Tin kinh tế ngày 28/9: Startup Việt Nam nhiều thứ 3 Đông Nam Á
(PetroTimes) - GDP 9 tháng tăng cao nhất trong 9 năm qua; FDI đạt 26,16 tỷ USD sau 9 tháng; Tôm xuất khẩu sang EU giảm mạnh; Startup Việt Nam nhiều thứ 3 Đông Nam Á; Cạnh tranh không lành mạnh bị phạt tới 2 tỷ đồng... là những tin tức kinh tế đáng chú ý trong ngày.
Giá xăng dầu hôm nay 28/9: Ghi nhận tuần giảm mạnh |
Giá vàng hôm nay 28/9: Rơi tự do, giá vàng rớt giá thảm |
GDP 9 tháng tăng cao nhất trong 9 năm qua
Động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay thuộc về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 11,37%. Ảnh minh họa. |
Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/9, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,7%), đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%.
Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay thuộc về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 11,37% và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ tăng 8,31%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%, ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%, thông tin và truyền thông tăng 7,65%).
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,20% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,98%; khu vực dịch vụ chiếm 42,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,08%.
FDI đạt 26,16 tỷ USD sau 9 tháng
Việt Nam thu hút 2.759 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 10,9 tỷ USD. Ảnh minh họa. |
Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2019, Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 26,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ 2018. Theo đó, về thu hút vốn FDI, Việt Nam thu hút 2.759 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 10,9 tỷ USD, tăng 26,4% về số dự án và giảm 22,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, có 1.037 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,7 tỷ triệu USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 9 tháng năm nay đạt 15,76 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn FDI thực hiện 9 tháng ước tính đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng còn có 6.502 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 10,4 tỷ USD, tăng 82,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 1.348 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 6,34 tỷ USD và 5.154 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,06 tỷ USD. Như vậy, tính chung 9 tháng, Việt Nam đã thu hút được khoảng 26,16 tỷ USD vốn FDI, tăng 3,1% so với cùng kỳ 2018.
Tôm xuất khẩu sang EU giảm mạnh
8 tháng đầu năm, giá trị tôm xuất khẩu giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa. |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 8 tháng đầu năm 2019, giá trị tôm xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tôm xuất sang EU đạt 74,8 triệu USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm Việt Nam xuất sang EU chủ yếu là tôm chế biến, vốn ít đối thủ cạnh tranh.
Cùng với đà giảm, tôm xuất sang thị trường Nhật 8 tháng chỉ đạt 388,2 triệu USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thị trường Mỹ, sau những tháng ghi nhận mức giảm thì 2 tháng gần đây xuất khẩu tôm có nhiều cải thiện. Nhu cầu nhập tôm của Mỹ từ Việt Nam đang tăng dần do tồn kho giảm, trong khi Mỹ giảm 50-60% nhập hàng từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Thông tin tích cực này giúp tăng khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ so với Ấn Độ và Indonesia trong thời gian tới.
VASEP dự báo, tôm Việt xuất khẩu tôm sẽ phục hồi trở lại khi Việt Nam ngày càng được hưởng nhiều ưu đãi hơn từ thị trường Mỹ, các Hiệp định như VJEPA và CPTPP.
Startup Việt Nam nhiều thứ 3 Đông Nam Á
Việt Nam tăng trưởng "phi mã" về số lượng startup, từ 400 vào năm 2012 lên 3.000 trong năm 2017. Ảnh minh họa. |
Số liệu trên được thống kê và công bố bởi Cơ quan Thương mại và Đầu tư của chính phủ Australia (Austrade) thông qua bản Báo cáo có tên "Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019".
Theo báo cáo này, bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam ra đời từ năm 2004, khi IDG Ventures Vietnam được thành lập, rót hơn 100 triệu USD vào thị trường. Kể từ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đã phát triển 3 đợt: làn sóng đầu tiên (2004 - 2007); làn sóng thứ hai (2007 - 2010); và làn sóng thứ ba (2011 đến nay).
Trong làn sóng thứ ba, Austrade nhận xét Việt Nam đã tăng trưởng "phi mã" về số lượng startup, từ 400 vào năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 trong năm 2017.
Còn theo Topica Founder Institute (TFI), lượng vốn đổ vào các startup Việt đã tăng 3 lần trong giai đoạn 2016-2018, từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD. Austrade cho rằng vốn nước ngoài được chào đón. Các quỹ đầu tư mạo hiểm và tổ chức công nghệ quốc tế đang phát triển dấu ấn của riêng tại đây.
Cạnh tranh không lành mạnh bị phạt tới 2 tỷ đồng
Ngày 27/9, Chính phủ ban hành Nghị định 75 về xử phạt vi phạm hành chính trong cạnh tranh, hướng dẫn chi tiết một số điều Luật Cạnh tranh 2018.
Theo đó, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền bị phạt 10% doanh thu của doanh nghiệp trong năm tài chính liền kề. Mức phạt vi phạm tập trung kinh tế là 5% doanh thu.
Riêng hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phạt tối đa là 2 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm khác, mức phạt tối đa là 200 triệu đồng. Trường hợp được giảm nhẹ thì mức tiền phạt được giảm không quá 15% trung bình khung hình phạt.
Ngoài ra, tuỳ theo mức độ vi phạm cạnh tranh, cá nhân, tổ chức có thể bị bổ sung hình thức phạt như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề 6-12 tháng; tịch thu khoản lợi nhuận từ hành vi vi phạm, hoặc thu hồi giấy chứng nhận doanh nghiệp...
Lâm Anh (t/h)