Đại chiến Việt Nam - Thái Lan: Khi con tạo xoay vần, ngôi “Vua” phế truất
Người Thái luôn nhìn đội tuyển Việt Nam với như đối thủ chiếu dưới trong hàng thập kỷ qua. Nhưng giờ đây, con tạo đã xoay vần. Sự trỗi dậy của bóng đá Việt Nam đã khiến cho thế cục bóng đá Đông Nam Á thay đổi. “Voi chiến” chẳng thể vỗ ngực như trước mà đã nhìn đội tuyển Việt Nam với ánh mắt thực sự khác...
Từ phát ngôn “đụng chạm” của Kiatisak
Thảm cỏ Mỹ Đình ngày 13/10/2015 đã chứng kiến nỗi buồn không thể tả được của bóng đá Việt Nam. Đó cũng là ngày mà người Thái đã hành quân tới Hà Nội trong trận lượt về vòng loại thứ 2 World Cup 2018.
Trong quá khứ, đội tuyển Việt Nam thường thất bại trước Thái Lan |
Những người hâm mộ ở trên khán đài chỉ biết nín lặng trước những pha bật bóng như đan rổ của thầy trò HLV Kiatisak. Sân Mỹ Đình biến thành sân khấu để người Thái phô diễn kỹ năng tiqui-taka, từng mang tới niềm tự hào cho “Voi chiến”. Trong khi đó, các cầu thủ Việt Nam chỉ như khán giả bất đắc dĩ chứng kiến vở kịch ấy.
Cách đó chừng vài tháng, trong trận lượt đi trên đất Thái, đội tuyển Việt Nam của HLV Miura đã phải sử dụng tới lối chơi bạo lực để ngăn chặn người Thái Lan. Tấm thẻ đỏ của Minh Châu là hệ quả tất yếu. Và rồi, chẳng ai tiếc nuối dù Việt Nam đã cầm cự được Thái Lan trong vòng 81 phút.
Kể từ lần đầu đụng độ Thái Lan năm 1995, bóng đá Việt Nam luôn sống dưới cái bóng quá lớn của người Thái. Từ thế hệ của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, tiếp đó là Minh Phương, Tài Em, Công Vinh và cả thế hệ của Thành Lương sau này luôn ra sân với tâm lý đè nặng của đội bóng chiếu dưới. Thậm chí, nhiều người cho rằng đội tuyển Việt Nam đã thua ngay từ trước khi tiếng còi khai cuộc bắt đầu.
Thái Lan sợ Bukit Jalil bao nhiêu thì họ lại “sung sướng” khi thi đấu ở Mỹ Đình bấy nhiêu. Thống kê chỉ ra sự thật đáng buồn rằng “Voi chiến” chưa bao giờ thất bại tại sân Mỹ Đình trong quá khứ.
Đội tuyển Việt Nam thua 0-3 trước Thái Lan trên sân Mỹ Đình vào năm 2015
Trước thời điểm HLV Park Hang Seo đặt chân tới mảnh đất hình chữ S, đội tuyển Việt Nam chỉ thắng Thái Lan đúng 2 lần trong vòng hơn 2 thập kỷ (bán kết Tiger Cup 1998 và chung kết lượt đi AFF Cup 2008). Còn lại, chúng ta đã thua 15, hòa 2. Nên nhớ, đó mới chỉ là đội tuyển quốc gia, còn rất nhiều thất bại khác của lứa U23 ở các kỳ SEA Games.
Bởi lẽ đó, huyền thoại bóng đá Thái Lan, Kiatisak từng vỗ ngực tuyên bố: “Mười năm nữa đội tuyển Việt Nam mới thắng được Thái Lan”. Phát ngôn có phần đụng chạm ấy có thể khiến những người Việt Nam chạnh lòng. Nhưng ở góc độ nào đó, nó cũng cho thấy người Thái nhìn vào đội tuyển Việt Nam với ánh mắt như thế nào.
Đau xót hơn khi những phát biểu kiểu như vậy hướng về đội tuyển Việt Nam, chứ không phải bất kỳ đội bóng nào khác ở khu vực Đông Nam Á.
“Phép thuật” của thầy phù thủy giúp Việt Nam lớn nhanh như thổi
Thành công không chỉ đến từ sự nỗ lực mà nó cần lát cắt, để ở đó, mọi yếu tố có thể bộc lộ và vươn tầm. Lát cắt của bóng đá Việt Nam chính là thời điểm HLV Park Hang Seo đặt chân tới mảnh đất hình chữ S. Và hạnh phúc hơn, khi đó là người mà không mấy CĐV Việt Nam thực sự kỳ vọng vào vị HLV này với bản lý lịch không quá ấn tượng.
Vào năm ngoái, từ Munhwa Ilbo từng viết: “Ai cũng nghĩ HLV Park Hang Seo đã qua thời kỳ đỉnh cao nhưng rồi, ông ấy xuất hiện và làm nên điều thần kỳ cùng bóng đá Việt Nam”. Quả thực, theo tiết lộ của HLV Park Hang Seo, ban đầu ông chỉ dự định thử sức ở công việc mới tại Đông Nam Á, chứ không kỳ vọng thành công quá lớn.
