Kinh hoàng với thuốc nổ TNT
Dư luận không khỏi ngỡ ngàng khi chưa đầy 2 tháng đã có hai vụ án liên quan đến thuốc nổ TNT xảy ra...
Hai vụ nổ đều là thuốc TNT
Liên quan đến vụ án đối tượng Nguyễn Đức Tiềm (34 tuổi, ở thôn Kim Đào, xã Duy Tân, huyện Kim Môn, Hải Dương) cài thuốc nổ TNT vào xe máy giết hại 3 mẹ con chị dâu là Nguyễn Thị Quỳnh (SN 1982, ở Nam Sơn, Bắc Ninh) sáng 1/12/2011. Hậu quả khiến thai phụ Quỳnh và cháu Nguyễn Khánh Vân thiệt mạng.
Đây là một vụ án rất nghiêm trọng, gây xôn xao, hoang mang dư luận. Ngoài việc cài thuốc nổ giết chết 3 mẹ con chị Quỳnh, một người bạn thân của Tiềm còn chết hụt, bị cụt chân do bị Tiềm cài thuốc nổ TNT vào xe máy năm 2010. Chính vì vậy, Cơ quan CSĐT đang tích cực truy tìm nguồn gốc loại thuốc nổ trên để nhanh chóng hoàn tất những thủ tục có liên quan để sớm đưa vụ án ra xét xử.
Cũng liên quan đến loại thuốc nổ này, khoảng 2h20 rạng sáng ngày 7/1, trước căn nhà số 191 đường Lương Ngọc Quyến (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), là nhà của Đại tá Nguyễn Như Tuấn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên cũng xảy ra một vụ nổ lớn.
Vụ nổ đã khiến nhà ông Tuấn bị tung toàn bộ cửa ngoài và một phần phòng ngoài cùng bị vỡ, nứt. Toàn bộ cửa kính của các nhà lân cận trong bán kính hàng gần 50 m từ nhà ông Tuấn đều bị vỡ. Qua khám nghiệm hiện trường, Công an tỉnh Thái Nguyên xác định vụ nổ tại nhà ông Tuấn do mìn gây ra. Thuốc nổ được sử dụng trong vụ nổ này là thuốc nổ TNT.
Thước đo tiêu chuẩn sức công phá
Theo một số chuyên gia nhận định, thuốc nổ TNT (còn gọi tôlit, hoặc trinitrotoluen) là một hợp chất hóa học có công thức C6H2(NO2)3CH3, danh pháp IUPAC: 2-methyl-1,3,5-trinitrobenzen. Chất rắn màu vàng này là một loại chất thử trong hóa học nhưng nó là loại chất nổ nổi tiếng được dùng trong lĩnh vực quân sự. Sức công phá của TNT được xem là thước đo tiêu chuẩn về sức công phá của các quả bom và của các loại thuốc nổ khác.
TNT độc hại với con người và khi tiếp xúc với da có thể làm da bị kích thích làm cho da chuyển sang màu vàng. Những người làm việc, tiếp xúc nhiều với TNT sẽ dễ bị bệnh thiếu máu và dễ bị bệnh về phổi. Những ảnh hưởng về phổi và máu và những ảnh hưởng khác sẽ phát triển dần và tác động vào hệ thống miễn dịch, nó cũng được phát hiện thấy ở những động vật đã ăn hay hít thở phải TNT.
Có các bằng chứng về sự ảnh hưởng bất lợi của TNT đối với khả năng sinh sản của đàn ông, đồng thời TNT cũng được ghi vào danh sách các chất có khả năng gây ung thư cho con người. Việc ảnh hưởng của TNT làm nước tiểu có màu đen. Một số khu đất thử nghiệm của quân đội đã bị nhiễm TNT. Nước thải từ vũ khí, bao gồm nước mặt và nước ngầm, có thể chuyển thành màu tím bởi sự hiện diện của TNT. Những sự ô nhiễm như vậy, gọi là "nước tím”, có thể rất khó khăn và tốn kém để xử lý.
T. Minh