Giải tỏa “điểm nghẽn” truyền tải năng lượng tái tạo
(PetroTimes) - Có một thực tế đáng quan ngại: Trong khoảng 4.200 MW sản lượng điện mặt trời được sản xuất chỉ có 30-40% được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, gây lãng phí rất lớn trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu. Làm gì để giải tỏa những “điểm nghẽn” truyền tải năng lượng tái tạo (NLTT)? Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này tại Hội thảo Quốc tế “Năng lượng tái tạo - từ chính sách đến thực tiễn”.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: Những vướng mắc cần khẩn cấp tháo gỡ
Từ năm 2013 đến nay có sự phát triển nhanh chóng của NLTT. Trung bình mỗi năm tổng công suất nguồn điện truyền thống tăng khoảng 10,6%, nhưng nguồn NLTT tăng hơn 31,9%, trong đó, điện gió tăng 48,3%, điện sinh khối 58,1%, đặc biệt điện mặt trời trong 2 năm (2018-2019) đã tăng gấp 51 lần, từ 86 MW lên tới 4.200 MW.
Thực tế cho thấy có những vướng mắc cần khẩn cấp tháo gỡ để phát triển NLTT.
Cơ chế hỗ trợ giá FIT cho điện mặt trời đã hết hạn (tháng 6-2019), cần phải có cơ chế giá tiếp theo vì 5 tháng qua đang có khoảng trống về chính sách đối với nguồn NLTT. Các đề xuất về giá vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt nên các dự án vận hành sau ngày 30-6-2019 và các dự án đang được triển khai vẫn phải chờ đợi.
Sau khi sử dụng giá FIT để khuyến khích đầu tư vào NLTT, cần nhanh chóng có cơ chế đấu thầu dự án để giảm chi phí và tăng cường tính cạnh tranh.
Toàn cảnh hội thảo |
Phí truyền tải điện đang rất thấp là lý do các doanh nghiệp, kể cả EVN, khó có thể vay vốn ngân hàng thương mại, nên cần xem xét có cơ chế đặc thù đầu tư lưới điện, tránh tình trạng xây dựng mạng lưới truyền tải điện chậm trễ kéo dài.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư lưới điện là 214.000 tỉ đồng, giai đoạn 2021-2030 là 610.000 tỉ đồng. Hiện nay, Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, chưa có những điều kiện cụ thể để tận dụng nguồn lực xã hội đầu tư vào hệ thống truyền tải điện. |
Các địa phương có tiềm năng phát triển NLTT còn bị động trong hỗ trợ phát triển điện gió, điện mặt trời. Cụ thể, chưa có quy hoạch về đất đai, thỏa thuận đầu tư, chưa có quy trình công bố thông tin dự án cho các nhà đầu tư, chủ yếu là nhà đầu tư phải tự xin phép, có thể gây chồng chéo, phá vỡ quy hoạch, dẫn đến khó triển khai dự án.
Ngoài ra còn một số vướng mắc khác như: Thủ tục triển khai đầu tư dự án còn phức tạp, thiếu nguồn tài chính, lãi suất cho vay cao, chưa có thị trường thiết bị về NLTT, đội ngũ nhân lực tư vấn kỹ thuật phát triển dự án còn yếu và thiếu...
Những vướng mắc nêu trên nếu không sớm khắc phục thì các nguồn NLTT sẽ không phát huy được hiệu quả, lãng phí nguồn lực xã hội và làm nản lòng các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Hệ thống truyền tải
điện chịu áp lực lớn
Trách nhiệm EVN là xây dựng mạng lưới truyền tải và phân phối điện. Điểm tắc nghẽn vừa qua là do quy hoạch, điện mặt trời và điện gió vượt xa quy hoạch.
Cụ thể, trong 10 tháng năm 2019, công suất nguồn điện từ NLTT trong toàn hệ thống tăng 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng cao so với dự kiến cả năm. Ngành điện đang huy động tối đa năng lực phát điện của 79/88 nhà máy điện mặt trời và điện gió, trong đó có 19 nhà máy trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Hiện các nhà máy điện NLTT trên địa bàn Ninh Thuận và Bình Thuận đang phải hạn chế công suất phát điện. Lý do là các nhà máy này được đấu nối trên trục đường dây 110 kV mạch đơn Tháp Chàm - Phan Rí - Đại Ninh khi năng lực giải tỏa tối đa chỉ được khoảng 230 MW, tương ứng 35% công suất lắp đặt các nhà máy điện NLTT.
