Ngành than phát triển theo hướng nào?
(PetroTimes) - Chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đặt mục tiêu: Không ngừng nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và sản xuất sạch hơn ở các mỏ, xí nghiệp, nhà máy đang hoạt động; áp dụng công nghệ hiện đại ngay từ đầu đối với các dự án đầu tư mới.
Tại buổi công bố báo cáo kinh tế quý III/2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định: Công nghiệp khai khoáng tăng trưởng 2,68%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế lại là dấu hiệu cần... cảnh báo. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 2,68% sau 3 năm giảm liên tục do khai thác dầu thô giảm thấp, khai thác than cứng và than non tăng 12,4%, khai thác quặng kim loại cũng tăng cao, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ông Phạm Thế Anh lo ngại về sự lệ thuộc trở lại của nền kinh tế vào công nghiệp khai khoáng và những ẩn họa về môi trường.
Than Cửa Ông có hệ thống lọc bụi đạt tiêu chuẩn Nhật Bản |
Thực tế, từ khủng hoảng thừa đến khủng hoảng thiếu than đều đã được dự báo trước. Năm 2019, nhu cầu sử dụng than của các nhà máy nhiệt điện ở mức cao nhất. Tính từ đầu năm đến nay, TKV đang cung cấp trung bình trên 100 nghìn tấn than/ngày. Các doanh nghiệp kinh doanh đầu nguồn, cuối nguồn và liên kết có nhiệm vụ nhận than nhập khẩu và pha trộn than đã đóng góp sản lượng rất lớn cung cấp cho các hộ điện. Điển hình như Công ty CP KDT Miền Bắc 3,05 triệu tấn, Công ty Tuyển than Cửa Ông 2,2 triệu tấn, Công ty Chế biến than Quảng Ninh 1,1 triệu tấn, Công ty CP Vận tải thủy 1,6 triệu tấn...
Cần phải nói thêm về quá trình 25 năm phát triển của TKV. Những năm đầu, sản lượng than toàn ngành mới chỉ ở mức 7 triệu tấn/năm, đến nay, bình quân hằng năm TKV khai thác 40-45 triệu tấn. Tổng cộng TKV đã khai thác và tiêu thụ hơn 700 triệu tấn than. Để đạt được sản lượng đó, TKV đã đào 5,2 nghìn km đường lò, gấp 3 lần chiều dài đất nước Việt Nam, bình quân đào 206 km/năm; bóc xúc 3,4 tỉ m3 đất đá, bình quân 128 triệu m3/năm. Tổng doanh thu than từ 1,3 nghìn tỉ đồng năm 1994 tăng lên 62,26 nghìn tỉ đồng năm 2018. Năng suất lao động tính theo than nguyên khai năm 2018 đạt 572 tấn/người, tăng 3,45 lần so với năm 1995.
Trên nền của ngành công nghiệp than, TKV đã phát triển thành công các lĩnh vực nhiệt điện, thủy điện, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí, vật liệu xây dựng... Hiện tại, TKV đã đầu tư 7 nhà máy điện với tổng công suất thiết kế 1.730 MW. Sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ của TKV 9,5-10 tỉ kWh/năm, doanh thu 12,5 nghìn tỉ đồng/năm.
Đặc biệt, giai đoạn 5 năm gần đây (2015-2019), khối khoáng sản, điện lực, hóa chất của TKV đã tăng trưởng mạnh mẽ, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của TKV. Cụ thể, doanh thu của các khối đã chiếm xấp xỉ 30% tổng doanh thu của TKV, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,6%/năm, lợi nhuận chiếm tỉ trọng 34,4% toàn TKV.
Than Thống Nhất phun sương chống bụi than bay vào không khí |
Có thể thấy rằng, sự đóng góp của TKV đối với nền kinh tế rất lớn. Sự lệ thuộc trở lại của nền kinh tế đối với ngành khai khoáng rất khó có thể xảy ra khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Hơn thế, với vị thế và sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh trong nước, chắc chắn trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước và quốc tế. Vấn đề đặt ra là: Sự phát triển ngành than nói riêng, công nghiệp khai khoáng nói chung, cần phải đi con đường nào để bảo đảm mục tiêu kép là hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường?
Tại Hội nghị Phát triển khoa học công nghệ trong ngành khai khoáng do Bộ Công Thương tổ chức, ông Đỗ Hồng Nguyên - Trưởng ban Khoa học công nghệ, thông tin và chiến lược phát triển của TKV - cho biết, TKV đã xác định rõ chủ trương đổi mới công nghệ trong Chiến lược phát triển bền vững của TKV đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 là: “Không ngừng nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và sản xuất sạch hơn ở các mỏ, xí nghiệp, nhà máy đang hoạt động; áp dụng công nghệ hiện đại ngay từ đầu đối với các dự án đầu tư mới”.
