Gia tăng vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình trên Internet
(PetroTimes) - Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), tình trạng vi phạm bản quyền phim và các chương trình truyền hình trên Internet diễn ra phức tạp, ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Cảnh báo tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam |
Hội Xuất bản Việt Nam tuyên chiến với vi phạm bản quyền |
Sẽ thanh tra tình trạng vi phạm bản quyền báo điện tử |
Cụ thể quý III/2019, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã tiếp nhận khiếu nại về vi phạm bản quyền phim của chủ sở hữu là công ty VietContent đối với các websites: kenhvideo.com, vtv16.com, phim33.com, vuviphim.com, phim7z.com, khoai.tv, phimvn2.com, vietsubtv.com, phimvtv3.net, vophim.com, phim3s.pw, bomtan.net…
Các website nêu trên dùng giao diện tiếng Việt, có tên miền quốc tế, sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây có địa chỉ IP máy chủ tại Mỹ. Thậm chí, còn quảng cáo đánh bạc trực tuyến trái phép, liên kết tới các website “đen”.
Nhiều phim truyền hình "hot" bị vi phạm bản quyền trên Internet |
Đây thực sự là vấn đề bức xúc, nhất là về vi phạm bản quyền trên Internet. Tuy nhiên, cái khó của cơ quan chức năng là không thể xử lý triệt để bởi các trang điện tử nói trên phần lớn sử dụng tên miền quốc tế, sử dụng máy chủ lưu trữ của nước ngoài (như Cloudfare - nhà cung cấp có hàng trăm trung tâm dữ liệu trên khắp thế giới). Ngoài ra, đối tượng sở hữu những trang web vi phạm đều ẩn danh hoặc khai báo thông tin không đúng, gây khó khăn trong việc xử lý.
Trước thực trạng trên, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử khuyến nghị chủ sở hữu các chương trình bị xâm phạm bản quyền cần chủ động tự bảo vệ bản quyền nội dung bằng các biện pháp kĩ thuật và pháp lý, phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát hiện và chặn vi phạm bản quyền.
Có thể bằng các biện pháp cụ thể như chuẩn bị hồ sơ đầy đủ gồm: tài liệu chứng minh sở hữu bản quyền đối với bản quyền nội dung, bằng chứng vi phạm kèm theo các cảnh báo vi phạm bản quyền đã gửi chủ thể vi phạm bản quyền nội dung thuộc sở hữu của đơn vị.
Bởi theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm điện ảnh, tác phẩm báo chí… là đối tượng bảo hộ về bản quyền tác giả. Do đó, hành vi sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật; truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kĩ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả… là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Nguyễn Anh