Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa: Có sách lược bảo vệ chủ quyền trong từng tình huống
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, chúng ta kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, nhưng trong từng tình huống cụ thể phải có sách lược phù hợp, phải khẳng định tính đúng đắn tính chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc của đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế.
Trực tiếp phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội
Sáng 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Phát biểu tại, đây, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (đại biểu đoàn Tiền Giang) tham gia ý kiến về vấn đề được cử tri nhân dân và đại biểu rất quan tâm, đó là tình hình về Biển Đông.
Về tình hình quốc phòng, an ninh, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm. Cụ thể, lần đầu tiên trong phiên khai mạc Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khẳng định điều này và trong báo cáo kinh tế - xã hội Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định về việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng tổ quốc.
“Có thể khẳng định, trong thời gian qua, quốc phòng, an ninh đối ngoại của chúng ta được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Lắng nghe phát biểu quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, có thể khẳng định rằng Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn quan tâm, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo”, đại biểu Nghĩa nói.
Thướng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đoàn Tiền Giang phát biểu tại hội trường |
Theo đại biểu đoàn Tiền Giang, các lực lượng thực thi nhiệm vụ đã thực hiện đúng đường lối, quan điểm của Đảng và đối sách của Đảng, đó là kiên quyết kiên trì bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích quốc gia dân tộc. Đồng thời giữ được môi trường hòa bình, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế và xã hội.
Tại hội trường, đại biểu cũng nhắc lại quan điểm của Thủ tướng Chính phủ, những vấn đề thuộc về độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ chúng ta quyết không nhân nhượng, nhưng phải có đối sách phù hợp với truyền thống văn hóa của chúng ta. “Điều này đã khẳng định đường lối quan điểm đó là đúng đắn. Có thể khẳng định rằng mỗi người dân Việt Nam ai cũng có khát vọng để vươn lên”, đại biểu Nghĩa nói thêm.
Theo đại biểu, chúng ta kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, nhưng trong từng tình huống cụ thể phải có sách lược phù hợp, phải khẳng định tính đúng đắn tính chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc của đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế.
“Lịch sử pháp lý chính là một trong những căn cứ rất quan trọng để khẳng định tính chính nghĩa của chúng ta, khẳng định chủ quyền của chúng ta. Cụ thể đó là Hiến chương Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và các luật pháp các điều ước khác mà Việt Nam chúng ta đã cam kết”, đại biểu Nghĩa bày tỏ.
Ngoài ra, theo đại biểu, chúng ta phải thông qua công tác tuyên truyền phải kết hợp với đấu tranh thực địa, đồng thời phải hết sức quan tâm đến giữ vững ổn định chính trị trong nước và các giải pháp kinh tế. Chúng ta càng phải đa dạng hóa hơn để xử lý chủ động được các tình huống trong khi chúng ta bảo vệ chủ quyền của chúng ta.
Thảo luận tại hội trường về vấn đề kinh tế - xã hội, đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành sớm có giải pháp khắc phục khoảng trống những hạn chế trong việc bảo vệ quyền trẻ em, bảo đảm nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Đại biểu đề nghị Quốc hội điều chỉnh tuổi trẻ em trong Luật trẻ em cho phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn nhằm bảo vệ tốt hơn nhóm trẻ em từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bảo đảm tương thích với chính sách của các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vì hầu hết các nước đều coi nhóm người này vừa là trẻ em vừa là thanh niên. Theo đại biểu, vấn đề trên đã được Chính phủ đã trình khi xem xét về Luật trẻ em năm 2016.
Đại biểu biểu đoàn Quảng Ninh cũng đề nghị các cơ quan tư pháp sớm ban hành hướng dẫn về công tác điều tra, giám định pháp y về việc nhận diện những vấn đề mới về trẻ em. Đồng thời cần sớm hoàn thiện dự án luật về tư pháp cho người chưa thành niên để bảo vệ tốt nhất trẻ em là nạn nhân, nhân chứng, quy định cụ thể về các vấn đề điều tra, truy tố, xét xử thân thiện.
Theo Dân trí