Theo tính toán cân bằng công suất của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, từ nay đến tháng 12-2020, tại tỉnh Ninh Thuận, nhu cầu phụ tải chỉ dao động 100-115 MW, Bình Thuận từ 250-280 MW. Chính vì vậy, công suất cần phải truyền tải từ 2 địa phương này rất lớn, Ninh Thuận 1.000-2.000 MW, Bình Thuận 5.700-6.800 MW (bao gồm cả các nguồn điện truyền thống). |
Hơn nữa, các nhà máy này được đầu tư đồng loạt với thời gian ngắn (6-12 tháng) trong khi các công trình lưới điện để giải tỏa công suất nguồn điện không thể đáp ứng đồng bộ. Thông thường, thời gian đầu tư các dự án lưới điện truyền tải theo quy định mất khoảng 2-3 năm đối với đường dây và trạm 110 kV, khoảng 5-6 năm đối với đường dây và trạm 500 kV.
Theo quy hoạch, NLTT phải phân tán để giảm tải công suất truyền tải. Tuy nhiên, thời gian qua các dự án điện mặt trời, điện gió tập trung quá nhiều vào một số địa phương, gây áp lực lớn cho hệ thống truyền tải.
EVN mong muốn các chủ đầu tư chung tay xây dựng hệ thống truyền tải. Hiện “xương sống” của hoạt động truyền tải điện vẫn là lưới truyền tải của EVN, còn tư nhân mới chỉ tham gia đấu nối từ nhà máy lên lưới. Thời gian tới, việc đấu nối có thể giao cho tư nhân làm chung với EVN.
Nhà máy điện mặt trời công suất 300MW của Tập đoàn Ninh Thuận |
Về việc tư nhân đầu tư
20-30km đường dây truyền tải nhưng không được giao lại cho EVN, trên nguyên tắc, khi đấu thầu, nhà đầu tư đã tính toán chi phí, bao gồm cả chi phí mạng lưới đấu nối trong giá thầu. Nếu nhà đầu tư đó vận hành tiếp các đường dây đấu nối thì có tính toán chi phí trong đó. Còn nếu chuyển giao cho EVN thì sẽ phải trừ chi phí bảo trì cho EVN.
Thế mới có chuyện nhà đầu tư đã đầu tư hàng chục km đường dây đấu nối từ nhà máy đến lưới truyền tải quốc gia, nhưng sau đó muốn bàn giao cho EVN lại rất khó, bởi vì trong hợp đồng mua bán điện đã ghi rõ trách nhiệm vận hành, mua bán điện là của chủ đầu tư.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận: Nhiều nhà máy điện mặt trời phải giảm
công suất
Từ năm 2016, Ninh Thuận đã phát hiện quy hoạch điện lực chưa đánh giá hết tiềm năng của nguồn điện mặt trời, chỉ được quy hoạch có 850 MW nguồn điện. Chúng tôi đã chủ động khảo sát, mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng tham gia đầu tư nhà máy điện mặt trời.
Tính cuối tháng 6-2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và điện mặt trời, tổng công suất đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020). Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất thiết kế đạt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12-2020, công suất điện gió và điện mặt trời tại đây sẽ tăng lên 4.240 MW.
Trong khi công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời rất lớn thì nhu cầu phụ tải của Ninh Thuận và Bình Thuận lại rất nhỏ. Theo tính toán cân bằng công suất của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, từ nay đến tháng 12-2020, tại tỉnh Ninh Thuận, nhu cầu phụ tải chỉ dao động từ 100-115 MW và Bình Thuận từ 250-280 MW. Chính vì vậy, công suất cần phải truyền tải từ 2 địa phương này rất lớn, Ninh Thuận từ 1.000-2.000 MW, Bình Thuận từ 5.700-6.800 MW (bao gồm cả các nguồn điện truyền thống).
Từ năm 2013 đến nay có sự phát triển nhanh chóng của NLTT. Trung bình mỗi năm tổng công suất nguồn điện truyền thống tăng khoảng 10,6%, nhưng nguồn NLTT tăng hơn 31,9%, trong đó, điện gió tăng 48,3%, điện sinh khối 58,1%, đặc biệt điện mặt trời trong 2 năm (2018 - 2019) đã tăng gấp 51 lần, từ 86 MW lên tới 4.200 MW. |
Theo tính toán, sự phát triển nóng đã dẫn tới thực trạng đa số các đường dây, TBA từ 110-500 kV trên địa bàn đều quá tải. Trong đó có đường dây quá tải lên đến 360%. Mức quá tải của các đường dây còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Thiếu lưới truyền tải điện khiến các dự án NLTT được đầu tư thời gian vừa qua không có cơ hội phát hết công suất lắp đặt, có hơn một nửa số dự án NLTT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận phải giảm công suất phát điện đến hơn 60%. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra, ước tính 6 tháng cuối năm 2019, thiệt hại có thể lên tới 500 tỉ đồng.
