Công chức làm 40 giờ/tuần, công nhân 48 giờ mà tăng nữa là… phản tiến bộ!
Chính phủ vẫn nêu lý lẽ để bảo vệ quan điểm tăng giờ làm thêm. Không hoàn toàn “bác” đề xuất này nhưng UB Thường vụ Quốc hội cũng kiên trì khẳng định ý kiến ủng hộ phương án không tăng giờ làm tại phiên thảo luận về những vấn đề khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng 20/9.
UB Thường vụ Quốc hội thống nhất quan điểm kiên trì bảo vệ việc không tăng giờ làm thêm. |
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi trình ra Quốc hội từ kỳ họp thứ 7 đã nêu phương án mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành). Tuy nhiên quá trình thảo luận, còn rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này.
Sau nhiều vòng thảo luận, kết luận của gần đây nhất của UB Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 36 là không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa.
Tại phiên họp thứ 37 hôm nay, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Nguyễn Thuý Anh cho biết, theo phản ánh của cơ quan soạn thảo, Chính phủ vẫn mong muốn phương án của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tiếp tục được trình Quốc hội thảo luận, quyết định. Do đó, Thường trực UB về các vấn đề Xã hội tiếp tục đưa vào dự thảo luật 2 phương án để báo cáo UB Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, phương án 1, giữ như quy định của bộ luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ.
Phương án 2, quy định như dự thảo Chính phủ trình. Theo phương án này, Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ và trình Quốc hội dự thảo nghị định chi tiết.
Nêu quan điểm về nội dung này, UB Về các vấn đề xã hội cho rằng, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.
Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.
Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội cũng khái quát, quá trình thẩm tra sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trước đây, đa số ý kiến thành viên UB luôn nhất quán quan điểm không tán thành tăng thời giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên thảo luận. |
Cho ý kiến về vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, việc làm thêm giờ liên quan đến năng suất lao động, không chỉ dựa vào sức người mà còn dựa vào sự đổi mới công nghệ. Nếu nhà nước không cho phép tăng thì đương nhiên doanh nghiệp phải suy nghĩ đổi mới công nghệ, đưa dây chuyền hiện đại vào, nếu cho tăng thì sẽ hạn chế đổi mới công nghệ, khuyến khích không đổi mới công nghệ.
“Làm thêm giờ thì người lao động cực kỳ khổ, nhất là phụ nữ không còn thời gian nào mà chăm sóc gia đình nữa. Quan điểm của tôi là không tăng, không giảm được thì giữ nguyên” - ông Phúc nói.
Tổng thư ký Quốc hội chia sẻ thêm, từng làm doanh nghiệp trước đây, ông từng chứng kiến việc nhiều chủ doanh nghiệp khi ra nước ngoài khoe là nhà máy nhiều công nhân thì chuyên gia nước ngoài đã khuyên không nên khoe như vậy, bởi có sản phẩm nếu chỉ sử dụng 100 lao động trở xuống thì mới là tốt.
“Người Mỹ sang Việt Nam mua hàng họ đi xem công nhân ăn gì uống gì, được chăm sóc thế nào chứ không xem ngay sản phẩm đâu, quan điểm của họ là nếu đời sống người lao động tốt thì sản phẩm tốt, vì thế tôi thiết tha đề nghị giữ nguyên không tăng giờ làm thêm” - ông Phúc kể.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phân tích, trước đây cán bộ công chức làm việc tuần 48 giờ sau đó xuống 40 giờ, bây giờ công nhân vẫn làm việc tuần 48 tiếng mà còn tăng thì đi ngược lại xu thế tiến bộ của thế giới.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề, vừa qua, Tiểu ban kinh tế - xã hội Đại hội 13 bàn về chiến lược phát triển, Thủ tướng rất quan tâm đến giải pháp đột phá về đổi mới công nghệ tăng năng suất lao động mà bộ luật lại quy định theo hướng thâm dụng lao động thì đi ngược lại quan điểm phát triển.
Chốt lại phiên họp, UB Thường vụ Quốc hội thống nhất kiên trì quan điểm theo phương án 1 nhưng vẫn quyết định trình cả 2 phương án quy định để Quốc hội quyết.
Theo Dân trí