Bóng đá Việt Nam đã không còn sợ Thái Lan kể từ sau khi HLV Park Hang Seo dẫn dắt |
Cách quản trị kiểu gia đình của thầy Park không còn phù hợp ở Hàn Quốc. Đó là lý do khiến ông không gặt hái được thành công sau này. Thế nhưng, nó lại phù hợp với bóng đá Việt Nam, nơi mà các cầu thủ trẻ đã cùng nhau lớn lên, cùng nhau thi đấu từ lứa trẻ như gia đình thực sự.
Nhiều người nói rằng, HLV Park Hang Seo đã thành công nhờ tiếp quản lứa thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam. Nhưng đó chỉ là phần gốc. Còn ông đã trực tiếp chăm chút, tiếp thêm ngọn lửa tinh thần, sức chiến đấu mạnh mẽ để những “viên ngọc” của bóng đá Việt Nam trở nên sáng lòa.
Trong ngày tuyết ở Thường Châu, chính người cha ân cần ấy đã đứng hiên ngang giữa cơn mưa tuyết trắng xóa, sau thất bại nặng nề trước U23 Uzebekistan để làm điểm tựa cho các học trò. “Chúng ta đã cố gắng hết sức, tại sao phải cúi đầu” - ông tuyên bố với các học trò sau trận. Và có lẽ, những bài học như vậy đã khiến cho lứa cầu thủ vàng của bóng đá Việt Nam trở nên cứng cáp hơn bao giờ hết.
Và cũng người cha ấy, với nụ cười trìu mến, đã vào tận phòng của Đình Trọng để massage cho Đình Trọng trong thời gian thi đấu ở ASIAD 2018. Ông cũng ân cần ra tiễn Hùng Dũng khi cầu thủ này phải rời đội Olympic Việt Nam vì chấn thương ở giải đấu ấy.
Ibrahimovic từng nói về Mourinho: “Tôi có thể chết vì ông ấy”. Và có lẽ, những tuyển thủ Việt Nam cũng chẳng cần tuyên bố hùng hồn như vậy nhưng ai cũng đủ hiểu, họ sẵn sàng làm tất cả vì HLV Park Hang Seo.
Sự ân cần của thầy Park tạo nên sức chiến đấu cho các cầu thủ |
Chính yếu tố cốt lõi ấy đã giúp bóng đá Việt Nam lớn nhanh như thổi. Từ đội bóng sợ sệt khi gặp Thái Lan, nay thế hệ của Quang Hải, Công Phượng, Ngọc Hải... có thể hiên ngang đối đầu với cả những đội bóng hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran. Cũng như HLV Park Hang Seo từng tuyên bố: “Chúng ta chẳng việc gì phải lo sợ khi đối đầu với Thái Lan”.
Thế hệ cầu thủ của đội tuyển Việt Nam ngày nay như những bông hoa trên đá. Càng khắc nghiệt, càng vươn lên mạnh mẽ. HLV Park Hang Seo chính là người đã thổi hồn để bông hoa ấy trỗi dậy.
Không thể không nói tới tài thao lược của HLV Park Hang Seo. Sở dĩ, đội tuyển Việt Nam khó bị đánh bại như vậy không chỉ ở việc có ý chí, sức chiến đấu cao, mà còn bởi chiến thuật của HLV người Hàn Quốc. Lối chơi phòng ngự phản công của thầy Park đã giúp cho đội tuyển Việt Nam xây dựng được hệ thống chiến thuật vô cùng chặt chẽ, khiến ngay cả đội bóng lớn cũng chưa chắc vượt qua.
UAE từng được nhận định là đội bóng có lối chơi khá đa dạng nhưng họ không thể hiện quá nhiều sự biến hóa khi bị “nhốt” trong hệ thống của HLV Park Hang Seo. Trước đó, ngay cả những đội bóng lớn như Nhật Bản (ở Asian Cup 2019) cũng không thể hiện sự áp đảo trước Việt Nam.
HLV Park Hang Seo cho thấy mình ông không hẳn là HLV cứng nhắc (như những người thuộc thế hệ cũ). Thay vào đó, ông tính toán rất kỹ cho từng trận đấu và đưa vào sân những con người phù hợp. Điển hình như việc sử dụng Công Phượng trong trận gặp Malaysia (đóng vai trò chim mồi) và Tiến Linh trong trận gặp UAE.
Thái Lan không còn là "ngáo ộp" với đội tuyển Việt Nam |
Thậm chí, ở trận gặp UAE, người ta còn thấy rằng đội tuyển Việt Nam đã thiên về kiểm soát bóng để kìm hãm sự hưng phấn của đối thủ. Chúng ta đạt tỷ lệ kiểm soát bóng 58% và thực hiện 711 đường chuyền.
