Nâng cao nghiên cứu và giảng dạy các môn lý luận chính trị trong bối cảnh hiện nay
(PetroTimes) - Ngày 7/11, tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy các môn lý luận chính trị trong bối cảnh hiện nay”.
Với sứ mạng trang bị cho người học thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, xây dựng ý thức công dân, năng lực làm chủ trong các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, các môn lý luận chính trị có vị trí quan trọng trong chương trình đào tạo của các trường đại học. Tuy nhiên, việc thực hiện sứ mạng đó đang gặp không ít khó khăn, thách thức do bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra.
Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các giảng viên Lý luận chính trị ở các trường đại học trong triển khai giảng dạy chương trình, giáo trình mới các môn Lý luận chính trị trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0, theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD&ĐT…
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên Bùi Văn Linh nhấn mạnh: Công tác giáo dục Lý luận chính trị, các môn Khoa học Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là cấu phần có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân; vượt qua khỏi nhiệm vụ cung cấp kiến thức thuần túy mà còn trang bị thế giới quan, nhận thức, bản lĩnh chính trị cho học sinh sinh viên.
Thời gian vừa qua Đảng, Nhà nước, Hội đồng lý luận Trung ương đã đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu và giảng dạy các môn lý luận chính trị. Trước tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, đối mặt với can thiệp, chống phá của các thế lực thù địch với nhiều hình thức tinh vi, “diễn biến hòa bình”; với bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi hơn 24 triệu cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh sinh viên phải luôn phải học tập, bồi dưỡng và nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị vững vàng
Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức giảng dạy, gắn lý luận với các vấn đề thực tiễn đời sống xã hội để sinh viên thảo luận; tạo dự hứng thú, hăng say học tập cho sinh viên… Đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị có vai trò đặc biệt trong việc đào tạo ra thế hệ sinh viên vừa “hồng” vừa “chuyên”, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa thành công...
Bộ GD&ĐT mong muốn tiếp thu những ý kiến liên quan đến các vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, giảng dạy các môn lý luận chính trị. Đánh giá thực trạng giảng dạy, học tập các môn Lý luận chính trị trong các trường đại học, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, giảng dạy các môn học này. Kết quả của buổi Hội thảo sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học các môn lý luận chính trị tại các trường đại học, đặc biệt là việc triển khai dạy học theo chương trình mới.
Tại hội thảo, các giảng viên lý luận chính trị, các nhà khoa học hiện đang công tác tại các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu trong cả nước chia sẻ, tham luận, phát biểu với các nội dung: Thời đại ngày nay và những thách thức đang đặt ra đối với việc nghiên cứu, giảng dạy các môn Lý luận chính trị; Đánh giá thực trạng giảng dạy, học tập các môn Lý luận chính trị trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị; Đề xuất kiến nghị với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT, các Trường Đại học trong quá trình triển khai giảng dạy các môn lý luận chính trị theo chương trình, giáo trình mới...
N.H