Điểm lại những “lùm xùm” của Công ty địa ốc Alibaba
Mới thành lập và đi vào hoạt động 4 năm nhưng địa ốc Alibaba đã liên tục tạo nên những "cơn địa chấn" trong thị trường bất động sản khi hàng loạt dự án bị cơ quan chức năng "tuýt còi". Thay vì lắng nghe, cầu thị, lãnh đạo địa ốc Alibaba luôn có những hành động kiểu đối đầu với cơ quan chức năng và dư luận.
Trụ sở Công ty CP Địa ốc Alibaba trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức sáng 19/9. Ảnh: Đại Việt |
Nhận tiền khách hàng khi không có phận sự
Chiều 18/9, ông Nguyễn Thái Lĩnh (em trai của ông Nguyễn Thái Luyện), Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba đã bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Nhìn lại hoạt động của địa ốc Alibaba, nhiều ý kiến cho rằng, việc CEO công ty này bị khởi tố, bắt tạm giam là "cái kết đã được báo trước".
Cơ quan công an làm việc với lãnh đạo Công ty Alibaba và bắt giữ ông Nguyễn Thái Lĩnh, Giám đốc công ty này ngay sau đó. |
Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba được cấp giấy phép kinh doanh ngày 5/5/2016 với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, Công ty Alibaba đã nâng mức vốn điều lệ lên tới 1.600 tỷ đồng vào ngày 26/9/2017. Đây là sự lớn mạnh “phi thường” khiến nhiều người kinh ngạc.
Công ty này có 3 cổ đông chính gồm ông Nguyễn Thái Luyện sở hữu 80% vốn điều lệ - Chủ tịch HĐQT Công ty; ông Nguyễn Thái Lĩnh sở hữu 10% vốn - Giám đốc kiêm đại diện pháp luật công ty; bà Võ Thị Thanh Mai sở hữu 10% vốn còn lại.
Chính vì việc tăng vốn điều lệ lên nhanh bất thường nên Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã xác minh các thông tin mà Alibaba đang giới thiệu, quảng cáo.
Ngày 16/11/2017, HoREA đã có văn bản gửi Thường trực UBND TPHCM và các sở ngành tại thành phố về những bất thường đang diễn ra tại Công ty Alibaba.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, Công ty Alibaba đăng ký vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng là rất lớn, khác thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường bất động sản. Bởi, một doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải mất nhiều năm mới có số vốn điều lệ hàng ngàn tỷ đồng.
Theo HoREA, vào năm 2017, trên trang web của Công ty Alibaba đưa ra danh sách 10 dự án phân lô bán nền do công ty này làm chủ đầu tư nhưng không đúng sự thật. Trong các dự án đó thì Dự án Marine City tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích 28,2 ha với khoảng 1.000 căn nhà phố, biệt thự có chủ đầu tư là một doanh nghiệp tại thành phố Vũng Tàu.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đã nhiều lần cảnh báo về hành vi của Công ty Alibaba. |
Cũng trong năm 2017, Dự án Khu nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị tại Khu VIII - 3 (Khu đô thị Tây Bắc) huyện Củ Chi, TPHCM chỉ mới được Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc mời gọi đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư.
Thế nhưng, Công ty Alibaba và Công ty CP Alibaba Tây Bắc TPHCM đã công bố phiếu đặt chỗ, thậm chí Công ty Alibaba còn thu tiền qua phiếu đặt chỗ của khách hàng với mức thu là 50 triệu đồng/nền.
Ngay lập tức, HoREA đã cảnh báo với người dân và chính quyền về hành động này.
“Dự án Khu nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị tại Khu VIII - 3 thuộc Khu đô thị Tây Bắc đang được thành phố mời gọi đầu tư. Dự án chưa được giải phóng mặt bằng, chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nên chưa thể có bản đồ phân lô nền nhà để chào bán. Dự án này đến nay chưa thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư nên Công ty CP Alibaba Tây Bắc TPHCM và Công ty CP Địa ốc Alibaba không có tư cách để tự xưng là chủ đầu tư”, văn bản của HoREA cảnh báo.
