Hai dự án mở rộng đường về miền Tây sắp hoàn thành
Một số đoạn mở rộng quốc lộ 1A và 60 qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre với kinh phí 2.000 tỷ đồng sẽ xong trước Tết Canh Tý 2020.
Giữa trưa 1/12, các công nhân tại khu vực cầu Rượu (Châu Thành, Tiền Giang) đang trộn bêtông, đổ mặt đường tại khu vực đầu cầu. Các hạng mục mố, trụ, dầm hiện đã hoàn thiện, dự kiến cầu thông xe trước Tết Nguyên đán 2020.
Anh Huỳnh Thanh Sơn, tài xế ôtô tải cho biết, quốc lộ 1A đoạn qua Tiền Giang chỉ khoảng 100 km, nhưng luôn là nỗi ám ảnh của các tài xế, nhất là trong các dịp cuối tuần, lễ, Tết.
"Đường quốc lộ có bốn làn ôtô, trong khi cầu đoạn này chỉ có hai làn, gặp lưu lượng xe lớn sẽ dẫn đến tình trạng thắt cổ chai, bình thường đi chỉ gần hai tiếng, ngày lễ, Tết có khi mất gấp đôi thời gian", anh Sơn nói.
Quốc lộ 1A qua Tiền Giang thường kẹt xe vào dịp lễ, Tết. |
Ba cầu khác gồm cầu Sao, cầu Mỹ Quý và cầu Rạch Miễu qua tỉnh Tiền Giang cũng xảy ra tình trạng tương tự. "Đường quốc lộ gì mà đầy ổ gà, nhiều chỗ không có đèn đường, cống thoát nước, mùa mưa nước đọng vũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông", bà Nguyễn Thị Lan, một người dân nói về đoạn đường quốc lộ 1A qua Tiền Giang, Long An.
Ông Trần Thanh Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, bộ vừa chihơn 300 tỷ đồng để sửa chữa mặt đường, mở rộng cầu trên quốc lộ 1A đoạn qua Tiền Giang, Long An. Trong đó phần mở rộng cầu khoảng 200 tỷ đồng.
Theo ông Nam, ngoài bốn cầu trên quốc lộ ở Tiền Giang được mở rộng từ 12,5 m, hai làn xe lên 20,5 m, 6 làn xe, dự kiến hoàn thành trong năm sau, một số cầu khác như cầu Bà Đắc, cầu An Cư, cầu Thông Lưu, cầu Bà Lâm và cầu Mỹ Đức Tây cũng đang được tính toán mở rộng.
Ngoài ra, hệ thống thoát nước dọc hai bên quốc lộ 1A ở các đoạn trũng từ Tiền Giang đến Long An cũng được lắp đặt. Mặt đường quốc lộ cũng được sửa chữa, thảm nhựa lại ở những đoạn xuống cấp nặng.
Tại Bến Tre, từ khi cầu Cổ Chiên đưa vào sử dụng năm 2015, do lưu lượng xe lớn đã khiến quốc lộ 60 (đi qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, dài hơn 100 km) ngày càng quá tải. Nguyên nhân do tuyến đường này rút ngắn 70 km đường từ TP HCM đến Trà Vinh, Sóc Trăng.
Khu vực đường dẫn lên cầu Cổ Chiên thời gian qua cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều "ổ gà". Do khu vực này xảy ra quá nhiều vụ tai nạn, người dân sống lân cận đã tự dựng biển cảnh báo đường xấu để các phương tiện giảm tốc độ.
Theo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải), trước mắt, với tình trạng hư hỏng tại khu vực đường dẫn lên cầu Cổ Chiên, đơn vị này đã cho công nhân đến sửa chữa đoạn đường để đảm bảo an toàn giao thông.
"Hiện bộ đã phê duyệt gói thầu thảm tăng cường mặt đường, những chỗ hư hỏng sẽ đào bỏ, xử lý triệt để và bù lún, tổng kinh phí khoảng 27 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước Tết Dương lịch", đại diện ban nói.
Trong khi đó, ông Cao Văn Phong - Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bến Tre cho biết, sau gần hai năm thi công, dự án mở rộng quốc lộ 60 với kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn thành, sẽ kịp phục vụ người dân dịp Tết Canh Tý.
Dự án dài hơn 22 km, gồm bốn đoạn, điểm đầu tại nút giao Tân Thạch - An Khánh (Châu Thành) và điểm cuối tiếp giáp với đường dẫn vào cầu Cổ Chiên (Mỏ Cày Nam, Bến Tre). Đoạn rộng nhất 21 m, 6 làn xe. Dự án do Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu làm chủ đầu tư, theo hình thức BOT.
Bộ Giao thông Vận tải và Bến Tre cũng đang đề xuất xây cầu Rạch Miễu 2, cách cầu hiện tại 3 km. Cầu có hai nhịp chính bằng dây văng, rộng bốn làn xe. Tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng. Tỉnh Bến Tre đã đề xuất sử dụng vốn ngân sách, vì thời gian hoàn thành ngắn chỉ bốn năm, thay vì sáu năm khi dùng vốn BOT, ODA.
Cầu Rạch Miễu dài hơn 8,3 km bao gồm cả đường dẫn nối hai đầu cầu, mặt cầu rộng 12-15 m, khánh thành và thu phí năm 2009, tổng vốn 1.400 tỷ đồng, theo hình thức BOT. Dự kiến, hợp đồng thu phí đến tháng 7/2021. Sau mười năm đưa vào sử dụng, do cầu hẹp, lưu lượng xe lớn từ các tỉnh miền Tây đổ về đã khiến cầu trở thành điểm nóng kẹt xe các dịp lễ, Tết.
Theo VnExpress