Tính khó đoán của Trump gây hoài nghi cho Hàn Quốc
Sau khi Trump rút quân khỏi Syria và tiếp tục thúc giục Hàn Quốc tăng đóng góp chi phí quân sự, hoài nghi đã nhanh chóng tăng lên ở Seoul.
"Rủi ro nhân tố Trump" là thuật ngữ nghị sĩ Won Yoo-chul dùng để mô tả nguy cơ ông phải bật dậy lúc nửa đêm vì Tổng thống Mỹ đột ngột tuyên bố rút quân khỏi Hàn Quốc trên Twitter. Mối lo ngại càng gia tăng sau khi Trump yêu cầu Seoul tăng gấp 5 lần "phí bảo vệ" cho quân đội Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc.
Không chỉ Hàn Quốc có cảm giác này. Quyết định bất ngờ từ chính quyền Trump rút binh sĩ khỏi khu vực biên giới Syria, bỏ rơi người Kurd, đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã làm xói mòn niềm tin đặt vào nước Mỹ cũng như cam kết của họ đối với các đồng minh khác, từ Israel đến những quốc gia vùng Baltic.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Trại Bonifas ở Hàn Quốc hồi tháng 6. Ảnh: AP. |
"Nếu Mỹ đột ngột rút quân, chiếc ô hạt nhân của chúng tôi sẽ biến mất", Won nói. "Chuyện gì sẽ xảy ra với sự an toàn của người dân Hàn Quốc?"
Won và nghị sĩ đối lập Baek Seung-joo hồi tháng 9 từng kêu gọi Hàn Quốc đề ra chiến lược hạt nhân mới, đề xuất bố trí vũ khí hạt nhân tại nước này dưới sự chỉ huy chung của các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc, giống như việc các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chia sẻ vũ khí hạt nhân Mỹ.
Một số người khác thậm chí còn đi xa hơn, nêu lại ý tưởng về việc Hàn Quốc sẽ phải tự phát triển khả năng răn đe hạt nhân của riêng mình.
"Tổng thống Trump là lãnh đạo khó đoán nhất trên thế giới", Baek nói. "Tôi thấy lo lắng khi nghe những lời lẽ của Trump lúc ông thông báo rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria".
Hai năm qua, Trump vẫn nói Hàn Quốc "là một quốc gia giàu có" nhưng không trả đủ chi phí cho 28.500 binh sĩ Mỹ đang đóng quân trên bán đảo.
Sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore năm 2018, Trump tuyên bố "lúc nào đó" sẽ đưa quân đội Mỹ ở Hàn Quốc về nước, đồng thời kêu gọi chấm dứt các cuộc tập trận chung "mang tính khiêu khích" và "rất tốn kém" giữa Washington và Seoul.
Dù các quan chức cấp cao đã cố gắng thuyết phục Trump rằng sự hiện diện của lính Mỹ ở Hàn Quốc phục vụ những lợi ích chiến lược lớn hơn, ông chủ Nhà Trắng, theo lời Bộ Ngoại giao Mỹ, vẫn quả quyết "Hàn Quốc rõ ràng có thể và nên đóng góp nhiều hơn" cho chi phí an ninh.
Những người ủng hộ Trump cho rằng ông có lý. Tới năm 2010, Hàn Quốc đã trả hơn một nửa chi phí hàng ngày cho sự hiện diện của quân đội Mỹ, bao gồm lương và những chi phí hậu cần khác, nhưng đến năm 2018, tỷ lệ này giảm xuống còn 41%.
Nhưng Hàn Quốc lập luận rằng họ đã cung cấp đất miễn phí cho Mỹ xây dựng các căn cứ, chi hàng tỷ USD mỗi năm mua sắm thiết bị quân sự Mỹ và góp 92% trong 10,7 tỷ USD chi phí di chuyển căn cứ quân sự chính của Mỹ ra khỏi Seoul tới Trại Humphrey ở Pyeongtaek, cách thủ đô khoảng 65 km về phía nam.
Năm ngoái, Hàn Quốc từ chối tăng tỷ lệ đóng góp chi phí an ninh theo yêu cầu từ phía Mỹ. Đến tháng hai năm nay, họ mới đồng ý tăng mức đóng góp thêm 8,2%, đạt khoảng 900 triệu USD. Nhưng thỏa thuận chỉ có thời hạn một năm, không phải 5 năm như thông thường.
Nhưng lần này, chính quyền Trump quyết tâm đạt được điều mình mong muốn. Họ yêu cầu Hàn Quốc tăng 5 lần khoản đóng góp, đồng nghĩa Seoul phải chi 2,2 tỷ USD cho ngân sách hoạt động và bảo trì, cùng 2 tỷ USD khác cho lương của đội ngũ nhân viên hoạt động trong các căn cứ Mỹ.
Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người dân Hàn Quốc đều ủng hộ liên minh và sự hiện diện của binh sĩ Mỹ, nhưng rất ít người nghĩ Seoul nên chi nhiều hơn để nhận được sự bảo vệ từ Washington. Một nhóm nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền tháng trước khẳng định họ sẽ phản đối quốc hội phê chuẩn bất kỳ thỏa thuận nào "không công bằng" và không thể chấp nhận được với người dân Hàn Quốc.
Cả Mỹ và Hàn Quốc lâu nay vẫn mô tả mối quan hệ giữa hai nước là "được xây lên từ máu" sau khi quân đội đôi bên cùng chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Nhưng theo nghị sĩ Won và Baek, tinh thần đồng minh truyền thống này đang bị suy yếu khi Trump không ngừng tập trung vào vấn đề tiền bạc.
"Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc không phải lính đánh thuê", Won nói.
Victor Cha, cố vấn cấp cao về Triều Tiên dưới thời tổng thống Mỹ George W. Bush, hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đã cảnh báo về kịch bản Trump chấp nhận một thỏa thuận hạt nhân tồi tệ với Triều Tiên để tuyên bố về "thắng lợi lớn" và quyết định Mỹ không cần triển khai quá nhiều binh sĩ ở Hàn Quốc nữa.
Việc cố vấn an ninh quốc gia có quan điểm cứng rắn John Bolton bị sa thải càng khiến viễn cảnh này dễ xảy ra, ông nhận định. "Và rồi thỏa thuận chia sẻ chi phí giữa Mỹ và Hàn Quốc thất bại. Một cơn bão hoàn hảo sẽ kéo tới khi mà Trump nói 'Được thôi, tôi đã thỏa thuận với Triều Tiên và bạn thì không muốn trả tiền, vậy nên tôi sẽ rút toàn bộ hoặc một phần binh sĩ về nước".
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ có một điều kiện là quân số Mỹ tại Hàn Quốc chỉ có thể bị cắt xuống dưới 22.000 người khi bộ trưởng quốc phòng xác nhận rằng bước đi này "không làm ảnh hưởng đáng kể tới an ninh của các đồng minh Mỹ ở khu vực" và rằng các đồng minh đã được tham vấn. Trong trường hợp đó, hy vọng lớn nhất giúp ngăn chặn một cuộc rút quân quy mô có thể nằm ở Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, giới chuyên gia đánh giá.
Những mối lo ngại trước cam kết bảo vệ Hàn Quốc của Trump đã gia tăng trong năm nay sau khi ông nói rằng việc Bình Nhưỡng liên tiếp thử tên lửa đạn đạo là không nghiêm trọng, dù chuyên gia đánh giá vũ khí Triều Tiên được thiết kế đặc biệt để né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa Hàn Quốc.
Tổng thống Trump (trái) gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu Phi quân sự liên Triều ngày 30/6. Ảnh: AP. |
Nhưng căng thẳng trong liên minh Mỹ - Hàn không chỉ nảy sinh từ phía Nhà Trắng.
Tướng Vincent Brooks, cựu tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, lưu ý rằng "một làn sóng chủ nghĩa dân tộc tiến bộ đang gia tăng nhanh chóng" ở Hàn Quốc, khi nhiều người tin rằng họ không nên "quá gắn chặt hay phụ thuộc vào Mỹ trong vấn đề an ninh, cả về quốc phòng lẫn kinh tế".
Xu hướng trên hiện diện ngay trong chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in, người hồi tháng 8 khiến Washington tức giận vì rút khỏi hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản.
Kết quả là các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí quốc phòng có "nhiều chi phí chính trị hơn" so với trước đây, với sự tham gia trực tiếp từ cả Nhà Trắng và Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn), Brooks cho hay.
Theo ông, sự gắn kết của liên minh Mỹ - Hàn hiện vẫn mạnh mẽ, nhưng những hoài nghi đang nổi lên.
Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc về ngoại giao và an ninh quốc gia, cho biết nhiều người dân Hàn Quốc lo lắng rằng Washington không nỗ lực thực sự để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, trong khi vẫn yêu cầu Seoul trả thêm chi phí duy trì binh sĩ và mua thêm thiết bị quân sự Mỹ.
"Nói cách khác, uy tín của người Mỹ đang suy giảm. Mỹ đang đòi nhiều tiền hơn còn người dân Hàn Quốc thì khó chịu. Họ chắc chắn sẽ có nghi ngờ sâu sắc về động cơ của Mỹ", Moon nhấn mạnh.
Theo VNE