Vốn Trung Quốc đang "hất cẳng" Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, EU ở Việt Nam?
Không chỉ vốn đầu tư của Mỹ và các nước châu Âu vào Việt Nam nhỏ giọt mà vốn của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng giảm mạnh. Thế chỗ cho sự giảm sút ấy, lượng vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc đang tăng tốc vào Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính hết tháng 10/2019, Việt Nam thu hút được hơn 29 tỷ USD của 107 đối tác, hơn 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Đáng nói là trong bối cảnh Việt Nam đã có 12 hiệp định thương mại tự do (FTAs) và 3 hiệp định khác đang đàm phán và ký kết đều là các hiệp định với các thị trường lớn như liên minh châu Âu, Úc, New Zealand hay các thị trường quen thuộc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng đầu tư của các nước phát triển vào Việt Nam có phần eo hẹp.
Vốn Âu Mỹ nhỏ giọt, vốn Nhật, Hàn giảm mạnh, vốn Trung Quốc tăng sốc vào Việt Nam |
Cụ thể, vốn của Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Anh trong 10 tháng qua chỉ đạt hơn 670 triệu USD, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước 1,4 tỷ USD.
Trong đó lượng vốn của Mỹ vào Việt Nam 10 tháng qua chỉ đạt 306 triệu USD, giảm hơn 100 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Đức, một quốc gia sở hữu ngành công nghiệp nặng hàng đầu thế giới ở nhiều ngành, lĩnh vực về cơ khí chính xác cũng chỉ đầu tư vào Việt Nam hơn 104 triệu USD, giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm trước khoảng 180 triệu USD.
Pháp là quốc gia phát triển trong liên minh châu Âu, nhưng lượng vốn đầu tư vào Việt Nam 10 tháng qua chỉ đạt hơn 87 triệu USD, giảm cực mạnh khoảng 430 triệu USD.
Anh cũng là nước có số vốn ít ỏi và giảm khá mạnh, tổng vốn đầu tư của Anh vào Việt Nam chỉ đạt 174 triệu USD, giảm gần 50 triệu USD.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, hiện tượng giảm vốn đầu tư của các nước phát triển ở Việt Nam không chỉ nằm ở các nhà đầu tư Mỹ, Đức, Pháp Anh mà còn cả ở Nhật và Hàn Quốc.
Cụ thể, lượng vốn của các nhà đầu tư Nhật Bản hết 10 tháng đầu năm 2019 mới đạt 3,1 tỷ USD, giảm 4,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn của các nhà đầu tư Hàn Quốc đạt 5,5 tỷ USD, giảm 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trái lại, lượng vốn của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, vùng lãnh thổ Hồng Kông, Đài Loan tăng khá mạnh. Cụ thể, lượng vốn của các nhà đầu tư Hồng Kông đạt 6,4 tỷ USD, tăng hơn 4,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn của Trung Quốc đại lục đạt 3,2 tỷ USD, tăng hơn 1,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn của Đài Loan đạt 1,2 tỷ USD, tăng hơn 430 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, vốn Trung Quốc và các vùng lãnh thổ của Trung Quốc đã thay thế sự giảm sút lượng vốn đầu tư của các nước phát triển ở Việt Nam.
Hiện, chưa có nhiều đánh giá về nguyên nhân suy giảm của các nhà đầu tư lớn của thế giới vào Việt Nam trong 10 tháng qua, đặc biệt đây lại là các nước xuất khẩu tư bản của thế giới. Tuy nhiên, việc suy giảm đầu tư này chắc chắn sẽ tác động đến Việt Nam.
Trên thực tế, việc giảm đầu tư là tác động khách quan khi thế giới đang chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh thương mại diễn ra. Về mặt chủ quan, Việt Nam dù chủ động mở cửa nền kinh tế bằng việc tích cực gia nhập các FTAs thế hệ mới, song môi trường kinh doanh, bộ máy quản lý hoạt động vẫn thiếu hiệu quả. Bằng chứng là chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam hai năm liên tiếp 2018 và 2019 bị đánh tụt hai bậc.
Việc không thu hút được lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư từ EU, Mỹ, Nhật… có thể không tác động quá lớn đến xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, điều này lại khiến Việt Nam khó thu hút được công nghệ gốc, công nghệ đời F1 của các nước phát triển.
Mặt khác, việc không thu hút được vốn từ các nước phát triển, khiến môi trường của Việt Nam khó được đánh giá cao và áp lực cải thiện thể chế kinh tế, năng lực quản lý theo phong cách châu Âu, các nước phát triển ngày càng thách thức hơn, xa vời hơn.
Theo Dân trí