Apple dưới thời Tim Cook: Khi lợi nhuận đặt trên tất cả
Dưới thời Steve Jobs, Apple được xem là hãng công nghệ sáng tạo bậc nhất thế giới, luôn đi đầu và biết cách tạo ra xu thế trên thị trường công nghệ. Sau khi Steve Jobs qua đời, Tim Cook vẫn giúp Apple “hái ra tiền” với những khoản doanh thu khổng lồ, tuy nhiên, “quả táo” không còn là hãng đi đầu và sáng tạo...
Từng có một Apple đại diện cho cái đẹp và sự hoàn hảo
Dưới “triều đại Steve Jobs”, các sản phẩm của Apple luôn được đánh cao về thiết kế và thậm chí được xem là chuẩn mực để các hãng công nghệ khác noi theo. Chẳng hạn với phiên bản iPhone đầu tiên ra mắt, đây lập tức được xem là chiếc smartphone hình mẫu định hình cho tương lai của thị trường smartphone. Không quá khi nói rằng, sau khi phiên bản iPhone đầu tiên ra mắt vào năm 2007, thị trường smartphone đã trở nên đồng nhất khi các sản phẩm đều mang phong cách thiết kế giống iPhone, với thiết kế màn hình cảm ứng đơn thuần, thay vì kiểu thiết kế đa dạng như trước đây.
Sự ra đời của iPhone phiên bản đầu tiên đã làm thay đổi và định hình lại thị trường smartphone |
Hay khi Steve Jobs giới thiệu chiếc laptop siêu mỏng MacBook Air thế hệ đầu tiên vào năm 2008, sản phẩm này cũng đã nhanh chóng trở thành chuẩn mực cho cái đẹp trong thiết kế laptop, với thiết kế siêu mỏng và nhẹ. Sau MacBook Air, Intel đã nhanh chóng “khai sinh” ra khái niệm laptop siêu mỏng ultrabook để các hãng sản xuất máy tính khác có thể cạnh tranh với MacBook Air, về thiết kế và độ mỏng.
Không chỉ là cái đẹp, sản phẩm của Apple cũng luôn gắn liền với sự hoàn hảo. Lúc sinh thời, Steve Jobs nổi tiếng là một vị CEO cầu toàn và luôn đề cao tính hoàn thiện trên các sản phẩm của Apple. Các chi tiết nhỏ nhất trên các sản phẩm của Apple luôn được “soi” một cách kỹ càng trước khi hoàn thiện và đến tay người dùng. Theo chia sẻ của nhiều nhân viên đã từng làm việc dưới thời Steve Jobs, các sản phẩm của Apple phải thực sự hoàn thiện mới được phép tung ra thị trường.
Dù vậy, Apple cũng đã không ít lần “dính phốt” khi Steve Jobs còn tại vị, chẳng hạn như lỗi mất sóng gặp phải trên iPhone 4. Điều đáng nói là sau đó Steve Jobs đã... đổ lỗi cho chính người dùng vì không cầm máy đúng cách khiến iPhone 4 bị mất sóng. Dĩ nhiên, không ai chấp nhận cách giải thích và đổ lỗi của Steve Jobs, tuy nhiên, Apple cũng đã âm thầm khắc phục lỗi trên sản phẩm. Cùng với uy tín và vị thế của Steve Jobs, lỗi gặp phải trên iPhone 4 dần trôi vào quên lãng và sản phẩm vẫn tiếp tục được tiêu thụ mạnh.
Đây cũng chính là điểm đã giúp các sản phẩm của Apple tạo nên nét đặc trưng riêng trên thị trường và nhanh chóng được người dùng yêu thích ngay khi vừa ra mắt, còn bản thân Steve Jobs đã tạo được hình ảnh của một vị CEO cầu toàn, luôn đề cao cái đẹp và sự hoàn hảo.
Từng có một Apple tiên phong tạo xu thế trên thị trường công nghệ
Dưới thời Steve Jobs, Apple luôn được xem là hãng công nghệ sáng tạo hàng đầu thế giới khi luôn mở ra những xu thế mới trên thị trường. Dù trên thực tế, Apple không phải là hãng khai sinh ra những công nghệ mới trên sản phẩm của mình, nhưng Apple lại là hãng biết cách làm nổi bật các công nghệ đó, đủ để tạo thành xu hướng trong giới công nghệ mà các hãng phải noi theo.
Như với chiếc iPhone đầu tiên đã đề cập ở đầu bài viết. Đây không phải là chiếc smartphone màn hình thuần cảm ứng đầu tiên xuất hiện trên thị trường, tuy nhiên, trước khi iPhone xuất hiện, đã có một sự đa dạng trong thiết kế smartphone trên thị trường, với nhiều kiểu dáng, mẫu mã khác nhau. Nhưng từ sau năm 2007, thị trường smartphone dường như có sự thống nhất trong thiết kế, khi các hãng sản xuất đều chú trọng đến màn hình cảm ứng, để giờ đây, smartphone cảm ứng đã trở thành tiêu chuẩn trên thị trường.
