Thấy gì qua vụ phóng viên Hoàng Khương bị khởi tố?
Vụ án "Đưa hối lộ cho Cảnh sát giao thông nhằm giải cứu xe đua trái phép" đang bước vào giai đoạn điều tra "nhạy cảm" với việc hôm 2/1/2012 vừa qua Công an TP HCM bắt giam về hành vi "Đưa hối lộ" đối với Nguyễn Văn Khương, tức nhà báo Hoàng Khương (Báo Tuổi Trẻ) người từng trực tiếp điều tra phanh phui vụ việc này trước công luận.
>> Phóng viên báo Tuổi Trẻ bị bắt tạm giam vì tội “đưa hối lộ”
Rồi đây hành vi liên can, mức độ sai phạm của Hoàng Khương sẽ được làm rõ bằng sự công tâm của các cơ quan tố tụng. Mong rằng đây là bài học kinh nghiệm cho các phóng viên điều tra nhằm tránh các sai phạm nghiệp vụ và dính líu đến pháp luật khi "can thiệp sâu” vào các vụ điều tra tiêu cực…
Theo những gì được biết về nhà báo Hoàng Khương (sinh năm 1974, quê gốc Quảng Trị, thường trú phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM, khoảng năm 2005 về công tác tại Báo Tuổi Trẻ. Với bút danh Hoàng Khương anh được biết đến với những loạt bài phản ánh, phóng sự điều tra nhằm phanh phui nạn mãi lộ, chung chi của Cảnh sát giao thông (CSGT) hoặc các bài viết chống tiêu cực, nhũng nhiễu trong các ngành hải quan, thuế, quản lý thị trường, đăng kiểm…
Trở lại vụ án “Đưa hối lộ cho CSGT nhằm giải cứu xe đua trái phép”, công bố của Cơ quan điều tra công bố và bản tường trình của Hoàng Khương có thể thấy, đây không chỉ là “tai nạn nghề nghiệp” đối với nhà báo này mà còn là sự “can thiệp sâu” có dính líu đến hành vi phạm tội “đưa hối lộ” khi tham gia vào quá trình điều tra viết bài chống tiêu cực. Thế mà dù không có những căn cứ gì gọi là xác đáng, chỉ dựa trên sự phán xét chủ quan, một số diễn đàn trên mạng Internet lợi dụng vụ việc này để rêu rao xuyên tạc, bôi nhọ lực lượng Công an nhân dân khi cho rằng, đây là hành động trả thù của Công an TP HCM sau những loạt bài “chống tiêu cực mạnh mẽ” của Hoàng Khương nhằm vào lực lượng Công an.
Bài báo “CSGT giải cứu xe đua trái phép” của Hoàng Khương đăng trên trang 4 Báo Tuổi Trẻ ngày 10/7/2011, phản ánh một đối tượng đang bị Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) tạm giữ xe do lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự… đã thông qua “cò” là Tôn Thất Hòa (Giám đốc DNTN Duy Nguyên chuyên kinh doanh vận tải quen biết nhiều CSGT) để nhờ vả Thượng úy Huỳnh Minh Đức thuộc Đội CSGT quận Bình Thạnh giúp giải tỏa xe sớm mà không bị kiểm điểm trước tổ dân phố. Huỳnh Minh Đức ra giá “mười mấy chai” rồi sau đó nhận tiền, giao trả xe.
Bài báo còn có cả hình ảnh do tác giả chụp cảnh Thượng úy Đức nhận tiền hối lộ (nhưng là ảnh giả do em vợ đóng thế). Thế nhưng, từ lời khai của những đối tượng liên quan, Cơ quan điều tra còn phát hiện ra một sự thật phức tạp hơn những gì bài báo đã nêu. Chính điều này khiến Cơ quan điều tra cáo buộc rằng hành vi sai phạm của nhà báo Hoàng Khương cùng với Tôn Thất Hòa là cố ý, có chủ định từ trước nhằm mục đích để lấy bằng được chiếc xe vi phạm cho người quen. Hoàng Khương cùng với Tôn Thất Hòa đã chủ động gợi ý nhờ vả, đưa hối lộ 15 triệu đồng cho Huỳnh Minh Đức. Khi Đức nhận tiền rồi giao xe không trả lại giấy đăng ký xe, Khương đã lợi dụng cương vị là nhà báo để viết bài, đăng báo, nhằm mục đích ép Đức thực hiện đến cùng hành vi trái pháp luật. Hành vi của Khương đã cấu thành tội “Đưa hối lộ” được quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự.
