Vụ nước sạch nhiễm dầu:
Viwasupco vô cảm, thiếu trách nhiệm
(PetroTimes) - Gần 1 tuần sau sự cố ô nhiễm nước sinh hoạt do Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cung cấp bị phát hiện, cuộc sống của hàng trăm nghìn hộ dân Hà Nội vẫn chưa ổn định. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, cơ quan điều tra có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Viwasupco.
Trao đổi với báo chí, đại diện Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết, đến nay công ty đã tiếp nhận trên 2.000 cuộc điện thoại đề nghị hỗ trợ cấp nước. Công ty đã huy động khẩn cấp 7 xe stec của công ty và của Công ty CP Viwaco (thuộc Vinaconex) để cấp nước miễn phí đến các cụm dân cư suốt đêm, đồng thời vận hành tối đa nguồn nước dự phòng, mở cửa 4 nhà máy nước sạch tại Mai Dịch, Hạ Đình, Pháp Vân và Quỳnh Mai để người dân vào lấy nước tự do. Tuy nhiên, do lượng xe tec của công ty hạn chế, khoảng cách di chuyển xa, giao thông khó khăn, trong khi nhu cầu gọi hỗ trợ lớn quá tải nên công ty chỉ cấp nước theo thứ tự cuộc gọi.
Các chuyên gia của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc - Tổng cục Môi trường kiểm tra, lấy mẫu hóa nghiệm nguồn nước tại kênh dẫn từ hồ Đầm Bài vào hệ thống xử lý của Viwasupco |
Chiều 17/10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức họp báo thông tin về việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho người dân Hà Nội. Chủ trì buổi họp là ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn, lãnh đạo Viwasupco.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoàng Thư, Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Hòa Bình cho biết, nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, ngày 16/10/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự.
Cư dân thủ đô khốn khổ vì thiếu nước sạch |
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cho hay, sau khi nhận được thông tin, sáng 14/10, Sở đã giao Chi cục chủ động kiểm tra và Sở đã báo cáo Tổng cục Môi trường. Ngay trong buổi sáng, Chi cục đã xuống trực tiếp hiện trường kiểm tra, đồng thời làm việc với nhà máy, nắm bắt các thông tin báo chí phản ánh.
Về nguồn nước, theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường, trách nhiệm của Nhà máy nước sông Đà là phải kiểm tra nước đạt an toàn mới cấp cho khách hàng. Đối với các nguồn nước đầu vào, nếu chưa bảo đảm chất lượng, nhà máy phải có phương án xử lý cụ thể mới có thể đưa vào sản xuất.
Từ ngày 14 đến ngày 16/10, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã lấy các mẫu nước để đánh giá về mức độ, tính chất của các loại dầu thải trong nước. Hiện nay cũng chưa biết đó là loại dầu thải gì. Trong vài ngày tới, cơ quan chức năng sẽ có số liệu về nguồn nước đầu vào.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, kiểm tra khu vực đầu nguồn tại khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình thấy có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm. Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (hồ chứa nước để cấp cho nhà máy), một số cán bộ của Viwasupco phát hiện việc này từ sáng 8/10, nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật - cho rằng, nếu Viwasupco biết có dầu thải tràn vào nguồn nước, chất lượng nước không bảo đảm, không đủ điều kiện sử dụng, mà vẫn cấp nước thì hành vi này phải lên án, xử lý theo quy định của pháp luật.
“Khi phát hiện ra sự việc thì việc cần thiết là ngưng cấp nước để cho dòng chảy trở về với hiện trạng ban đầu, bởi ô nhiễm môi trường nước đang lan rộng và gây nguy hiểm cho sức khỏe của nhiều người, nhưng không hiểu vì sao Viwasupco vẫn tiến hành sản xuất và cấp nước về thủ đô. Theo tôi, đó là một sự vô cảm, thiếu trách nhiệm trầm trọng, coi thường tính mạng, sức khỏe người dân” - luật sư Diệp Năng Bình bày tỏ.
Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, việc xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra, có thể bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nhấn mạnh, sự hoang mang, lo lắng của hàng trăm nghìn hộ dân thủ đô, những thiệt hại về kinh tế cũng không nhỏ khi người dân phải tự đi mua nước đóng bình về để phục vụ sinh hoạt, phải thay bộ lõi lọc cho các máy lọc nước trong gia đình...
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) nhấn mạnh, khi phát hiện nguồn nước bị nhiễm dầu, Viwasupco cần phải dừng ngay hoạt động sản xuất, cung cấp nước cho người dân, đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý ô nhiễm dầu.
“Trong trường hợp sau khi biết nguồn nước ô nhiễm mà Viwasupco vẫn cung cấp nước cho người dân, người dân sử dụng bị nhiễm độc, đương nhiên trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về Viwasupco…” - luật sư Trương Anh Tú nói.
Mẫu nước gửi xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của Hà Nội đều có hàm lượng styren, thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi nước của hộ gia đình, hàm lượng styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian). TS Vũ Văn Tú - Phòng Phân tích chất lượng môi trường (Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm khoa kọc việt Nam) - cho biết, styren là chất hữu cơ độc hại, nhẹ hơn nước, không tan trong nước. Styren thường được sử dụng để tẩy rửa động cơ, làm sạch dầu thải, dung môi pha chế sơn. TS Vũ Văn Tú cho biết thêm, có thể xử lý, lọc styren trong nước sinh hoạt bằng than hoạt tính. Mọi người nên sử dụng các thiết bị, cột lọc có chứa than hoạt tính để loại bỏ styren trong nước sinh hoạt sử dụng hằng ngày. |
Xuân Hinh