Chưa khởi công, đường sắt đô thị số 2 đã đội vốn 16.000 tỷ đồng
UBND TP Hà Nội đang làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo từ 19,55 nghìn tỷ đồng lên hơn 35,6 nghìn tỷ đồng.
Sau 11 năm (từ 2008) hoàn thành nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vẫn chưa được TP Hà Nội khởi công. Đây là tuyến đường sắt có vai trò quan trọng kết nối giao thông từ sân bay Nội Bài với trung tâm thành phố và là tuyến hướng tâm kết hợp vành đai.
Đoạn đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có chiều dài 11,5 km, trong đó có 2,6 km đi trên cao và 8,9 km đi ngầm; có 3 ga trên cao từ C1 đến C3 và 7 ga ngầm từ C4 đến C10). Hiện tất các các hạng mục tuyến đường sắt này (khu nhà ga và các ga) đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng.
Dự án đường sắt đô thị số 2 chậm triển khai chủ yếu liên quan đến ga C9 chưa được phê duyệt mặt bằng |
Riêng tổng mặt bằng ga ngầm C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần diện tích vườn hoa cây xanh bờ hồ, phía trước EVN Hà Nội) chưa được phê duyệt, do chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về nội dung liên quan đến khu vực bảo vệ 2 di tích hồ Hoàn Kiếm.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ ra hàng loạt tác động tiêu cực do dự án kéo dài gần 11 năm chưa được triển khai (chủ yếu vướng mắc liên quan đến quy hoạch của ga C9). Cụ thể, dự án kéo dài sẽ dẫn đến tăng tổng mức đầu tư toàn bộ dự án.
Hiện nay, TP Hà Nội đang làm thủ tục báo cáo các đơn vị liên quan điều chỉnh tổng mức đầu đoạn đường sắt dài 11,5 km, từ 19,55 nghìn tỷ đồng lên hơn 35,6 nghìn tỷ đồng. Như vậy, sau gần 11 năm dự án chưa được triển khai, TP Hà Nội phải tăng tổng mức đầu tư của dự án lên khoảng 16 nghìn tỷ đồng.
Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư của dự án lên khoảng 16 nghìn tỷ đồng đã được UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng, trong đó có các yếu tố trượt giá, chi phí nhân công, vật tư, máy móc thay đổi, tăng chi phí vay lãi, vốn đối ứng của TP sử dụng không hiệu quả. Những vấn đề này dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến hiệp định vay ODA và cam kết vốn của nhà tài trợ.
UBND TP Hà Nội cho biết, công tác giải ngân của dự án trong năm 2019 (tính đến tháng 9) được hơn 15 tỷ đồng, trong đó vốn ODA hơn 5,6 tỷ đồng. Dự án không giải ngân được do đến 28/7/2019 đã hết hạn hiệp định vay, hiện UBND TP Hà Nội đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gia hạn.
Trước những vấn đề trên, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho thực hiện trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt Dự án. Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp xem xét có ý kiến về phương án thiết kế, thi công ga C9 để UBND TP hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Dân trí