Theo hồ sơ điều tra của Công an TP HCM thì có thể thấy rằng, Hoàng Khương đã “can thiệp sâu” vào quá trình chung chi, hối lộ cho Huỳnh Minh Đức để “giải cứu” xe đua. Với nhận định như vậy, nhà báo này đã tạo ra một tình huống đẩy đưa người CSGT vào hoàn cảnh phạm tội.
Về phía nhà báo Hoàng Khương, trước đó, trong tường trình có thừa nhận sai sót nghiệp vụ liên quan đến công đoạn cầm biên bản và tiền nộp phạt của đối tượng đua xe để đưa cho Tôn Thất Hòa nhằm chuyển cho Huỳnh Minh Đức. Khương giải thích do bị áp lực, căng thẳng trong quá trình tác nghiệp, tình huống xảy ra rất nhanh, bất ngờ, bản thân Tôn Thất Hòa hối thúc phải lấy biên bản và tiền nộp phạt gấp… Trong bối cảnh ấy Khương đã vội vàng cầm biên bản và tiền đưa vào mà không để tự Tôn Thất Hòa ra ngoài lấy”.
Hoàng Khương cũng phủ nhận quy buộc của Cơ quan điều tra khi cho rằng bản thân mình “không trao đổi gì với Huỳnh Minh Đức về việc đòi trả lại giấy tờ xe và không lợi dụng cương vị của mình là nhà báo để viết bài đăng báo nhằm mục đích ép Đức thực hiện đến cùng hành vi trái pháp luật”. Khương phân trần nếu động cơ là để trục lợi cá nhân hoặc có những mục đích không chân chính thì chắc chắn đã không nộp bài để đăng báo công khai…
Những cáo buộc của Cơ quan điều tra sẽ được làm rõ sau này khi có phán xét từ tòa án. Thế nhưng nếu xét về mặt nghiệp vụ, điều mà mọi người dễ dàng nhận thấy rằng việc nhà báo Hoàng Khương “can thiệp sâu” nhằm tìm kiếm bằng cớ để chứng minh rằng CSGT nhận tiền hối lộ không phải cách làm tối ưu thậm chí còn có thể thấy đó là một hành động đầy rủi ro. Dù nhà báo nhân danh mục đích tích cực gì đi nữa để “giúp sức” cho kẻ môi giới đưa hối lộ cho CSGT rồi lén ghi âm, chụp ảnh vẫn được cho là không ổn trong một số trường hợp nhất định. Phóng viên thâm nhập thực tế để chứng kiến tận mắt, ghi âm chụp ảnh hành vi của đối tượng để bài báo xác thực hơn, hấp dẫn hơn, có sức thuyết phục là một cách tác nghiệp có thể chấp nhận được, nhưng nhập cuộc tới mức “can thiệp sâu” để gây ra vụ chung chi, đưa nhận hối lộ thì vượt quá chức năng của một nhà báo. Và lẽ tất nhiên, pháp luật cũng không thể chấp nhận chuyện nhà báo tham gia gài bẫy, để đạo diễn một vở kịch, để tạo ra miếng mồi cho con mồi vào tròng.
Bằng việc “can thiệp sâu”, nhà báo Hoàng Khương đã tác động chủ quan vào vụ nhận hối lộ tạo chứng cứ để đăng báo nên việc phản ánh không thể trung thực trên Báo Tuổi Trẻ. Trong rất nhiều trường hợp, sử dụng thủ pháp “can thiệp sâu” như cách làm của Hoàng Khương là cách điều tra không đàng hoàng, mang tính gài bẫy.
Viết báo đấu tranh chống tiêu cực là công việc không hề đơn giản, để điều tra chống tiêu cực, nhũng nhiễu trong lực lượng CSGT lại càng khó khăn phức tạp hơn. Chính vì thế, để có những bài điều tra tiêu cực khách quan khiến cho dư luận và cơ quan chức năng "tâm phục khẩu phục” thì đòi hỏi các nhà báo tra không chỉ nắm vững mà cần hiểu rõ các quy định của pháp luật, cái gì được làm, cái gì không được làm để tác nghiệp mà không phải vướng hệ lụy về sau. Dù đấu tranh chống tiêu cực nhưng nhà báo vẫn phải sử dụng những phương thức được pháp luật cho phép và không làm trái đạo đức nghề nghiệp.
Thế Vinh