Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất: Chưa thể nói là “nới lỏng chính sách tiền tệ”
Theo nhận định của giới phân tích, quyết định cắt lãi suất Ngân hàng Nhà nước mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, còn việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và cung tiền trong thời gian tới.
Tác động của việc giảm các loại lãi suất tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở Mỹ hay châu Âu |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 13/9 đã tuyên bố giảm một số loại lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng. Mức giảm cho các loại lãi suất trên là 0,25%.
Tại báo cáo phân tích vừa công bố, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá động thái này không quá bất ngờ khi cách đây gần hai tháng, NHNN đã có bước đi đầu tiên là giảm 0,25% lãi suất tín phiếu.
Đánh giá về động thái trên, BVSC cho rằng trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng và nhiều ngân hàng trung ương các nước khác trên thế giới đã cắt giảm lãi suất thì NHNN Việt Nam cũng không muốn đứng ngoài xu hướng.
Tuy vậy, ở góc độ thực tế, theo nhận định của các chuyên gia BVSC, tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu...
Cụ thể, BVSC lưu ý rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) chứ không như FED hay ECB là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất.
Thêm vào đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ NHNN khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng.
Ngay cả đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 mới đây cũng có tác động rất hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.
Do vậy, quyết định cắt lãi suất như trên của NHNN, theo BVSC, mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, còn việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới.
Cũng bình luận về sự kiện này, các chuyên gia từ Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, tác động của việc cắt giảm lãi suất điều hành sẽ có độ trễ, do đó mặt bằng lãi suất trên thị trường có thể sẽ giảm nhẹ từ quý I năm sau.
Theo Dân trí