Lương sắp tăng cao nhất 8 năm
Tuần qua, đông đảo độc giả cảm thấy phấn khởi với thông tin từ 1/7/2020, lương cơ sở sẽ tăng cao nhất trong 8 năm lên 1,6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, song song với đó là những thông tin về giá nước mua từ Nhà máy Sông Đuống đắt đỏ hay nguy cơ thiếu điện trở nên “cấp bách”.
Lương sắp tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua
Chính phủ đề xuất tăng lương từ ngày 1/7/2020 |
Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2020, mức tăng 110.000 đồng nâng lương từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng và được cho là mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua. Đề xuất này đã được Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều ngày 12/11.
Tính từ năm 2016 đến năm 2019, lương cơ sở chỉ tăng cao nhất từ 90.000 đồng/tháng - 100.000 đồng/tháng. Mức tăng vừa được Chính phủ đề xuất được đánh giá là cao nhất trong khoảng 8 năm trở lại đây.
Năm 2020 là năm cuối cùng tồn tại mức lương cơ sở. Theo đó, khi lương cơ sở tăng, mức lương thực tế và một số khoản phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ được tăng lên tương ứng.
Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị nêu rõ về lộ trình cải cách tiền lương từ. Năm 2021, mức lương cơ sở và hệ số lương sẽ được bãi bỏ, thay vào đó là 5 bảng lương mới với cán bộ, công chức, viên chức.
Sân bay Long Thành: Không để nhóm lợi ích, nhóm “sân sau” chi phối!
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) |
Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại nghị trường về Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), đây là công trình thế kỷ có ý nghĩa rất quan trọng về an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
“Dự án sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nhưng nếu làm không tốt nó sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước như một số dự án “trùm màn, đắp chiếu” đang tồn tại” - ông Nghĩa nói và cho biết phải đảm bảo dự án là một “phần thưởng” quý báu chứ không thể là một dự án “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Đại biểu đoàn TPHCM đề nghị phải đề cao trách nhiệm và sự thận trọng trong việc đầu tư dự án này. Ông Nghĩa tán thành chủ trương giao dự án cho các nhà đầu tư trong nước nhưng cho rằng phải có chính sách quản lý chặt chẽ việc huy động và quản lý nguồn vốn, nhất thiết đảm bảo các nguyên tắc khi thực hiện đầu tư dự án.
“Pháp luật phải nghiêm minh, không để dự án bị các nhóm lợi ích, nhóm “sân sau” chi phối” - ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng dự án cần thực hiện nhanh nhưng phải cạnh tranh lành mạnh, không loại trừ khả năng phải thuê, phải mua của nước ngoài về công nghệ, lực lượng thi công và giám sát dự án.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn TPHCM đề nghị phải đảm bảo dự án chất lượng cao, hiệu quả và trình độ công nghệ đón đầu thế giới, vì đây là sân bay trung chuyển nên phải cạnh tranh rất mạnh với các sân bay trong khu vực, nếu không cạnh tranh được thì lỗ nặng.
Ông Trương Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh quan điểm phải nghiên cứu kỹ ý kiến chuyên gia trong nước và nước ngoài “không phải là các chuyên gia được hưởng lợi từ dự án”.
Giá nước nhà máy Sông Đuống đắt vì đầu tư khủng: "Không thuyết phục, cần thanh tra làm rõ"
Nhà máy nước sông Đuống có tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm |
Trả lời câu hỏi liệu có hay không việc được “ưu ái” về giá nước, phía Nhà máy Nước mặt Sông Đuống cho biết: “Theo quy định giá thành sản xuất nước áp dụng trên địa bàn Thành phố và các khu vực lân cận do UBND thành phố Hà Nội quy định, phụ thuộc chủ yếu vào quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án, được tính đúng, tính đủ theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính (Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT của Bộ Tài chính – Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và được các cơ quan chức năng thẩm định trình phê duyệt theo quy định”.
Ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cũng giải thích, về nguyên tắc tính giá nước của các đơn vị đều giống nhau theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy dẫn đến suất đầu tư khác nhau.
Một điểm đáng lưu ý, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng.
“Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối nước”, lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội thông tin.
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: Về nguyên tắc tài chính không thể nói xây nhà máy to, nhiều tiền nên giá đắt được. Lý do đó không thuyết phục!
“Không phải dự án cứ quy mô càng lớn, chi phí càng cao thì lấy giá đắt hơn. Bao giờ người ta cũng tính toán dựa vào suất đầu tư, hiệu quả đầu tư. Đầu tư bất kỳ vào đâu dù nhiều hay ít vốn thì cũng phải tính hiệu quả, hiệu suất. Thông thường dự án to, quy mô lớn, hiện đại, giá thành chi phí sẽ phải tốt hơn chứ. Còn dự án nhiều khi nhỏ, lạc hậu thì giá thành có thể sẽ cao nếu không tính toán”, ông Long nhấn mạnh: Không riêng gì kiểm toán, các cơ quan thanh tra cần vào cuộc làm sáng tỏ vấn đề này.
Nguy cơ thiếu điện từ năm sau: Rất cấp bách, không thể chậm trễ hơn nữa!
Cuộc họp khẩn của Bộ Công Thương để ứng phó với nguy cơ thiếu điện |
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị có liên quan để đánh giá hiện trạng, đồng thời đề ra giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện trọng điểm.
Trước thực tế Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong 2019-2020 và kéo dài tới 2022-2023, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Tình hình đang rất cấp bách và chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, thời gian qua còn nhiều dự án chậm tiến độ, gây nguy cơ thiếu điện, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tác động đến đời sống dân sinh.
Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị, cơ quan liên quan rà soát lại khuôn khổ pháp lý, báo cáo, có biện pháp cụ thể xử lý ngay các vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị cần đánh giá cụ thể từng dự án, vướng mắc ở đâu, khó khăn chỗ nào, khả năng đáp ứng được tiến độ đến đâu. Trong trường hợp không đáp ứng được về mặt tiến độ thì giải pháp nào thay thế là gì, nếu nhập khẩu điện thì nhập khẩu ở nguồn nào, giá cả ra sao, khả năng đấu nối ra sao?
“Nếu sử dụng năng lượng tái tạo điện mặt trời, điện gió để thay thế thì khả năng đáp ứng được đến đâu, có những vướng mắc khó khăn hay cần phải điều chỉnh cơ chế, chính sách gì…”, Bộ trưởng đặt vấn đề.
Vụ Seven.AM bị tố cắt mác Trung Quốc: Tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm để điều tra
Số hàng của hãng thời trang Seven.AM bị thu giữ nhằm điều tra làm rõ. |
Ngày 11/11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chia thành 5 tổ tiến hành kiểm tra 5 địa điểm kinh doanh Thương hiệu thời trang Seven.AM .
Qua kiểm tra, tổng số hàng hóa tại 5 cơ sở là 9.035 sản phẩm gồm: 5445 chiếc đầm, 409 chiếc chân váy, 1.902 chiếc áo khoác, 838 chiếc áo, 279 chiếc quần, 124 bộ quần áo, 24 túi xách và 14 chiếc ví.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ các cửa hàng kinh doanh đều không xuất trình được đầy đủ hoá đơn chứng minh nguồn gốc hàng hoá. Đồng thời, chưa công bố hợp quy cho sản phẩm để đưa ra lưu thông theo quy định. Chính vì vậy, Cục quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành tạm giữ toàn bộ sản phẩm để điều tra, làm rõ.
Cùng với đó, cơ quan quản lý thị trường cũng đã tiến hành lấy 3 mẫu sản phẩm để giám định chất lượng.
Theo Dân trí