VCCI đề xuất bãi bỏ ngành nghề quản lý vận hành nhà chung cư
(PetroTimes) - Sau khi tiến hành rà soát 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận thấy có 22 ngành nghề kinh doanh cần được xem xét để bãi bỏ ra khỏi danh mục. Trong đó có kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư.
Khi nào ban quản trị ra đời để thông tắc quỹ bảo trì? |
Nhiều ban quản trị châm ngòi cuộc chiến chung cư |
Sẽ có đề án an ninh kinh tế trong bất động sản |
Mới đây, VCCI vừa có văn bản gửi Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sửa đổi Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư (sửa đổi) năm 2016. Nội dung kiến nghị là ngành kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư không cần phải đăng ký kinh doanh. Như vậy đồng nghĩa ngành nghề này không còn tồn tại.
VCCI cho biết đã tiến hành rà soát 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh trong Danh mục và nhận thấy 22 ngành nghề kinh doanh cần được xem xét để bãi bỏ ra khỏi danh mục. Trong đó có kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư.
VCCI đề xuất bãi bỏ ngành nghề quản lý vận hành nhà chung cư |
Theo quy định hiện hành, tại khoản 2, Điều 105 của Luật Nhà ở 2014 thì đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải có đủ điều kiện về chức năng và năng lực theo quy định: Được thành lập, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc Luật Hợp tác xã và có chức năng quản lý vận hành nhà chung cư.
Bên cạnh đó, phải có các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư bao gồm bộ phận kỹ thuật, dịch vụ, bảo vệ an ninh, vệ sinh, môi trường.
Đồng thời, có đội ngũ cán bộ, nhân viên đáp ứng yêu cầu về quản lý vận hành nhà ở bao gồm lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật điện, nước, phòng cháy, chữa cháy, vận hành trang thiết bị gắn với nhà chung cư và có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Ngoài ra, quyền và trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư được quy định tại Điều 42 Thông tư 02/2016/TT-BXD, cụ thể: Thực hiện quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Quy chế này và hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành đã ký với Ban quản trị nhà chung cư hoặc người đại diện quản lý nhà chung cư (đối với nhà chung cư không phải thành lập Ban quản trị); thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo hợp đồng bảo trì nếu có năng lực bảo trì. Ký kết hợp đồng phụ với các đơn vị cung cấp dịch vụ trong việc quản lý vận hành nhà chung cư (nếu có); giám sát việc cung cấp các dịch vụ của các đơn vị này.
Thông báo bằng văn bản về việc thu, nộp các khoản kinh phí có liên quan; thông báo các yêu cầu, nội dung cần chú ý cho người sử dụng nhà chung cư trong trường hợp xảy ra các tình huống đột xuất như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn; hướng dẫn việc lắp đặt các thiết bị trong phần sở hữu riêng của chủ sở hữu.
Thu kinh phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo thỏa thuận với các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; thu, chi trả thù lao cho các thành viên Ban quản trị nhà chung cư theo quyết định của hội nghị nhà chung cư...
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác quản lý vận hành tại nhiều chung cư có sự bất cập và dấy lên những nghi ngờ về lợi ích chung hay chiếm đoạt của công. Hàng loạt chung cư đỏ rực băng rôn của cư dân phản đối Ban quản trị, Ban quản lý tòa nhà vì mập mờ tài chính. Bởi vậy, cùng với tính không cần thiết tồn tại là một ngành nghề, VCCI đề xuất bãi bỏ ngành nghề này khỏi Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư (sửa đổi) năm 2016.
Nguyễn Hưng