Theo HoREA, hai công ty nói trên không có quyền công bố dự án và cũng không có quyền huy động vốn kể cả hình thức đặt cọc giữ chỗ.
Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc cũng có báo cáo phản hồi như sau: “Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc nhận được văn bản đề xuất thực hiện dự án của Công ty Alibaba tại Khu đô thị Tây Bắc. Tuy nhiên dự án do Công ty Alibaba đề xuất chưa được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”.
“Vì vậy, trong thời gian qua việc Công ty Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án Khu đô thị Tây Bắc theo thông tin của các cơ quan truyền thông báo chí phản ánh là trái với các quy định của pháp luật hiện hành”, BQL Khu đô thị Tây Bắc nêu rõ.
Nhiều cơ quan chức năng tại TPHCM đã cảnh báo việc làm vi phạm pháp luật của Công ty Alibaba. |
“Quậy” tưng bừng ở Đồng Nai
Không chỉ dừng lại ở TPHCM, Công ty Alibaba tiếp tục gây “chấn động” tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Doanh nghiệp này liên tục quảng bá, giới thiệu các dự án Alibaba Long Phước 1, 2, 3, 4, 5... Thế nhưng, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành xác nhận không có dự án nào do Công ty Alibaba làm chủ đầu tư ở đây.
Năm 2018, Công ty Alibaba tiếp tục tổ chức quảng cáo mua bán đất tại huyện Long Thành trên trang web của doanh nghiệp này cũng như trên mạng xã hội Facebook, Zalo. Trong đó, xã Long Phước có 13 vị trí, xã Phước Bình có 3 vị trí, xã Phước Thái có 1 vị trí và xã An Phước 1 vị trí.
Điển hình như tại xã Phước Bình, Công ty Alibaba quảng cáo dự án Alibaba Central Park II có quy mô 5,5ha với hơn 344 lô được phân ra…
Nhiều dự án "ma" tại huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai do Công ty Alibaba lập nên. |
Tuy nhiên, ngay sau đó, UBND huyện Long Thành đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai điều tra, xác minh việc giao dịch, mua bán đất nền của Công ty Alibaba, chi nhánh công ty Alibaba, Công ty Cổ phần Địa ốc Tia Chớp (đơn vị liên kết với Công ty Alibaba để thực hiện các dự án) để có biện pháp xử lý theo quy định.
Tháng 3/2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi buổi họp báo về việc Công ty Alibaba quảng cáo, phân lô, bán nền tại huyện Long Thành khi chưa được cấp phép dự án.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, qua rà soát, lực lượng chức năng ghi nhận, Công ty Alibaba đã thực hiện rao bán 27 dự án trên website //diaocalibaba.vn bỏ tên website và ghi website công ty là được và các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, phát tờ rơi theo bản đồ tự vẽ phân lô (khu đất) có vị trí đất thuộc địa bàn huyện Long Thành.
Qua kiểm tra, khảo sát ngoài thực tế, lực lượng chức năng xác định vị trí có 19 khu đất. Cụ thể, xã Long Phước có 13 khu đất, xã Phước Bình có 3 khu đất, xã An Phước có 1 khu đất, xã Phước Thái có 1 khu đất và 1 khu đất ở vùng giáp ranh 2 xã Bàu Cạn và xã Tân Hiệp.
Trong số 19 khu đất nói trên thì có 5 khu đất người sử dụng đất không có mối quan hệ với Công ty Alibaba. 14 khu đất còn lại thì người sử dụng các thửa đất có mối quan hệ là người thân hoặc trực tiếp là ông Nguyễn Thái Lĩnh hay bà Trương Thị Hồng Ngọc (vợ ông Nguyễn Thái Lĩnh) đứng tên.
Trong số 19 khu đất kiểm tra, UBND huyện Long Thành phát hiện có 6 khu đất là người sử dụng đất tự ý đổ đá làm đường giao thông trên đất nông nghiệp. Trong đó có 1 trường hợp đã thực hiện bó vỉa, 2 trường hợp thực hiện rào xung quanh đất bằng tôn, gắn biển quảng cáo phân lô, bán nền tại khu đất.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, dân mua đất nền dự án “không có thật” tại huyện Long Thành của Công ty Alibaba phần lớn là ở TPHCM, tỉnh Bình Dương.
