trí
Khoa học, Công nghệ và Đổi mới cho Cộng đồng ASEAN bền vững |
Ấn Độ, Nhật Bản phản đối Trung Quốc gây sức ép lên ASEAN về COC |
Chuyên gia: Mô hình 'tiểu ASEAN' hay giải pháp tránh bị đẩy ra 'ngoài lề' |