Ông Rahul Kitchlu, Trưởng nhóm Năng lượng, Ngân hàng Thế giới: Chính phủ phải có định hướng, kế hoạch dài hạn
Hiện nay, các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt vẫn đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng. Tuy vậy, nguồn nguyên liệu này đang dần cạn kiệt, gây ra biến đổi khí hậu và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Vì thế, nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng mới có khả năng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng sinh khối là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhưng làm thế nào để gia tăng tỷ trọng nguồn NLTT là một trong những vấn đề đặt ra, sớm được tháo gỡ. Bởi thực tế, sự phát triển NLTT của Việt Nam còn nhiều rào cản. Để khắc phục, Chính phủ Việt Nam cần làm rõ định hướng, chính sách phải minh bạch, dài hạn. Việc xây dựng khung chính sách pháp lý cho NLTT như điện mặt trời, điện gió nên thực hiện sớm để thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch Công ty CP Điện Sài Gòn Gia Định: Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư
Hiện nay, tại khá nhiều nhà máy điện, nhà đầu tư bỏ tiền ra để đầu tư hệ thống truyền tải khoảng 20-30km. Sau khi đầu tư, họ muốn bàn giao ngay cho EVN nhưng không được chấp nhận.
Chúng tôi là các nhà phát triển điện tư nhân. Ở góc độ nhà đầu tư, nếu Nhà nước cần tư nhân cần gánh vác việc xây dựng lưới truyền tải điện để giải tỏa công suất nhà máy điện thì các nhà đầu tư sẵn sàng tham gia.
Tuy nhiên, hiện có một số người cho rằng, tư nhân tham gia vào truyền tải điện là phạm luật. Theo tôi, đây là quan điểm cứng nhắc, không đúng thực tế. Đầu tư vào lưới truyền tải điện không nhất thiết phải là EVN và Nhà nước.
Khẩn trương đấu thầu các dự án điện mặt trời Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, áp dụng từ ngày 1-7-2019, tiếp theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 (Thông báo số 402/TB-VPCP, ngày 22-11-2019) mà Văn phòng Chính phủ mới công bố, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, EVN khẩn trương thực hiện các việc sau và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-12-2019: Rà soát, thống nhất về biểu giá FIT áp dụng đối với điện mặt trời trên mái nhà, bảo đảm phù hợp, tránh bị lợi dụng chính sách để trục lợi (lưu ý thêm về quy mô công suất tối đa đảm bảo hợp lý). Thống nhất về biểu giá FIT chỉ áp dụng đối với các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện đã và đang triển khai thi công xây dựng đưa vào vận hành thương mại trong năm 2020. Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo cụ thể danh mục các dự án điện mặt trời áp dụng biểu giá FIT mới; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác danh mục các dự án này, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Thống nhất về cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, ban hành làm cơ sở để thực hiện đối với các dự án còn lại và các dự án mới. Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang đẩy nhanh việc chuẩn bị triển khai đấu thầu các dự án điện mặt trời. Hiện tại Bộ Công Thương đang nghiên cứu, chọn lựa hình thức đấu thầu phù hợp. Phương án thứ nhất là đấu thầu theo trạm biến áp. Theo đó, xác định trạm biến áp còn dung lượng truyền tải lên hệ thống điện là bao nhiêu, sau đó tiến hành đấu thầu các dự án điện mặt trời xung quanh trạm phù hợp. Phương án thứ hai là đấu thầu theo các trang trại điện mặt trời (solar farm), trong đó, Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng, sau đó cho các nhà đầu tư đấu thầu. Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để đẩy nhanh việc triển khai đấu thầu các dự án điện mặt trời ở Việt Nam. Hiện EVN đang chuẩn bị cho việc đấu thầu thí điểm một số dự án điện mặt trời để đến năm 2021, việc đấu thầu dự án điện mặt trời có thể được triển khai rộng rãi. |
Thành Công