3 năm sau khi iPhone ra mắt và thống trị trên thị trường smartphone, Apple tiếp tục ra mắt iPad, “khai sinh” nên phân khúc sản phẩm mới: máy tính bảng. Ngay lập tức, các hãng công nghệ chú trọng đến phân khúc sản phẩm mới này, giúp thị trường máy tính bảng trở nên sôi động và nhộn nhịp hơn.
Không phải là máy tính bảng được ra mắt đầu tiên, nhưng iPad lại được xem là sản phẩm “khai sinh” ra thị trường máy tính bảng |
Chính sự thành công của iPad khiến nhiều người lầm tưởng rằng chính Apple là hãng “khai sinh” ra khái niệm máy tính bảng, nhưng ít ai biết rằng Microsoft đã từng ra mắt chiếc máy tính bảng chạy Windows XP từ năm 2002, nghĩa là 8 năm trước khi Apple ra mắt iPad. Lenovo, HP cũng đã ra mắt các mẫu máy tính chạy Windows khá lâu trước khi iPad ra mắt, tuy nhiên, chỉ đến khi Apple trình làng iPad, khái niệm máy tính bảng mới trở nên phổ biến và nhiều người biết đến hơn, và hiển nhiên, Apple được xem là “cha đẻ” của khái niệm máy tính bảng.
Nhắc đến việc tạo xu thế trên thị trường, không thể không nhắc đến tính năng cảm biến vân tay. Dĩ nhiên, Apple không phải là hãng đầu tiên trang bị tính năng cảm biến vân tay trên smartphone, tuy nhiên, kể từ thời điểm ra mắt iPhone 5S được tích hợp cảm biến vân tay vào năm 2013, đây trở thành một tính năng “gây sốt” và cảm biến vân tay được chú trọng nhiều hơn. Hiện nay, đây trở thành một tính năng không thể thiếu trên các mẫu smartphone từ tầm trung đến cao cấp.
Hay gần đây nhất là kiểu thiết kế màn hình “tai thỏ” trên iPhone X. Không cần nói cũng biết, sau iPhone X ra mắt vào năm 2017, màn hình “tai thỏ” đã trở nên thịnh hành và phổ biến như thế nào trên thị trường smartphone.
Màn hình “tai thỏ” trên iPhone X cũng đã tạo nên một xu thế trên thị trường smartphone |
Vẫn còn rất nhiều tính năng, công nghệ khác mà Apple được xem là người tiên phong và tạo ra xu thế, tuy nhiên những liệt kê kể trên cũng đã phần nào cho thấy Apple đóng vai trò quan trọng như thế nào trên thị trường công nghệ. Không quá khi nói rằng chính Apple là hãng đã định hình nền thị trường smartphone hay máy tính bảng ngày nay.
Apple đã tự “làm xấu” mình bằng những sản phẩm thiết kế “lỗi” và thiếu tinh tế
Sau khi Steve Jobs đột ngột qua đời vào tháng 10/2011, nhiều người đã đặt ra câu hỏi, liệu Tim Cook có vượt qua được cái bóng quá lớn của Steve Jobs để điều hành Apple thành công? Thực tế đã chứng minh, Tim Cook không bị lấn át quá lớn bởi cái bóng của Steve Jobs khi tiếp tục điều hành Apple để trở thành “cỗ máy in tiền”, liên tục phá vỡ những kỷ lục doanh số và giúp Apple luôn đứng đầu trong danh sách những công ty giá trị nhát hành tinh.
Tuy nhiên, bên cạnh những khoản doanh thu khổng lồ, Apple đang dần mất đi hình ảnh của một công ty đề cao sự hoàn thiện mà Steve Jobs đã gây dựng dưới “triều đại” của mình.
Những lỗi ngớ ngẩn trên Apple Maps là một “vết dơ” khó quên trong lịch sử của Apple |
“Cú vấp ngã” đáng nhớ đầu tiên dưới “thời đại” của Tim Cook đó là ứng dụng bản đồ Apple Maps, được ra lần đầu vào tháng 9/2012, nhằm thay thế ứng dụng bản đồ Google Maps trên iOS. Tuy nhiên, đây lại là một sản phẩm đáng quên của Tim Cook và cả Apple, khi mà vừa ra mắt, Apple Maps đã gặp phải hàng loạt lỗi, trong đó có những lỗi hết sức sơ đẳng và không thể chấp nhận được như hình ảnh hiển thị bị méo mó, chức năng chỉ đường không chính xác....