Thực tế, TKV đã tích cực, chủ động thực hiện “3 hóa”: Cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa ở tất cả các khâu sản xuất kinh doanh.
Trong lĩnh vực khai thác than lộ thiên, hiện nay TKV đã cơ bản cơ giới hóa ở tất cả các khâu sản xuất và áp dụng đồng bộ thiết bị cơ giới công suất lớn để giảm chi phí sản xuất và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc hợp nhất, liên thông kỹ thuật một số mỏ có cùng chủng loại khoáng sản. Trong khai thác hầm lò và sàng tuyển, chế biến than, TKV đã thiết kế, xây dựng các mỏ và dây chuyền sàng tuyển có mức độ cơ giới hóa cao với các thiết bị hiện đại, công suất lớn và đồng bộ.
Trong lĩnh vực sản xuất cơ khí, TKV đã từng bước đầu tư phát triển theo hướng hiện đại hóa công tác sửa chữa và chế tạo thiết bị. Hiện nay, khối sản xuất cơ khí của TKV đã làm chủ công nghệ chế tạo và sản xuất được nhiều sản phẩm cơ khí chủ lực, như: Các loại vì chống thủy lực, giàn chống, giá chống, giàn mềm; các loại băng tải sử dụng trong mỏ; tời cáp treo chở người; thiết bị sàng tuyển… Đặc biệt, các doanh nghiệp trong TKV đã thực hiện thành công các gói thầu thiết kế, chế tạo, thi công xây dựng, lắp đặt các nhà máy tuyển than và khoáng sản.
Nhờ nỗ lực đổi mới công nghệ, TKV đã cải thiện điều kiện làm việc, giảm nhân lực (giảm tới 97 nghìn người từ năm 2015 đến nay), nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm... Việc áp dụng các giải pháp đổi mới công nghệ, tự động hóa, cơ giới hóa và tin học hóa đã làm lợi cho TKV khoảng 450 tỉ đồng mỗi năm.
Mặt khác, chủ trưởng làm sạch môi trường tại mỗi doanh nghiệp sản xuất luôn được chú trọng trong nhiều năm qua. Đơn cử, Công ty Tuyển than Cửa Ông-TKV chế biến 9-11 triệu tấn than/năm, công tác bảo vệ môi trường được đặc biệt quan tâm, có những giải pháp hữu hiệu. Do mặt bằng sản xuất của công ty giáp ranh với Vịnh Bái Tử Long, nên bên cạnh việc tuyên truyền, kiểm tra, giám sát CBCNV trong công ty không xả rác thải xuống biển, việc xử lý các nguồn nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải được công ty hết sức quan tâm và nghiêm túc thực hiện.
Cụ thể, công ty thay thế dần hệ thống các hồ lắng bùn tự nhiên, tăng thu hồi nước, giảm độ ẩm của than bùn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho Vịnh Bái Tử Long và khu vực. Với sự giúp đỡ của Trung tâm Năng lượng than Nhật Bản (JCOAL), dự án GAP (sử dụng than cho hòa hợp với môi trường) được thực hiện gồm các hạng mục: Hệ thống hồ chứa; máy lắng; trạm bơm; máy đo độ tro; độ ẩm; máy hút sắt…
Định kỳ hằng quý, công ty thực hiện việc quan trắc môi trường, trên cơ sở đó đánh giá việc cải thiện vệ sinh môi trường cũng như kịp thời đưa ra những biện pháp kỹ thuật khắc phục bụi, tiếng ồn, nước thải. Hiện công ty đã trồng được hơn 10.000 cây xanh, cây cảnh các loại, trên 30.000m2 cỏ và cây trồng thảm, đầu tư 9 trạm phun sương với 381 cột, dập bụi cho gần 10km đường vận chuyển than nội bộ. Những thành quả bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh của Công ty Tuyển than Cửa Ông-TKV đã được chính quyền thành phố Cẩm Phả, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh ghi nhận.
Có thể thấy rằng, với một quốc gia đang trên đà phát triển như Việt Nam, ngành năng lượng nói chung và công nghiệp khai thác khoáng sản nói riêng vẫn có vai trò trụ cột đối với an ninh năng lượng quốc gia.
Trên nền của ngành công nghiệp than, TKV đã phát triển thành công các lĩnh vực nhiệt điện, thủy điện, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí, vật liệu xây dựng... Hiện tại, TKV đã đầu tư 7 nhà máy điện với tổng công suất thiết kế 1.730 MW. Sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ của TKV 9,5-10 tỉ kWh/năm, doanh thu 12,5 nghìn tỉ đồng/năm. |
Thành Công