Liên tiếp đưa tàu tới Biển Đông, Mỹ gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc
Việc Hải quân Mỹ gia tăng bất thường các hoạt động tại Biển Đông trong tháng này được cho là cách để Washington gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc.
Tàu khu trục USS Wayne E Meyer của Hải quân Mỹ (Ảnh: Reuters) |
Tuần trước, Hải quân Mỹ đã điều hai tàu chiến, gồm tàu tác chiến cận bờ Gabrielle Giffords và tàu khu trục Wayne E. Meyer, tới Biển Đông sau khi Trung Quốc đưa tàu sân bay đầu tiên do nước này tự đóng tới vùng biển này để tiến hành hoạt động khảo sát và thử nghiệm.
Theo Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ và các nhà phân tích, Mỹ muốn thể hiện cho Trung Quốc thấy rằng họ phải luôn giữ cho Biển Đông, một vùng biển mang tầm chiến lược cả về kinh tế và chính trị, trở thành khu vực rộng mở, thay vì tìm cách kiểm soát để phục vụ cho mục đích riêng. Tuy vậy, các chuyên gia nhận định ít có khả năng hai nước xảy ra xung đột tại khu vực này.
“Mỹ đang tìm cách định hình và thay đổi hành vi của Trung Quốc. Nhưng điều đó thực sự khó”, VOA News dẫn lời Stephen Nagy, chuyên gia cấp cao về nghiên cứu quốc tế và chính trị tại Đại học Thiên chúa giáo Quốc tế ở Tokyo, Nhật Bản, cho biết.
“Gây sức ép toàn diện là cách để bắt đầu thay đổi hành vi của Trung Quốc mà không vượt ra khỏi tầm kiểm soát và biến thành xung đột”, ông Nagy nhận định.
Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết, tàu sân bay của nước này đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 17/11 để tiến hành hoạt động nghiên cứu và “huấn luyện thường kỳ” tại “vùng biển liên quan tới Biển Đông”.
Sự xuất hiện của tàu sân bay Trung Quốc đã gây chú ý trên khắp châu Á và tại Mỹ, vì đây là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc và là tàu sân bay đầu tiên do nước này tự sản xuất. Trong khi đó, Bắc Kinh hiếm khi thông báo về việc nước này đưa tàu sân bay ra Biển Đông.
Sau đó, ngày 20 - 21/11, Hải quân Mỹ đưa hai tàu chiến tới Biển Đông. Thông báo của Hải quân Mỹ khẳng định các tàu này tiến hành hoạt động đảm bảo “tự do hàng hải” trên Biển Đông.
Cụ thể, tàu tác chiến cận bờ Gabrielle Giffords đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tiếp đó, tàu khu trục Wayne E. Meyer đã thực hiện chuyến đi tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là những khu vực đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Hải quân Mỹ nhiều lần đưa tàu tới Biển Đông để tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, tuy nhiên khoảng cách giữa các lần triển khai thường là vài tháng. Còn trong tháng này, Washington điều tới 2 tàu trong 2 ngày liên tiếp.
Theo Andrew Yang, tổng thư ký Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Cấp cao Trung Quốc, một viện nghiên cứu tại Đài Loan, giới chức Mỹ sẽ liên tục theo dõi Trung Quốc trên biển.
“Đây là nỗ lực liên tục để thể hiện rằng Mỹ duy trì cam kết với các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải”, ông Yang nhận định.
Ông Yang cho rằng việc Trung Quốc đưa tàu sân bay mới được biên chế của nước này tới Biển Đông có thể là một thông lệ, chứ không hẳn là một hành động khiêu khích.
Theo chuyên gia Nagy, khó có thể kỳ vọng Trung Quốc từ bỏ yêu sách hàng hải của nước này. Tuy nhiên, chuyên gia này tin rằng Mỹ và Trung Quốc rốt cuộc sẽ có “sự hiểu biết chung về các quy tắc ứng xử” tại Biển Đông.
“Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép và thể hiện quyết tâm đó thông qua hiện diện ở Biển Đông và những nơi khác”, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr cho biết.
Theo Dân tri