Chuyên gia: Hành động của Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam vi phạm luật quốc tế
Chuyên gia Bill Hayton cho rằng Trung Quốc đã vi phạm luật biển quốc tế khi tiến hành các hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam thời gian vừa qua.
Chuyên gia Bill Hayton tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 tại Hà Nội (Ảnh: Thành Đạt) |
Bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” ngày 6/11, phóng viên Dân Trí đã có cuộc phỏng vấn với ông Bill Hayton, chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình châu Á - Thái Bình Dương Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) về vấn đề Biển Đông.
Kể từ tháng 7, Trung Quốc liên tục đưa tàu khảo sát và các tàu hộ tống xâm phạm vùng biển của Việt Nam, đồng thời tiến hành các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về những động thái này của Trung Quốc?
Rõ ràng các hành động của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Trung Quốc hành xử hung hăng, ngay cả khi phán quyết của tòa trọng tài thường trực từng tuyên bố Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” đối với cái gọi là “đường chín đoạn” theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc rõ ràng vẫn hành xử theo hướng ngược lại.
Theo ông, mục đích của Trung Quốc là gì khi tiến hành các hoạt động phi pháp trong vùng biển của Việt Nam?
Có hai mục đích chính cho các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thứ nhất, Trung Quốc muốn ngăn các công ty dầu khí hợp tác với Việt Nam hoặc các nước ASEAN khác cũng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông tại những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố thuộc lãnh thổ của họ.
Thứ hai, tôi nhận định đây là thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi tới các nước trong khu vực, những nước cũng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, rằng Trung Quốc là lực lượng bá quyền tại vùng biển này và họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn. Đây có thể là một lời cảnh báo của Trung Quốc.
Ông đánh giá như thế nào về tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN?
Tôi khá hoài nghi về việc COC sẽ đạt được kết quả thực chất như thế nào. Mục tiêu từ phía ASEAN khi đàm phán COC là hạn chế và kiềm tỏa hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc không đi theo mục tiêu này. Tiến trình đàm phán COC có thể mất nhiều thời gian. Tôi không nghĩ là tiến trình này sẽ sớm kết thúc.
Theo ông, Việt Nam nên làm gì để đối phó với hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông?
Việt Nam cần tập hợp nhiều bên ủng hộ nhất có thể để thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông, chẳng hạn việc tổ chức hội thảo Biển Đông lần này. Việt Nam cần có thêm sự ủng hộ từ ASEAN, nhất là khi Việt Nam trở thành chủ tịch của ASEAN đầu năm tới.
Là chủ tịch ASEAN, Việt Nam có lợi thế trong việc sắp xếp chương trình nghị sự cũng như các cuộc họp và thảo luận. Đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam để trao đổi vấn đề Biển Đông.
Việt Nam có nhiều sự ủng hộ của bạn bè nhất có thể, trong đó Mỹ có thể xem là một nhân tố quan trọng.
Vai trò của ASEAN trong việc giúp Việt Nam giải quyết vấn đề Biển Đông?
Nếu ASEAN có thể đạt được sự đồng thuận trong vấn đề Biển Đông, đây sẽ là lợi thế rất lớn cho Việt Nam. Bài toán đặt ra bây giờ là cần tìm cách thuyết phục một số thành viên ASEAN trong vấn đề Biển Đông, khi một số nước như Lào, Myanmar hay Campuchia không có mối quan tâm trực tiếp tới vùng biển này.
Tuy nhiên, với tư cách là các thành viên trong cùng một khối, các nước ASEAN có thể hỗ trợ lẫn nhau. ASEAN cũng cần trở thành một khối độc lập và không phụ thuộc vào các cường quốc.
Ông có cho rằng Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế như cách Philippines từng làm hay không?
Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 được đưa ra cho vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, không liên quan trực tiếp tới Việt Nam. Nếu Việt Nam muốn sử dụng phán quyết của tòa trọng tài, Việt Nam có thể đệ đơn kiện.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân trí