Sát thủ cướp tiệm vàng ở Thường Tín có thể bị tử hình
– Ngày 21/2, Cơ quan CSĐT tội phạm về TTXH – Công an Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Dưỡng (27 tuổi, ở xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) về hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản”.
>> Toàn cảnh vụ giết chủ tiệm, cướp vàng tại Thường Tín
Chiều 21/2, trao đổi với báo chí, Thượng tá Đỗ Xuân Tiến, Phó Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45, Công an TP Hà Nội) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi “giết người” và “cướp tài sản” của Nguyễn Hữu Dưỡng, để sớm truy tố ra trước pháp luật.
Trước đó, ngay sau khi vụ cướp xảy ra, Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã khởi tố vụ án Giết người, cướp tài sản tại tiệm vàng Vững Bắc (huyện Thường Tín, Hà Nội) vào chiều 16/2.
Tại cơ quan điều tra, Dưỡng khai nhận, vào khoảng 8h ngày 16/2, Dưỡng đi xe máy mang theo 1 con dao, 1 chiếc súng bắn điện làm hung khí gây án. Chờ đợi đến 16h30, khi xác định chính xác cửa hàng kinh doanh vàng bạc Vững Bắc chỉ có một mình bà Nguyễn Thị Bắc (chủ cửa hàng), Dưỡng đã đi xe máy vào trong, giả vờ giao dịch bán chiếc nhẫn vàng giả. Lấy cớ nhờ đi vệ sinh, khi bà Bắc dẫn đường, Dưỡng đã dùng dao khống chế bà Bắc với mục đích yêu cầu bà Bắc mở cửa tủ để Dưỡng cướp vàng, tiền nhưng bị bà Bắc chống lại. Dưỡng đã dùng súng bắn điện và dao đâm nhiều nhát vào người bà Bắc. Sau đó, dùng tay đập tủ kính đựng vàng nhưng không vỡ. Sợ bị phát hiện, Dưỡng lấy xe máy tẩu thoát về quê tại xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Đến ngày 18/2, biết sẽ bị phát hiện và được sự động viên của cơ quan Công an huyện Đông Hưng, Công an xã Đông Cường và gia đình, 22h30 cùng ngày, Dưỡng đã đến cơ quan Công an huyện Đông Hưng để đầu thú. Hiện Dưỡng đang bị tạm giam tại Trại giam số 1 (Hà Nội).
Điều 93 – Chương XII: Quy định về tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết nhiều người; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết trẻ em; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; Thuê giết người hoặc giết người thuê; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức; Tái phạm nguy hiểm; Vì động cơ đê hèn.2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Điều 133 – Chương XIV: Tội cướp tài sản 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. |
T. Minh