Người thợ điện vùng cao
(PetroTimes) - “Dù đôi chân có mỏi/Dù thể xác mệt nhoài/Tình yêu với ngành điện/Khiến mọi thứ tiêu tan...” - trong hành trình cùng các anh đến vùng sâu, vùng xa muôn trùng cách trở, tôi đã được nghe những “người lính” điện ngân nga những câu thơ ấy khi vượt thác, trèo đèo, lội suối, như một nguồn cảm hứng tiếp thêm động lực để họ bước tới, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Một lần đến công tác tại huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi - xứ sở của ngàn cau, lưu trú qua đêm tại Đội quản lý điện tổng hợp Sơn Tây, tôi càng thấu hiểu và sẻ chia với công việc của anh em thợ điện nơi đây. Bữa cơm tối đạm bạc diễn ra chóng vánh. Lót dạ xong, anh em phân tản đi kiểm tra hệ thống đường dây điện. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là trạm biến áp Sơn Dung 6 nằm vắt vẻo trên ngọn đồi ở trung tâm thị trấn. Để lên được phía trên, mọi người phải mò mẫm từng bậc thang - đúng ra là những mô đất do người dân địa phương tạo ra để thuận tiện hơn trong việc canh tác nương rẫy của mình, nếu bất cẩn có thể té ngã xuống dưới vì dốc đứng.
Leo lên dốc đứng là những mô đất bậc thang để vào TBA Sơn Dung 6 |
Đến nơi, anh Thi - Đội phó Đội Quản lý điện Tổng hợp Sơn Tây cùng đồng nghiệp của mình khẩn trương mở nắp thùng chứa hệ thống điện bên trong để kiểm tra xem có sự cố gì xảy ra hay không, vì ở đây vào ban đêm hay sáng sớm thường xuất hiện sương muối. Vì thế, công tác này được thực hiện đều đặn, thường xuyên.
Xong việc, chúng tôi lại leo xuống con dốc để đến các vị trí khác. Chạm mặt đường cái, anh Thi bất ngờ rọi đèn pin gỡ từng con vắt đã hút no máu trên chân mình. Những người đi cùng thoáng chút rùng mình, còn anh thì vẫn thản nhiên cười khà: “Chuyện thường ngày mà, chẳng nhầm nhò gì đâu, nhiều trường hợp khác còn ghê hơn nữa, nhưng anh em vẫn sẵn sàng đối mặt, đảm bảo điện cho người dân có để dùng”.
Dứt câu, anh Thi giục tôi nhảy lên xe rồi rồ ga phóng đi. Giữa màn đêm tịch mịch, cái lạnh khiến tôi cảm thấy lạnh buốt và... buồn ngủ. Để giữ tỉnh táo, tôi gặng hỏi anh về chia sẻ vừa rồi và được anh đồng ý.
Anh kể, có những đồng nghiệp đạp phải chông bẫy thú của đồng bào, bị rắn độc cắn... may mắn được anh em sơ cứu kịp thời, nếu không thì có thể bỏ mạng. "Nguy hiểm là vậy đó, anh em tự động viên nhau cố gắng vượt qua, chứ sợ thì lấy ai làm" - anh nói.
Anh Thi cùng đồng nghiệp đang kiểm tra đường dây điện vào ban đêm |
Về đến Đội cũng là lúc kim đồng hồ chỉ gần 23 giờ. Mọi người chỉ kịp rửa ráy chân tay, thay đồ rồi tranh thủ đi ngủ để lấy sức cho ngày mai. Khi mặt trời ló dạng, chúng tôi lại tiếp tục hành trình mới về với thôn Mô-Níc. Dù thôn này thuộc huyện Sơn Hà nhưng phải đi đường vòng qua tận xã Sơn Lập của huyện Sơn Tây mới đến được nơi, kiểu "gần nhà xa ngõ".
Để đến Mô-Nic, chúng tôi phải vượt qua những cung đường quanh co, khúc khuỷu, có đoạn đầy ổ gà, ổ voi to tướng, có đoạn một bên là núi cao, một bên là vực thẳm... Đi mới thấy công việc của các anh vất vả, gian truân biết dường nào.
