Hà Nội: Gần 2.000 sản phẩm trái cây có thể truy xuất nguồn gốc
(PetroTimes) - Ngày 29/10, Sở Công Thương Hà Nội vừa công bố thông tin rà soát kết quả 3 năm (2016-2019) triển khai các chương trình, đề án bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Đáng chú ý là có tới gần 2.000 sản phẩm trái cây có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có 807 cửa hàng kinh doanh trái cây. Trong đó, 805 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp đăng ký kinh doanh; 3.087 người đã thực hiện khám sức khỏe theo quy định; 3.087 người đã được cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP; 805 cửa hàng đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết bảo đảm ATTP; 805 cửa hàng có trang thiết bị đảm bảo bảo quản trái cây;
Người tiêu dùng có thể trực tiếp truy xuất nguồn gốc trái cây bằng mã QR |
Mặt khác cũng có tới 757 cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng trái cây; 805 cửa hàng có quầy, kệ trưng bày trái cây; 753 cửa hàng có trang thiết bị vận chuyển trái cây; 805 cửa hàng có thiết bị vệ sinh cơ sở; 805 cửa hàng có giấy tờ chứng minh nguồn gốc trái cây; 646 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây; 805/807 cửa hàng kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện…
Trong công tác xây dựng tuyến phố văn minh, đã xây dựng được 40 tuyến phố văn minh không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè thuộc 12 quận (Thanh Xuân: 11 tuyến, Hà Đông: 5 tuyến, Cầu Giấy: 8 tuyến, Đống Đa: 4 tuyến, Hoàn Kiếm: 4 tuyến, Hoàng Mai: 2 tuyến....). Các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, không để tình trạng kinh doanh dưới lòng đường, vỉa hè đối với các tuyến phố còn lại của 12 quận.
Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với sở, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Đề án “Quản lý, đầu tư cải tạo và phát triển chợ trên địa bàn TP Hà Nội”. Một trong những nội dung của Đề án này là bảo đảm ATTP tại chợ đồng thời tháo gỡ các cơ chế chính sách để đầu tư, cải tạo các chợ nhằm đảm bảo tốt công tác ATTP. Trong đó đáng lưu ý là việc định hướng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ATTP...
Liên quan đến công tác phối hợp triển khai hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm của thành phố, Sở Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và Phát triển xây dựng, đưa vào sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm của Hà Nội, giới thiệu các cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển nhận diện kinh doanh trái cây an toàn tham gia hệ thống.
Đồng thời, tổ chức 2 hội nghị tập huấn về quy trình xác thực chống hàng giả trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã hình QRcode và quản trị hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm cho đại diện UBND các quận, huyện, thị xã và khoảng 200 doanh nghiệp kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có 1.156 doanh nghiệp, hợp tác xã, cửa hàng kinh doanh trái cây với gần 2.000 sản phẩm tham gia giới thiệu, có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, quy trình nuôi trồng...
Tùng Dương