23 doanh nghiệp đa cấp nộp 886 tỷ đồng tiền thuế
(PetroTimes) - Tổng số thuế của 23 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đã nộp về ngân sách nhà nước trong 6 tháng năm 2019 đạt 886,196 tỷ đồng.
Từ hàng trăm giảm xuống chỉ còn hàng chục doanh nghiệp kinh doanh đa cấp |
5 công ty bán hàng đa cấp bị tước giấy phép |
Bán hàng đa cấp của tổ chức chưa có giấy phép bị phạt tới 25 triệu đồng |
Sau hàng loạt các giải pháp chấn chỉnh được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong giai đoạn 2016 đến hết tháng 6 năm 2019, hoạt động của ngành bán hàng đa cấp đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp hoạt động bất chính hoặc kém hiệu quả dần bị loại bỏ khỏi thị trường, các doanh nghiệp hoạt động chân chính có xu hướng kinh doanh hiệu quả hơn, số lượng doanh nghiệp trên thị trường giảm mạnh. Đến nay, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tiếp tục giảm xuống còn 23 doanh nghiệp.
Năm 2018 doanh thu của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đạt hơn 10.782 tỷ đồng, tăng hơn 2.700 tỷ đồng (hơn 30%) so với năm 2017.
6 tháng năm 2019, doanh thu của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đạt khoảng 5.809 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018.
Mô hình kinh doanh đa cấp |
Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước trong năm 2018 ước đạt 1.365,317 tỷ đồng, trong đó thuế giá trị gia tăng chiếm 33,29%, thuế xuất nhập khẩu chiếm 34,434%, thuế thu nhập cá nhân của người lao động 4,28%, thuế thu nhập cá nhân nộp hộ cho người tham gia bán hàng đa cấp chiếm 9,331%, thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm 11,268%, các loại thuế khác 2,1%.
Tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước trong 6 tháng năm 2019 là 886,196 tỷ đồng. Tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 1.921 tỷ đồng, chiếm khoảng 36,2 % tổng doanh thu (doanh thu chưa bao gồm VAT).
Trong đó, giá trị khuyến mại quy đổi thành tiền đạt 39,450 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2018, đã xử phạt 4 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt 770 triệu đồng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 1 doanh nghiệp.
Hầu hết các địa phương báo cáo hoạt động bán hàng đa cấp đã được chấn chỉnh, vi phạm xảy ra không đáng kể. Tổng số tiền phạt theo báo cáo của các Sở Công Thương là 3,6 tỷ đồng, trong đó có hơn 2,5 tỷ đồng là tiền phạt vi phạm về chậm nộp thuế do Cục Thuế Hà Nội thực hiện, xử phạt vi phạm hành chính chỉ vào khoảng hơn 700 triệu đồng.
Hành vi vi phạm và tiền phạt trong năm qua thấp hơn mọi năm do doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp, số lượng doanh nghiệp giảm và nhận thức của người tham gia bán hàng đa cấp tăng lên. Vi phạm chủ yếu được địa phương phát hiện thông qua kiểm tra giám sát hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo tại địa phương của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Trong 9 tháng năm 2019, Bộ Công Thương đã hoàn thành thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp đối với 2 doanh nghiệp theo kế hoạch thanh tra năm 2019 của Bộ Công Thương. Căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Công Thương đã xử phạt 2 doanh nghiệp này với tổng số tiền phạt là 835 triệu đồng.
Dù vậy, Bộ Công Thương tiếp tục phát đi cảnh báo về hiện tượng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua hình thức đầu tư với đối tượng không phải là hàng hóa như hoạt động đầu tư tiền vào các dự án tài chính, khóa học, ví điện tử. Những hình thức đầu tư kinh doanh này vốn không thuộc phạm vi quản lý của Nghị định 40/2018/NĐ-CP nên khó khăn trong công tác quản lý.
Hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép (không đăng ký hoạt động chính thống) có xu hướng phát triển, đặc biệt là các hoạt động kêu gọi đầu tư, huy động tài chính sử dụng phương thức kinh doanh đa cấp trong khi Bộ Công Thương cũng không có thẩm quyền quản lý các đối tượng này.
Nguyễn Bách