Lãnh đạo các cấp, ban ngành của tỉnh Đồng Nai mong muốn được chuyển tải thông tin cho người dân biết là Công ty Alibaba “không được cấp phép dự án nào tại Đồng Nai” và người dân không nên bỏ tiền mua đất những dự án không có thật để bị thiệt hại.
Nhiều dự án do Công ty Alibaba "tự nghĩ ra" đã bị cơ quan chức năng cưỡng chế. |
Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu các sở, ngành nhanh chóng rà soát làm rõ vi phạm của Alibaba để xử lý theo đúng quy định.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ra nhiều văn bản, thông báo liên quan đến hành vi của Công ty Alibaba, chỉ đạo công an tỉnh, các Sở ngành tổ chức kiểm tra, rà soát các hoạt động có liên quan của công ty này trên địa bàn để xử lý các vi phạm về đất đai, xây dựng, giao dịch mua bán đất nền nếu có.
UBND huyện Long Thành cũng đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 trường hợp, UBND xã Long Phước đã lập quyết định xử phạt đình chỉ thi công 1 trường hợp, UBND xã Phước Bình đã lập biên bản và ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 trường hợp.
Từ Long Thành qua Xuân Lộc
Không chỉ “quậy” ở huyện Long Thành, Công ty Alibaba tiếp tục gây nhiều tai tiếng tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).
Đầu năm 2019, Công ty Alibaba rầm rộ quảng cáo Dự án Ali Mega Xuân Lộc (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) có quy mô 85ha với 2.000 nền.
Dự án được quảng cáo “bứt phá mọi giá trị bất động sản khu vực vùng ven. Là một siêu phẩm với mức giá không thể rẻ hơn khi chỉ từ 400 - 450 triệu đồng/nền 500m2 (đã có sổ riêng 500m2), 190 triệu đồng/nền 100m2 + nhà (50 triệu đồng) = 240 triệu đồng/căn nhà phố. Khách hàng mua sẽ sang tên công chứng nhận sổ trong vòng 45 ngày".
Tuy nhiên, theo UBND huyện Xuân Lộc, hiện nay chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với Dự án Ali Mega Xuân Lộc tại xã Xuân Hưng. Tỉnh Đồng Nai cũng chưa ban hành quyết định nào liên quan đến việc thỏa thuận địa điểm, chấp thuận đầu tư cho Công ty Alibaba thuê đất để thực hiện dự án Ali Mega Xuân Lộc và dự án đất ở tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Xuân Lộc.
Do đó, để tránh thiệt hại và đảm bảo quyền lợi của người dân, UBND huyện Xuân Lộc yêu cầu thủ trưởng các cơ quan đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thông tin đến cán bộ, công chức, viên chức biết việc Công ty Alibaba quảng cáo trên mạng về bán đất nền tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Xuân Lộc là sai sự thật.
Việc bị cơ quan chức năng "sờ gáy" là cái kết đã được báo trước cho Công ty Alibaba. |
Đồng thời, UBND huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chủ trì, phối hợp với các phòng ban, công an huyện, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát việc rao bán đất nền của Công ty Alibaba trên địa bàn huyện để tham mưu xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.
Chưa dừng lại, Công ty Alibaba tiếp tục rao bán nhiều dự án “ma” tại các huyện, thị ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khiến chính quyền địa phương này phải liên tục cảnh báo người dân và nhà đầu tư. Nhiều xã, phường tại thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng đã tiến hành cưỡng chế đối với các dự án “ma” do Công ty Alibaba lập nên.
Trong khi cưỡng chế dự án “ma”, một số nhân viên của Công ty Alibaba cũng đã bị bắt vì hành vi gây rối trật tự công cộng và cố ý làm hư hỏng tài sản khi cản trở các lực lượng chức năng thực thi pháp luật.
Tính đến nay, đã có nhiều lãnh đạo, nhân viên của địa ốc Alibaba đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Theo Dân trí