Sau cú “vấp ngã” Apple Maps, nhiều người đã đặt ra câu hỏi nếu Steve Jobs vẫn còn sống, liệu Apple có gặp phải một lỗi sơ đẳng và không thể chấp nhận được như vậy hay không? Hay Steve Jobs sẽ yêu cầu các nhân viên của Apple phải phát triển sản phẩm một cách hoàn thiện trước khi công bố rộng rãi?
Không chỉ gặp lỗi về thiết kế phần mềm, các sản phẩm phần cứng gần đây của Apple cũng bị nhiều người chỉ trích vì những “thảm họa thiết kế”.
Lớp vỏ kiêm pin mở rộng Smart Battery dành cho iPhone được đánh giá là “sản phẩm xấu nhất của Apple” |
Chẳng hạn như lớp vỏ bảo vệ kiêm pin mở rộng Smart Battery dành cho iPhone, được Apple ra mắt lần đầu tiên vào năm 2015 dành cho iPhone 6/6S và vẫn tiếp tục cho các phiên bản iPhone sau này. Nhiều người dùng và giới công nghệ đã gọi đây là thiết kế “xấu nhất của Apple từ trước đến nay” vì lớp vỏ này có thiết kế như một... cục bướu lồi lên ở sau lưng iPhone khi được mang lên sản phẩm.
Hay gần đây nhất là loạt iPhone 11 mới ra mắt của Apple. “Quả táo” đã không thay đổi nhiều trong thiết kế sản phẩm, nhưng đã trang bị cho loạt iPhone của mình cụm camera nổi bật ở mặt sau, với kích cỡ các ống kính được thiết kế khá lớn. Thậm chí, thiết kế này đã khiến cho những người mắc “hội chứng sợ lỗ tròn” (Trypophobia) cảm thấy phải rùng mình mỗi khi nhìn vào khi các lỗ hình tròn được đặt quá sát nhau.
Thiết kế cụm camera trên iPhone 11 Pro có thể khiến nhiều người mắc “hội chứng sợ lỗ tròn” cảm thấy rùng mình |
Không chỉ thiết kế thiếu thẩm mỹ, nhiều sản phẩm của Apple dưới thời Tim Cook cũng bị đánh giá là thiếu tinh tế và thậm chí là... khá vô duyên.
Đơn cử như cây viết stylus Apple Pencil phiên bản đầu tiên dành cho chiếc máy tính bảng cỡ lớn iPad Pro ra mắt năm 2015. Sẽ không có gì đáng nói nếu như cây viết stylus này được sạc thông qua cổng Lightning của iPad Pro, nghĩa là khi đang sạc, cây viết này sẽ ở tư thế hết sức mỏng manh mà chỉ cần một sự va chạm nhẹ cũng có thể gây nên hư hỏng cho cây viết Apple Pencil hoặc iPad Pro. Apple sau đó đã khắc phục nhược điểm này ở phiên bản Apple Pencil thế hệ thứ 2 và thứ 3.
Không dừng lại ở đó, chuột máy tính Magic Mouse 2 ra mắt hồi tháng 10/2015, là phiên bản chuột không dây đầu tiên của Apple không sử dụng pin AA rời, mà được tích hợp pin lithium-ion ngay bên trong sản phẩm và sạc pin thông qua cổng kết nối Lightning. Sẽ không có gì đáng nói nếu cổng sạc của Magic Mouse 2 không nằm bên dưới sản phẩm, nghĩa là khi đang cắm sạc, người dùng sẽ không thể sử dụng con chuột không dây này, một điều gây rất nhiều bất tiện cho người dùng.
Chuột Magic Mouse 2 với kiểu thiết kế thiếu tinh tế khi không thể vừa sạc pin vừa sử dụng |
Hay như với bàn phím “cánh bướm” được Apple trang bị đầu tiên trên MacBook phiên bản 2015. Bàn phím với thiết kế này giúp laptop mỏng hơn và Apple tự tin là đem lại cảm giác gõ tốt hơn. Nhưng chỉ vài tuần sau khi ra mắt, bàn phím này đã bị người dùng phàn nàn vì quá nông khiến cảm giác gõ không thoải mái.
Đã 4 năm kể từ khi ra mắt bàn phím “cánh bướm” đầu tiên, rất nhiều lời phàn nàn về sự phiền toái do kiểu bàn phím này trên MacBook, nhưng Apple vẫn đang loay hoay và chưa thể tìm được giải pháp xử lý triệt để. Nhiều trang công nghệ lớn nhận định đã đến lúc Apple cần phải có giải pháp để thay thế bàn phím “cánh bướm” trên MacBook nếu không muốn làm ảnh hưởng đến danh tiếng của mình.