Sau quãng đường khá xa, mất hơn 1 tiếng đồng hồ di chuyển, xe máy dừng lại ở mé sông, gần thủy điện Sơn Trà. Quan sát một lát, anh Tiến (công nhân Đội quản lý điện tổng hợp Sơn Tây) nói lớn: "Giờ này không có đò đâu, phải lội bộ thôi! Nhưng nhớ là phải lội thật nhanh chứ không may lũ về là không có đường thoát!...".
Chẳng ai nói rằng, răm rắp làm theo vì câu nói của anh Tiến như “mệnh lệnh”, bởi đó là kinh nghiệm xương máu anh rút ra sau mấy chục năm gắn bó với Mô-Níc. Mỗi người vác trên vai ba lô đựng đồ nghề nặng ngang ngửa cơ thể mình băng qua dòng nước xiết và lởm chởm đá tảng để sang bờ bên kia. Rồi vượt thêm đoạn đường đất khá dài và vài con sông nhỏ nữa chúng tôi mới đến được nơi cần đến.
Thoáng nhìn từ xa, anh Thi phát hiện ra trên dây điện tại nhánh rẽ Sơn Kỳ 9 – Xuất tuyến 471/T10 ở đầu thôn có vướng nhành keo lai bị gió cuốn vào. Dù đã khá mệt sau quãng đường nhiều thử thách, mồ hôi đổ ra như tắm, anh vẫn cố gắng trèo lên trên dùng gậy chuyên dụng đẩy nó ra ngoài. Xong việc, anh ngồi nghỉ dưới một tán cây, tránh đi cái nắng như đổ lửa dội xuống người. Anh nói với tôi, đừng tưởng sự cố này đơn giản, chỉ cần chủ quan chút thôi là nguy cơ chập cháy điện xảy ra ngay, bà con trong thôn sẽ mất điện sinh hoạt thời gian dài, cuộc sống bị đảo lộn, bởi do ngăn sông cách núi nên rất khó tiếp cận, sửa chữa kịp thời.
Anh Thi cùng đồng nghiệp kiểm tra hệ thống tủ điện Trạm biến áp Sơn Dung 6 |
Điều khiến tôi ngạc nhiên là hình ảnh người dân vui mừng khi thấy nhân viên điện lực ghé thăm, như thể họ đang đón “người nhà” trở về đoàn tụ. Hỏi ra mới biết, họ vốn dành một tình cảm đặc biệt đối với những "người lính" áo da cam. Ông Đinh Văn Troá - Trưởng thôn cho hay: “Dân biết ơn các anh ấy lắm, cứ thay phiên nhau túc trực ở đây để giúp đỡ khi có ai cần mà không hề lấy một cắc tiền công. Nài nỉ lắm họ mới vui vẻ nhận lấy vài củ khoai, bó rau rừng xem như quà biếu”.
Căn cứ địa cách mạng Mô-Níc giờ đây đã thật sự “chuyển mình”, khoác lên diện mạo mới khang trang giữa đại ngàn hùng vĩ. Đời sống kinh tế của đồng bào đã dần cải thiện đáng kể, không còn cảnh nghèo đói như mấy chục năm về trước.
Rời bản làng khi nắng chiều dần khuất, chúng tôi lại trở về với đơn vị của mình. Trái ngược hẳn với vẻ mệt mỏi khi đi, anh Thi cùng đồng nghiệp như thể phấn chấn hơn, thanh thoát trong từng bước chân di chuyển. Anh quay ngoái đầu lại nhìn tôi, rồi nói với sự trìu mến: “Em biết vì sao không? Là vì... khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn. Mô-Níc như quê hương thứ hai của anh vậy đó!”.
Hạnh phúc đôi khi chỉ đến từ những điều giản đơn, bình dị. Và, chẳng có gì cản ngăn được sự tận tâm, nhiệt huyết của các anh trên chặng đường dựng xây ngành điện.
Nguyễn Tuân (EVNCPC)
Nữ kỹ sư dân tộc Mông yêu kỹ thuật | |
Nghề của ba | |
Những “người lính" thời bình trong sắc áo cam | |
Chuyện nữ công nhân vận hành… | |
Cố lên, để sớm có điện! | |
Những cống hiến lặng thầm |