Có thể thấy, HLV Park Hang Seo luôn muốn mang tới cho đối thủ sự bất ngờ trước mỗi trận đấu, để họ không kịp trở tay trước sự thay đổi của đội tuyển Việt Nam. Ngay cả việc ông không sử dụng số áo cố định cho một vài vị trí cũng cho thấy sự tính toán tới từng chi tiết của ông thầy người Hàn Quốc.
Tất nhiên, thành công của bóng đá Việt Nam là sự tổng hòa của nhiều yếu tố nhưng trong đó, công lao của HLV Park Hang Seo là vô cùng lớn. Bởi lẽ đó, việc ông nhận mức lương lên tới 50.000 USD trong hợp đồng mới cũng là điều xứng đáng.
Thế cục mới của bóng đá Đông Nam Á
Có chi tiết đáng chú ý, ngày hôm qua, HLV Kiatisak đã nhận xét: “Đội tuyển Việt Nam đã khác xa hoàn toàn trước đây”. Lời tuyên bố của chính người từng chế nhạo đội tuyển Việt Nam càng có giá trị hơn. Nó cho thấy bước tiến mạnh mẽ của đoàn quân HLV Park Hang Seo.
Chưa bao giờ, những đối thủ chuẩn bị đấu với đội tuyển Việt Nam kỹ như vậy. Đội tuyển UAE đã phải “đi đường vòng” thuê sân tập ở Thái Lan trước thềm trận đấu ở Mỹ Đình vào ngày 14/11 vừa qua. Đội tuyển Thái Lan cũng chủ động thuê sân tập riêng, để đảm bảo tính chiến thuật.
Và cũng hiếm có khi nào, báo chí Thái Lan nhắc về đội tuyển Việt Nam với sự nể trọng như thời điểm này. Thậm chí, không dưới một lần, họ đã thừa nhận bóng đá Thái Lan tụt hậu và mất đi vị thế số 1 Đông Nam Á vào tay Việt Nam.
Đội tuyển Việt Nam dần trở thành ông vua mới của bóng đá Đông Nam Á |
Chính điều đó, khiến cho đội tuyển Thái Lan khao khát chiến thắng trước đội tuyển Việt Nam hơn bao giờ hết. Đó không còn là đối thủ mà người Thái có thể giành chiến thắng “dễ như ăn kẹo” như trước đây. Mà thay vào đó, họ đang xem “Rồng vàng” là đối trọng thực sự.
Trên bảng xếp hạng FIFA, đội tuyển Việt Nam cũng bỏ xa phần còn lại của bóng đá Đông Nam Á. Với vị trí thứ 97, đội bóng của HLV Park Hang Seo là đội duy nhất ở Đông Nam Á có mặt trong top 100 thế giới. Nên nhớ rằng, việc nhảy lên thứ 109 thế giới cũng đủ khiến người Thái vui mừng.
Chả thế mà trước khi mời HLV Akira Nishino ngồi vào ghế HLV trưởng, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan, Somyos Pumpanmuang từng nhấn mạnh mục tiêu của họ là tìm kiếm HLV có thể giúp Thái Lan trở lại vị thế số 1 Đông Nam Á trong tương lai gần. Xa hơn là vươn lên tầm châu Á. Rõ ràng, sự vươn lên của bóng đá Việt Nam đã khiến “Voi chiến” phải nghĩ trở về khu vực Đông Nam Á, thay vì vươn xa ra biển lớn như trước.
Có một điều cần nói thêm rằng, dưới thời HLV Park Hang Seo, các đội của Việt Nam (U23, đội tuyển quốc gia) chưa từng thất bại trước Thái Lan. Cứ mỗi trận gặp Việt Nam, người Thái luôn ấp ủ khát khao chiến thắng nhưng đều ra về trong nỗi thất vọng.
Tiến lên Việt Nam!
Tờ Siam Sport số ra ngày hôm qua nhấn mạnh: “Đây là trận chiến để giành ngôi vị số 1 Đông Nam Á. Ở trận lượt đi, hai đội đã bất phân thắng bại với tỷ số 0-0”.
Nhưng rõ ràng, ngoài việc cạnh tranh ở khu vực Đông Nam Á, ý nghĩa của trận đấu ngày mai còn lớn hơn rất nhiều. Nó sẽ tạo nên bước ngoặt trong cuộc đua giành vé tham dự vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á.
Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam chưa từng vươn tới đỉnh cao ấy. Và lần này, chúng ta đang nắm trong tay quyền tự quyết giấc mơ ấy. Nó chẳng còn xa vời như thời điểm cách đây vài năm. Chiến thắng trước Thái Lan sẽ là bước dài để Việt Nam vươn tới đỉnh cao ấy.
Hàng triệu trái tim ấy đang rộn ràng hướng theo bước chân của thầy trò HLV Park Hang Seo. Với họ, có lẽ một ngày chờ đợi cho trận chiến là quá lâu. Tất cả đã sẵn sàng cháy lên cùng đội tuyển!
Theo DT