Apple dưới thời Tim Cook - Khi lợi nhuận đặt trên tất cả
Kể từ khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011, phải đến năm 2015, Apple mới mở ra thêm một phân khúc sản phẩm mới của riêng hãng với chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch. Tuy nhiên, khác với iPhone hay iPad trước đây, trước Apple Watch, thị trường smartwatch đã rất sôi động với nhiều sản phẩm khác nhau.
Nếu nhìn sang các “đối thủ” lớn của Apple như Microsoft hay Google thì các “ông lớn” này giờ đây đang tập trung phát triển những công nghệ mới như kính thực tế ảo HoloLens (cùng công nghệ Windows Holographic, có thể biến thế thực thành thế giới ảo hết sức độc đáo) của Microsoft, xe hơi tự lái của Google... thì Apple dường như vẫn đang đi con đường an toàn, thay vì mạo hiểm với những thử thách mới mẻ hơn.
Có vẻ như con đường an toàn này của Apple vẫn đang giúp công ty “hái ra tiền”, với những khoảng lợi nhuận khiến nhiều công ty phải thèm muốn và luôn đứng trong danh sách những công ty giá trị nhất hành tinh... do vậy hoàn toàn có thể hiểu được Apple không cần phải thay đổi quá nhiều khi vẫn đang thành công với con đường của mình.
Chính vì sự an toàn này nên Apple dường như rất ít thay đổi trong các sản phẩm mới của mình. Mỗi phiên bản iPhone, iPad hay Apple Watch mới ra mắt hàng năm, sự thay đổi lớn nhất vẫn chỉ là cấu hình bên trong hoặc một chút về thiết kế, chứ không còn là sự đột phát về tính năng hay thiết kế hoàn toàn mới mẻ.
Chẳng hạn như loạt iPhone 11 mới ra mắt gần đây. Ngoại trừ việc nâng cấp cấu hình bên trong hay thay đổi một chút về cấu hình bên ngoài (kích cỡ màn hình và thiết kế mặt trước không thay đổi so với phiên bản cũ) thì Apple không trang bị thêm các tính năng quá đột phá được nhiều người trông đợi như sạc ngược không dây hay hỗ trợ kết nối 5G... để có thể cạnh tranh với các đối thủ.
Hay như chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch Series 5 được ra mắt với iPhone 11, sản phẩm vẫn giữ nguyên thiết kế so với phiên bản cũ và hầu như không có một tính năng mới thực sự đột phá nào.
Tim Cook vẫn đang làm tốt trong việc giúp Apple kiếm tiền, nhưng phải chăng đã đến lúc cần phải mạo hiểm hơn? |
Là một công ty, lẽ dĩ nhiên điều quan trọng nhất đối với Apple đó là kiếm được càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Tuy nhiên, với giới công nghệ và những người yêu mến Apple, họ đã quá quen thuộc với hình ảnh một công ty sáng tạo, tiên phong trong công nghệ và luôn hoàn hảo trong thiết kế cả sản phẩm lẫn phụ kiện.
Bất chấp những lời chê bai về một Apple nhàm chán, thiếu đi sự sáng tạo... thì với những người làm kinh tế như Tim Cook hay các nhà đầu tư của Apple, lợi nhuận mới là điều đáng quan tâm nhất. Và cho dù không còn là hãng tiên phong như trước đang phải chạy theo những xu thế của thị trường, thì với cái mác Apple cùng đội ngũ người dùng trung thành, chắc hẳn Apple vẫn sẽ tiếp tục thành công, chí ít là về mặt lợi nhuận, trong khoảng thời gian tới.
Tuy nhiên, những dấu hiệu gần đây cho thấy con đường của Apple đã không còn thực sự an toàn, khi iPhone không còn là “con gà đẻ trứng vàng”, mang về những khoản lợi nhuận khổng lồ như trước đây. Doanh số iPhone sụt giảm khiến doanh thu cũng bị sụt giảm theo và nhiều nhà phân tích thị trường đã dự đoán Apple cần phải tìm cách giảm sự phụ thuộc vào iPhone như hiện nay.
Có lẽ đã đến lúc Tim Cook cho thấy tài năng lãnh đạo của mình để giúp Apple mạo hiểm, sáng tạo ra những cái mới, thay vì khai thác và phát triển những di sản mà Steve Jobs đã để lại trong thời gian qua.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ sao về Apple dưới sự dẫn dắt của Tim Cook? Hãy chia sẻ quan điểm của mình ở bình luận bên dưới.
Theo Dân trí
Apple giảm giá bán iPad Pro |
Cuộc chiến thương mại của Donald Trump với Trung Quốc sẽ “giáng đòn” vào Apple cuối tuần này |
Apple gửi thư mời ra mắt iPhone mới |