Tin tức kinh tế ngày 24/9: CEO Việt lọt top nữ doanh nhân quyền lực châu Á 2019
(PetroTimes) - CEO Việt lọt top nữ doanh nhân quyền lực châu Á 2019; Thay đổi mức phí rút tiền mặt tại Ngân hàng Nhà nước; Bình Dương đứng thứ hai thu hút vốn đầu tư nước ngoài; Mỹ tài trợ 22 triệu USD giúp nâng cao năng lực doanh nghiệp nhỏ và vừa... là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 24/9.
CEO Việt lọt top nữ doanh nhân quyền lực châu Á 2019
CEO Nutifood Trần Thị Lệ và CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo (Ảnh: Forbes) |
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2019 (Asia's Power Businesswomen) trong đó có 2 gương mặt nữ doanh nhân Việt Nam: CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo và CEO NutiFood Trần Thị Lệ.
Theo giới thiệu của Forbes, CEO hãng hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên lịch sử trong ngành kinh doanh thường dẫn dắt bởi nam giới. Cũng theo Forbes, bà Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Đông Nam Á với tài sản 2,5 tỷ USD.
Một đại diện nữa của Việt Nam được Forbes vinh danh, đó là bà Trần Thị Lệ - CEO NutiFood. Bà xuất thân là bác sĩ tại trung tâm dinh dưỡng, nhưng chuyển hướng sang kinh doanh. Bà đã có công lao lớn trong việc đưa NutiFood thành nhà sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam.
Năm 2018, doanh thu của công ty NutiFood đạt 9.500 tỷ đồng (tương đương 408 triệu USD), lợi nhuận trước thuế là 828 tỷ đồng. NutiFood hiện vận hành 4 nhà máy tại Việt Nam.
Thay đổi mức phí rút tiền mặt tại Ngân hàng Nhà nước
Phạm vi điều chỉnh dự thảo thông tư sửa đổi lần này không tác động tới phí rút tiền mặt tại các TCTD của người dân. (Ảnh: Zing.vn) |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 35/2014/TT-NHNN về phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại NHNN. Trong dự thảo thông tư sửa đổi lần này, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi bổ sung mức phí rút tiền mặt tại NHNN.
Trường hợp số tiền mặt rút qua tài khoản thanh toán tại NHNN bằng hoặc nhỏ hơn số tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về NHNN trong tháng, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được miễn phí rút tiền mặt.
Nếu số tiền mặt rút qua tài khoản thanh toán tại NHNN lớn hơn số tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về trong tháng, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải chịu mức phí rút tiền mặt là 0,005% trên số chênh lệch giữa số tiền rút và số tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về trong tháng.
Theo NHNN, sau quá trình thực hiện Thông tư 35 cho thấy, việc thực hiện thu phí rút tiền mặt tại các đơn vị NHNN diễn ra thông suốt. Tuy nhiên, một số nội dung của thông tư này đã không còn phù hợp với thực tế triển khai và cần thiết phải sửa đổi.
Bình Dương đứng thứ hai thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Hội nghị đối thoại doanh nghiệp đầu tư nước ngoài năm 2019. (Ảnh: Báo Bình Dương) |
Ngày 24/9, tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp đầu tư nước ngoài năm 2019, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2018 và 9 tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định, thu hút đầu tư tiếp tục tăng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Bình Dương hiện đứng vị trí thứ 2 trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau TP HCM).
Bình Dương hiện đứng vị trí thứ 2 trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau TP HCM). 9 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 2 tỷ 424 triệu đô la Mỹ, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018, vượt 73% so với chỉ tiêu năm 2019.
Tại hội nghị các sở, ngành liên quan đã nhận được nhiều kiến nghị và đề xuất của các doanh nghiệp, tổng lãnh sự, hiệp hội doanh nghiệp. Các sở, ngành liên quan cũng đã có ý kiến trả lời, giải thích đi vào trọng tâm các vấn đề, như: Giải quyết các vấn đề giao thông liên vùng, phát triển logictics đường sông, các thủ tục cấp phép xây dựng nhà xưởng, mức thuế nhập khẩu hàng hóa, nguyên phụ liệu, đào tạo lao động chất lượng cao, nhà ở cho công nhân….
Mỹ tài trợ 22 triệu USD giúp nâng cao năng lực doanh nghiệp nhỏ và vừa
Lễ khởi động dự án LinkSME diễn ra sáng nay tại Hà Nội. (Ảnh: Zing.vn) |
Sáng 24/9, lễ khởi động dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” (dự án LinkSME) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ đã diễn ra tại Hà Nội.
Với kinh phí 22,1 triệu USD và được thực hiện trong 5 năm, dự án LinkSME sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ KH&ĐT cải thiện hệ sinh thái kết nối chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và nâng cao năng lực cho các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời, dự án giúp kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa với những doanh nghiệp hàng đầu, thúc đẩy tầm nhìn về tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mở rộng tăng trưởng bao trùm, theo định hướng thị trường và do khu vực tư nhân dẫn dắt.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 730.000 doanh nghiệp, đóng vai trò lớn trong phát triển đất nước. Tuy nhiên, đa phần quy mô doanh nghiệp rất nhỏ, dẫn đến năng lực cạnh tranh còn hạn chế, khó tiếp cận đất đai, công nghệ… Ngoài ra, khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp lớn với nhỏ, trong nước với ngoài nước ở mức thấp. Các doanh nghiệp Việt thiếu kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, dự án LinkSME đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao năng lực kết nối giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Lâm Anh (t/h)