“Nếu nói vấn đề “đặt hàng” đại biểu Quốc hội thì rất khó”
(PetroTimes) - Chiều 27/11, tại Nhà Quốc hội, ngay sau khi bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp.
Sau khi Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng đọc Thông báo tóm tắt kết quả Kỳ họp thứ 8, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời câu hỏi của các phóng viên.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì họp báo |
Tại cuộc họp báo, phóng viên cũng phản ánh có ý kiến cử tri băn khoăn về biểu hiện lobby, đặt hàng khi trong một số phiên thảo luận ở Quốc hội, có những đại biểu liên tục phát biểu về một vấn đề và có tình trạng một số bài phát biểu trùng lặp về cùng vấn đề.
Trả lời câu hỏi trên, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng nếu nói vấn đề “đặt hàng” đại biểu Quốc hội thì rất khó. “Nếu có phần mềm nào đó phân tích được thì tốt”, ông Phúc nói. Theo ông, quyền của đại biểu Quốc hội là có thể thuê chuyên gia nghiên cứu bài phát biểu trước hội trường và họ được cấp kinh phí cho việc này. Riêng về việc trùng lặp, ông Phúc cho rằng có thể đại biểu Quốc hội cùng nghiên cứu một vấn đề.
“Có đại biểu nói trùng rồi thì xin rút, nhưng có đại biểu đã đăng ký, và biết có cử tri theo dõi nên họ phát biểu là bình thường. Theo tôi cái đó không đặt vấn đề nặng nề quá!”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Tiếp tục đặt vấn đề, phóng viên dẫn chứng một đại biểu Quốc hội khoá XIII đã từng phát hiện có 4 bài phát biểu của đại biểu Quốc hội có những đoạn giống nhau, thậm chí sai giống nhau.
Hoặc cử tri phản ánh có đại biểu tập trung quá nhiều vào một dự án hay chính sách, có thể có lợi cho bộ ngành hay địa phương nào đó. Việc này sẽ tác động đến quyết định của Quốc hội.
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng quá trình đại biểu Quốc hội làm việc với bộ ngành thì chắc chắc có trao đổi, nhưng “không vì thế mà làm xoay chuyển, làm lệch chủ trương đúng đắn”.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, nếu vấn đề đại biểu đặt ra là đúng thì rất tốt, còn không thì Quốc hội sẽ xem xét thấu đáo.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về hợp đồng viên chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu rõ: Trong hệ thống pháp luật nước ta không có khái niệm viên chức suốt đời. Theo quy định của Luật Viên chức hiện hành thì sau khi thông qua việc thi tuyển hoặc xét tuyển, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng lao động sẽ ký hợp đồng làm việc với người lao động. Sau khi ký hợp đồng xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng thì người lao động sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn.
Căn cứ yêu cầu của Nghị quyết Trung ương, đó là thực hiện hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, trừ viên chức tuyển dụng mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và viên chức đã sửa đổi Điều 25 theo hướng “tất cả viên chức tuyển dụng mới từ ngày 1/7/2020 sẽ thực hiện hợp đồng xác định thời hạn”; điểm khác là hợp đồng xác định thời hạn từ 12 - 60 tháng.
Tại sao có yêu cầu này? Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, đó là để viên chức trong quá trình công tác luôn có sự phấn đấu để tiếp tục được ký hợp đồng xác định thời hạn. Trước thời hạn 60 ngày khi hết thời hạn hợp đồng, người sử dụng lao động phải đánh giá viên chức, nếu viên chức vẫn bảo đảm được điều kiện, khả năng lao động và người sử dụng lao động có nhu cầu sử dụng thì bắt buộc phải ký tiếp hợp đồng với viên chức đó.
P.V