Đại biểu kiến nghị cách xử lý cán bộ tham nhũng bỏ trốn
(PetroTimes) - Đại biểu Y Nhàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, đề nghị nên quy định với trường hợp vi phạm pháp luật mà có dấu hiệu bỏ trốn hoặc xét thấy cần thiết ngăn chặn là quyết định tạm hoãn xuất cảnh ngay không cần phải là hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng như quy định của dự thảo.
Mở đầu phiên họp buổi chiều, các đại biểu Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Phát biểu tại hội trường, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng dự thảo đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, một số nội dung các đại biểu cho rằng vẫn cần tiếp tục được sửa đổi.
Đại biểu Y Nhàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum |
Cụ thể như nội dung liên quan đến các trường hợp tạm hoãn xuất nhập cảnh. Nêu ý kiến quy định về tạm hoãn xuất cảnh tại Điều 36, đại biểu Y Nhàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, các hành vi này thường sẽ xử lý hình sự. Người có hành vi tham nhũng khi bị kiểm tra, thanh tra rất hay bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, thanh tra, cũng như chuyển sang xử lý hình sự.
Để phòng ngừa bỏ trốn, sau khi thanh tra, kiểm tra chuyển sang xử lý hình sự, đại biểu Y Nhàn đề nghị nên quy định vi phạm pháp luật mà có dấu hiệu bỏ trốn hoặc xét thấy cần thiết ngăn chặn là quyết định tạm hoãn xuất cảnh ngay không cần phải là hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng như quy định của dự thảo.
Phân tích rõ hơn về nội dung tạm hoãn xuất nhập cảnh, đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 36 về 3 đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh, nhập cảnh là người đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian thử thách, người được tha tù có điều kiện trước thời hạn và người được hưởng án treo và khoản 2 Điều 37 quy định về thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh, nhập cảnh đối với 3 đối tượng này là không chính xác.
“Theo khoản 3 Điều 67, khoản 4 Điều 92 và khoản 4 Điều 100 của Luật Thi hành án hình sự thì 3 đối tượng này là 3 đối tượng không được xuất, nhập cảnh. Do đó đã không được xuất, nhập cảnh thì làm sao có việc hoãn. Hơn nữa, Bộ luật Tố tụng hình sự không có điều luật nào quy định về thẩm quyền tạm hoãn đối với trường hợp này mà tạm hoãn xuất, nhập cảnh với tư cách là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ đối với bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và thời hạn tạm hoãn của họ cũng chỉ kết thúc khi bản án có hiệu lực pháp luật” - đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói và đề nghị khoản 2 Điều 36, Điều 37 của Dự thảo Luật bỏ quy định đối với 3 đối tượng này.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị, Ban soạn thảo cần phải cụ thể hoá các tiêu chí về tạm hoãn xuất, nhập cảnh để áp dụng trong thực tế không bị lúng túng, hạn chế thấp nhất những trường hợp quy định của pháp luật chuyên ngành khác.
Đại biểu nêu ví dụ, cần phải xem xét lại quy định các trường hợp tạm hoãn xuất, nhập cảnh của luật này có phù hợp với những quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hay không, vì trong Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ quy định cấm xuất, nhập cảnh hoàn toàn không quy định về tạm hoãn xuất, nhập cảnh. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung hoặc giải trình rõ để tránh lúng túng khi triển khai áp dụng pháp luật trong thực tế.
Đức Minh
4 vị bộ trưởng sẽ ngồi "ghế nóng" tại Kỳ họp thứ 8 |
Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước |
Đề xuất cắt lương hưu của cán bộ bị "xóa tư cách chức vụ" |