Cần quyết liệt truy quét “truyền thông bất lương”
(PetroTimes) - Tin “độc hại” trong thế giới ảo đang trở thành vấn nạn đối với doanh nghiệp, "truyền thông bất lương" là có thật, chúng đang hình thành những liên minh ma quỷ mà có thể trong một đêm “thổi bay” hàng ngàn tỉ đồng. Vậy làm thế nào để ngăn chặn và xử lý những đối tượng phá hoại này?
Quyền lực thứ tư?
Vừa qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một thông tin về nguồn gốc và số lượng nhập khẩu nguyên liệu của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Đáng chú ý là nội dung của những bài viết này lại được dẫn nguồn từ các nguồn tin không chính thống.Ấy vậy mà không ít người sử dụng mạng xã hội ngay lập tức “tin tưởng”, nhanh chóng chia sẻ thông tin nêu trên chẳng cần biết đúng sai. Ngay lập tức, Vinamilk phải nhận lãnh quả đắng khi kết thúc phiên giao dịch chứng khoán ngày 2/12, vốn hóa của Vinamilk (mã VNM) “bốc hơi” 5.573 tỷ đồng bất chấp việc Vinamilk đã nhanh chóng đăng tải thông tin bác bỏ.
Vinamilk liên tục dính đòn của "truyền thông bất lương". |
Đây không phải là lần đầu tiên Vinamilk phải đối mặt với các thông tin chưa rõ ràng, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp này. Vào tháng 4/2019, Vinamilk cũng phải đối mặt với loạt bài điều tra của một tờ báo điện tử có số lượng độc giả khá lớn về chương trình sữa học đường.
Không riêng Vinamilk phải điêu đứng với những tin đồn thất thiệt mà rất nhiều doanh nghiệp niêm yết khác trên thị trường chứng khoán cũng từng rơi vào hoàn cảnh bi đát tương tự. Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số người nổi tiếng, có hàng trăm ngàn người theo dõi trên mạng xã hội (mặc dù các trang mạng xã hội có sự hạn chế số lượng bạn bè nhưng không hạn chế số lượng người theo dõi). Họ được gọi là những KOL (Key Opinion Leader - những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội). Ngôn ngữ dân gian là những hiện tượng mạng, người chuyên đi “bóc phốt”, mỹ từ hơn nữa là những chuyên gia “phản biện xã hội”. Những KOL này có khả năng nắm bắt rất nhanh những thông tin tiêu cực, đưa ra những bình luận theo kiểu giật gân, suy diễn.
Đáng nói, những thông tin tiêu cực dạng này đều núp dưới chiêu bài vì cộng đồng, vì xã hội… nhưng không loại trừ, đứng phía sau chính là những đối thủ kinh doanh muốn loại trừ nhau đã chơi trò cạnh tranh “bẩn”, “ném đá giấu tay”. Đã có những trường hợp tự rêu rao là “vì cộng đồng” sau đó bị “bóc phốt”, lộ rõ bộ mặt “đánh đấm”, nhưng không nhiều. Những đối tượng này chỉ cần một dòng tin giả hoặc số liệu thiếu căn cứ nào đó bắn lên mạng trên một dòng trạng thái (status) là có thể khiến một doanh nghiệp điêu đứng.
Khủng hoảng niềm tin
Ngày 4/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí (năm 2016). Bên cạnh tác dụng tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, thì trong thực tế hoạt động báo chí cũng đang phát sinh những vi phạm mới cần Luật Báo chí tiếp tục sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, đáp ứng nhu cầu về truyền thông đa chiều trong xã hội.
Tại hội nghị này, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí đã thống nhất cho rằng ảnh hưởng của mạng xã hội đến cộng đồng cũng là tác nhân khiến hoạt động báo chí nảy sinh nhiều vi phạm. Chẳng hạn như tình trạng khai thác thông tin sai sự thật trên mạng, đăng tin theo mạng xã hội mà không kiểm chứng hoặc thông tin báo chí chính thống bị cắt gọt khi đưa lên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận… cần được xử lý nghiêm khắc, kịp thời.
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo, hướng sửa Luật Báo chí tới đây sẽ đưa ra Tòa án để phân xử. Các địa phương cần khuyến khích các tổ chức kiện ra toà nếu thông tin sai sự thật, bước đầu đã có doanh nghiệp kiện cơ quan báo chí…
Như vậy, về phần báo chí thì đã rõ nhưng về người dân vô tình tiếp tay cho “truyền thông bất lương” thì sao? Luật An ninh mạng đã có hiệu lực, đầy đủ chế tài xử lý đối tượng tung thông tin xấu, độc. Quản lý nhà nước về lĩnh vực này gần đây đã được nâng cao hiệu quả, nhiều đối tượng vi phạm đã bị xử lý… nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa đến đầu đến cuối, nhiều vụ dư luận cho rằng vẫn còn bỏ lọt tội phạm.
Cụ thể, theo PGS.TS, Đại tá Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an: “Việt Nam đã có hành lang pháp lý cho hành vi phát tán tin giả, được quy định trong luật An ninh mạng và Bộ Luật Hình sự. Cụ thể, hành vi phát tán tin tức giả sẽ bị phạt hành chính nặng nhẹ tùy theo mức độ. Trong trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tung tin có thể bị truy cứu hình sự và phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội vu khống.
So sánh với nhiều quốc gia khách như Pháp, Nga và gần chúng ta nhất là Singapore với mức phạt hàng chục ngàn euro đến hàng chục triệu USD thì chế tài của chúng ta vẫn quá nhẹ nhàng. Đặc biệt là khung xử lý hình sự, với hậu quả nặng nề khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm, ngàn tỉ đồng mà chỉ bị có mấy tháng đến 7 năm tù giam thì thực sự quá nhẹ. Vấn đề tội danh tung tin độc không phải là tội danh vu khống, xâm hại uy tín, danh dự cá nhân hay tổ chức mà là tội phá hoại tài sản vô hình (uy tín, thương hiệu) của doanh nghiệp, gây thiệt hại thực chất đến doanh nghiệp.
Cần nhìn lại một thực tế rằng, rất nhiều trong số những kẻ tạo tin giả, tung tin thất thiệt không phải đơn thuần là để câu view, like, share, mà đó là dấu hiệu của một dạng tội phạm cực kỳ nguy hiểm trong thời đại số không dễ đoán, không dễ lường. Thế nên, những biện pháp mạnh với những chế tài nghiêm minh, xử lý những kẻ tung tin giả, sẽ là phần việc bức thiết nhất lúc này.
Xét trên bình diện chung, đây không chỉ là thiệt hại về kinh tế của một vài doanh nghiệp mà nhiều khi còn có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền, tác động hết sức tiêu cực tới thị trường chứng khoán, thậm chí là cả nền kinh tế quốc gia. Và tất nhiên, hệ quả tiếp theo có thể là những bất ổn xã hội, gây mẫu thuẫn trong các ngành nghề sản xuất trong thời gian hàng chục năm mà không thể đong đếm được mức độ thiệt hại.
Có thể khẳng định rằng, nếu chúng ta không nhanh chóng có những giải pháp mang tính pháp lý mạnh mẽ với vấn nạn tin giả, xiết chặt quản lý thông tin báo chí thì sẽ còn rất nhiều những thảm kịch gây nên bởi thông tin thất thiệt, sẽ còn rất nhiều những doanh nghiệp sẽ phải trong cảnh điêu đứng. Đặc biệt, sẽ làm mất dần đi sự tin tưởng của người dân đối với "quyền lực thứ tư", dẫn tới mất hoang mang và khủng hoảng niềm tin xã hội.
Thành Công